
Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2022: Viết tiếp nét đẹp văn hoá truyền thống của người dân ven biển phía Bắc
04/09/2022TN&MTSáng 4/9, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2022 diễn ra tại sân vận động Đồ Sơn, TP Hải Phòng viết tiếp nét văn hoá truyền thống của người dân ven biển phía Bắc và làm phong phú hơn cho sự hấp dẫn của du lịch địa phương.
Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2022 với sự tham gia của 16 “ông trâu” đến từ 6 phường trong đó mỗi phường trên địa bàn được đăng ký 2 suất trâu; mỗi ông chủ trâu có giải nhất, nhì, ba năm 2019 sẽ được đăng ký 1 suất. Các trâu sẽ được chia cặp thi đấu để chọn 4 con vào bán kết. Hai trâu thắng bán kết sẽ tranh chức vô định, hai trâu thua xếp đồng hạng ba.
Lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn 2022 được khởi động bằng những phong tục truyền thống xưa.
Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được khôi phục từ năm 1990, được tổ chức thường niên vào dịp mùng 9/8 Âm lịch. Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/12/2012. Năm 2022, UBND quận Đồ Sơn tiếp tục tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống sau 2 năm tạm dừng.
Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn 2022 nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy, khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày công nhận Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các chủ trâu đưa vào chờ sân đấu trước để tránh bị xử thua do vào muộn.
Thông tin từ UBND quận Đồ Sơn, Ban tổ chức Lễ hội Chọi trâu sẽ bố trí khoảng 400 nhân viên từ công an, quân sự, biên phòng, bảo vệ chuyên nghiệp để đảm bảo an ninh trong và ngoài khu vực thi đấu. Công an sẽ mặc thường phục tuần tra để ngăn chặn, xử lý những trường hợp tổ chức, tham gia cá độ.
Do sân vận động sức chứa khoảng 20.000 chỗ ngồi nên Ban tổ chức sẽ kiểm soát lượng du khách, người dân vào sân vận động xem chọi trâu bằng vé mời và giấy mời. Những người không có giấy mời sẽ xem chọi trâu được truyền hình trực tiếp tại 2 địa điểm đã được bố trí màn hình lớn, gần khu vực thi đấu.
Lượng khách năm nay tại lễ hội đông hơn dự kiến do được tổ chức trở lại sau 2 năm gián đoạn vì dịch COVID-19.
Ghi nhận của PV Tạp chí Tài nguyên & Môi trường, từ chiều 3/9, hầu hết khách sạn, nhà nghỉ tại Đồ Sơn đều cháy phòng. Khách du lịch từ TP HCM, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định… đã đổ về đây để thuê phòng nghỉ lại qua đêm, chờ sáng sớm vào sân vì lo sợ hết chỗ.
Với sự chuẩn bị vô cùng chu đáo, kĩ lưỡng, lễ hội năm nay nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của hàng vạn khán giả. Tuy nhiên, trong quá trình thi đấu cũng xảy ra những chuyện hy hữu.
Trong hầu hết các kháp đấu, các ông trâu đều sử dụng miếng đánh hổ lao để áp đảo đối phương. Miếng hổ lao uy lực, mạnh mẽ mỗi lần được sử dụng là khán giả hò reo cổ vũ.
Các kháp đấu dược diễn ra ngay sau phần lễ được cử hành trang nghiêm.
Trong kháp đấu tứ kết 2 giữa trâu số 32 và 31 (cùng đến từ phường Ngọc Hải) sau pha đấu đầu, trâu số 31 bỏ chạy, trâu số 32 đứng bất động trên sân do bị choáng, người nhà chủ trâu phải hỗ trợ mới đưa được trâu ra.
Đúng 12h18 trưa 28/9, bằng sự lỳ lợm và những miếng đánh hiểm, trâu số 20 của ông Lưu Đình Tới (phường Vạn Hương) đã giành giải nhất mùa lễ hội năm nay.
Trước đó, tại Đồ Sơn đã diễn ra 4/6 nội dung của phần Lễ gồm: Lễ dâng hương, thượng cờ khai hội tại đền Nghè và đền Nam Hải Thần Vương vào ngày 28/8 (1/8 Âm lịch); Lễ rước nước tại đền Nghè vào ngày 2/9 (7/8 Âm lịch); Lễ thần linh tại đền Nghè và sân vận động vào đêm 3/9 (8/8 Âm lịch).
Ngoài ra còn Lễ tống thần tại đền Nghè vào ngày 11/9 (16/8 Âm lịch); Lễ hiến sinh tại sân vận động và Lễ tế thần tại đình các phường có trâu đạt giải vào ngày 5/9 (10/8 Âm lịch).
Đỗ Hùng