Lâm Đồng: Phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật
18/10/2024TN&MTNgày 17/10, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng cho biết, để tổ chức thi hành luật TNN năm 2023 kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh trong lĩnh vực TN&MT, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5743/QĐ-UBND ngày 10/7/2024 triển khai thi hành Luật TNN số 28/2023/QH15 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; đồng thời, Sở TN&MT cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành cho các địa phương, Sở, ngành và các đơn vị khai thác TNN trên địa bàn tỉnh để biết, chủ động nghiên cứu và thực hiện các quy định mới về quản lý, khai thác TNN.
Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng phát biểu
Ông Nguyễn Văn Đức cũng cho biết, được sự quan tâm, phối hợp của Cục Quản lý TNN, Sở TN&MT tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật TNN và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật nhằm trang bị kiến thức cơ bản để triển khai, thi hành Luật TNN năm 2023 và các Nghị định, Thông tư thi hành Luật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Để triển khai có hiệu quả hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới về TNN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng Nguyễn Văn Đức cũng đề nghị các đại biểu tập trung, nghiêm túc nghiên cứu tài liệu liên quan, lắng nghe các nội dung trình bày của báo cáo viên, dành trọn thời gian để cùng nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, nhằm đưa ra những vấn đề sát thực tế, nhất là thảo luận để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận dụng, áp dụng Luật TNN và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành.
“Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải tự nỗ lực nghiên cứu tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn các quy định tại các văn bản để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn khi tham mưu xử lý hồ sơ phải chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; mỗi tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, sử dụng TNN tự nghiên cứu các quy định của pháp luật về TNN để tuân thủ, áp dụng đúng, đầy đủ các quy định pháp luật” - Ông Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh!.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý TNN Ngô Mạnh Hà cho biết, ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật TNN số 28/2023/QH15, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Bộ TN&MT cũng đã ban hành 03 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật, các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật TNN có hiệu lực, ngày 01/7/2024.
Ông Ngô Mạnh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý TNN phát biểu
Luật TNN và các văn bản quy định chi tiết được ban hành, đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị TNN trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là còn nhiều thách thức. Bốn nhóm chính sách, gồm 1. Bảo đảm an ninh nguồn nước; 2. Xã hội hóa ngành nước; 3. Kinh tế TNN và 4. Bảo vệ TNN, phòng, chống tác hại do nước gây ra được thể hiện xuyên suốt trong Luật tại các quy định về: (i) Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng TNN, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; (ii). Điều tra cơ bản TNN, chiến lược, quy hoạch TNN; (iii). Quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước; (iv). Điều hoà, phân phối TNN; (v). Khai thác, sử dụng TNN; (vi). Phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra; (vii). Công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ TNN; (viii). Hợp tác quốc tế về TNN; (ix). Thanh tra, kiểm tra về TNN và (x). Quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về TNN.
Luật TNN và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...). Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 02 Nghị định, 03 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật TNN (đều có hiệu lực thi hành cùng với Luật TNN ngày 1/7/2024).
Phó Cục trưởng Cục Quản lý TNN Ngô Mạnh Hà cho biết, Lâm Đồng là một trong những tỉnh đầu nguồn của các con sông lớn như sông Đồng Nai, sông La Ngà. Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cũng là một trong những tỉnh chuyển nước cho các địa phương nhiều nhất như Ninh Thuận, Bình Thuận và các hệ thống hồ chứa Đại Ninh và Đa Nhim. Tỉnh Lâm Đồng đã phát triển nhiều thủy điện lớn, tuy nhiên, vấn đề khai thác, sử dụng nước ở hạ lưu các hồ chứa thủy điện, thủy lợi còn tồn tại nhiều vấn đề về an toàn lũ, lụt, cấp nước cho hạ du.
Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà chia sẻ, trong hệ thống pháp luật TNN mới ban hành, việc phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương là tối đa nhất. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội thì vấn đề phân công phân cấp triệt để được thể hiện xuyên suốt trong 10 Chương, 86 Điều của Luật TNN. Trong đó, bao gồm những nội dung phân cấp cụ thể trong khai thác sử dụng TNN; phân cấp trong quản lý bảo vệ, phòng chống tác hại do nước gây ra; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh; trách nhiệm của UBND cấp huyện; trách nhiệm của UBND cấp xã;...
Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà cũng mong muốn các đại biểu đóng góp những ý kiến trao đổi về nội dung, phạm vi trách nhiệm được giao để sau hội nghị, các chính sách pháp luật về TNN được triển khai hiệu quả, thông suốt trong thực tế.
Trong chương trình Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên thuộc Cục Quản lý TNN (Bộ TN&MT) giới thiệu tổng quan về những điểm mới của Luật TNN năm 2023 và Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNN, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ TNN và tiền cấp quyền khai thác TNN; Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNN; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TNN và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản TNN; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc TNN dưới đất. Đồng thời, phổ biến trách nghiệm của các cấp, ngành ở địa phương; trách nhiệm của các tổ chức khai thác, sử dụng nước trong việc chấp hành các quy định của Giấy phép khai thác và quy định pháp luật về TNN.
Trên cơ sở những nội dung được trình bày, Lãnh đạo Cục Quản lý TNN và các báo cáo viên cũng trao đổi, giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các đại biểu trong quá trình nghiên cứu, triển khai các Luật TNN 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật tại địa phương; đặc biệt là trách nhiệm của UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc thực hiện các quy định của pháp luật TNN; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng TNN trong việc chấp hành các quy định của pháp luật TNN.
Thanh Tâm