Lào Cai: Cần ban hành sớm hướng dẫn về xử lý chất thải Gysp
17/01/2024TN&MTLào Cai hiện có 07 nhà máy sản xuất phốt pho vàng và 02 nhà máy sản xuất phân bón đã phát thải ra một lượng rất lớn tro xỉ, thạch cao hàng năm. Tuy nhiên vấn đề xử lý và tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn.
* Lào Cai: Xử phạt 85 triệu đồng Công ty Hoá chất Đức Giang do vi phạm trong bảo vệ môi trường
Tồn trữ trên 7 triệu tấn chất thải Gysp
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cho biết, hiện nay tro, xỉ, thạch cao phát sinh trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu các nhà máy sản xuất hóa chất (phốt pho vàng) và sản xuất phân bón tại KCN Tằng Loỏng.
Cụ thể, tại Lào Cai có 07 nhà máy sản xuất phốt pho vàng với tổng công suất 117.600 tấn/năm. Tổng khối lượng xỉ lò điện phát sinh hàng năm của 07 nhà máy sản xuất phốt pho vàng là trên 700.000 tấn/năm.
Bãi đổ thải chất thải Gysp của Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai đang tồn trữ trên 4 triệu tấn
Các nhà máy sản xuất phân bón khác như Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem có tổng khối lượng Gysp thải phát sinh đến thời điểm hiện tại khoảng 3,4 triệu tấn. Nhà máy sản xuất sản xuất Axit trích ly 100.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất phân lân giầu TSP 100.000 tấn/năm của Công ty TNHH MTV hóa chất Đức Giang Lào Cai cũng phát thải tổng khối lượng Gysp đến thời điểm hiện tại khoảng hơn 4 triệu tấn.
Đẩy mạnh xử lý, tiêu thụ
Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai đã tham mưu UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo và yêu cầu các doanh nghiệp phải có các giải pháp quản lý và chủ động xử lý tro, xỉ lò điện, Gysp thải phát sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời hàng năm, Sở chủ động phối hợp với Đoàn giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất trong KCN Tằng Loỏng.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các doanh nghiệp phát sinh tro xỉ, Gysp thải đã chủ động nghiên cứu tìm các giải pháp xử lý nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cơ bản, đến nay một số doanh nghiệp đã thực hiện việc chuyển giao tro xỉ, Gysp thải cho các đơn vị có nhu cầu, tái chế, tái sử dụng, cụ thể:
Đối với xỉ lò điện phát sinh từ quá trình sản xuất phốt pho vàng, hàng năm các cơ sở đã chuyển giao toàn bộ lượng phát sinh cho các doanh nghiệp có nhu cầu tái sử dụng làm phụ gia trong quá trình sản xuất vật liệu xây dựng. Cơ bản đến nay xỉ lò điện không còn tồn lưu, góp phần giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đồng thời tăng thêm nguồn thu cho doanh nghiệp để tái đầu tư, nâng cấp cải tạo môi trường và các mục đích khác.
Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai đã phát thải tổng khối lượng Gysp đến thời điểm hiện tại khoảng hơn 4 triệu tấn.
Còn với Gysp thải, Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai đã vận chuyển tập kết, lưu chứa tại bãi thải Gysp với tổng diện tích 12,1 ha, chiều cao lưu chứa 25 m, sức chứa khoảng 12 triệu tấn, bãi thải được đơn vị lót chống thấm bằng vật liệu HDPE. Để xử lý Gysp thải, Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai đã đầu tư dây chuyền để xử lý thạch cao với công suất 200.000 tấn/năm. Tính đến nay Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai đã chuyển giao khoảng 1.222.348 tấn cho một số doanh nghiệp làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, Gyps thải phát sinh của Công ty Cổ phần DAP số 2 Vinachem được vận chuyển, tập kết tại bãi lưu chứa tạm thời có diện tích 10,5 ha, sức chứa khoảng 3,8 triệu tấn, chiều cao lưu chứa từ 42-45 m. Tuy nhiên, do ảnh hưởng liên quan đến đường điện cao thế 220Kv và 110 kv chạy qua bãi thải Gysp nên UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định số 1811/QĐ-UBND ngày 22/6/2020 điều chỉnh quy định chiều cao đổ thải tối đa xuống còn 30 m và hiện nay Công ty Cổ phần DAP số 2 Vinachem đang đổ thải ở mức dưới 30 m. Bãi lưu chứa đã được đơn vị lót chống thấm bằng vật liệu HDPE. Trước đây, thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty Cổ phần DAP số 2 Vinachem đã nghiên cứu xây dựng Đề án xử lý Gysp thải. Do giá thành cao khó cạnh tranh nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vì vậy đến thời điểm hiện nay Gysp thải phát sinh chưa được chuyển giao dẫn đến bãi thải hiện đang quá tải có khả năng dừng hoạt động.
Bãi đổ thải chất thải Gysp của Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem đang tồn trữ khoảng 3,4 triệu tấn
Trong năm 2023, Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem đã lập dự án đầu tư xây dựng dây truyền xử lý, tái chế Gysp công suất 850.000 tấn/năm. Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo ĐTM tại Quyết định số 2828/QĐ-BTNMT ngày 02/10/2023. Việc triển khai dự án sẽ giải quyết được vấn đề tồn đọng Gysp thải hiện nay của Công ty và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Cần ban hành sớm hướng dẫn về xử lý chất thải Gysp
Cũng theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, để xử lý tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy sản xuất hóa chất, phân bón, nhiệt điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai kiến nghị một số nội dung sau.
Theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điệt, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng thì đến năm 2020 diện tích bãi thải của các cơ sở lưu chứa không quá 02 năm sản xuất. Thực tế, do tính chất đặc thù Gysp thải để đảm bảo quá trình phong hóa chuyển sang chất thải thông thường cần thời gian tối thiểu 05 năm. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn đổ thải chất thải Gysp cho các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Lào Cai với thời hạn 05 năm.
Cùng với đó, đề nghị các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ sớm ban hành hướng dẫn về xử lý Gysp theo chức năng nhiệm vụ của các bộ/ngành tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cũng như địa phương triển khai thực hiện.
>>>>> Xin vui lòng xem thêm:
- Lào Cai: Hướng đến quản lý hiệu quả tài nguyên nước
- Lào Cai: Nhiều doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản
Đỗ Hùng