Lai Châu: Tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước năm 2023
07/10/2024TN&MTSáng nay 7/10/2024, tại tỉnh Lai Châu, Sở TN&MT Lai Châu đã tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật TNN số 28/2023/QH15 và các các Nghị định, Thông tư thi hành Luật. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tòa nhà VNPT Lai Châu, TP. Lai Châu, tỉnh Lai Châu kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại UBND các huyện, thành phố; UBND cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giám đốc Sở TN&MT Lai Châu Mai Văn Thạch cho biết, nhằm tổ chức thi hành Luật TNN năm 2023 kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 1741/KH-UBND ngày 10/5/2024 của UBND tỉnh Lai Châu về việc triển khai thi hành Luật TNN năm 2023. Trên cơ sở này, ngày 06/9/2024, Sở TN&MT Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 2346/KH-STNMT ngày về việc tổ chức hội nghị phố biến, tuyên truyền Luật TNN số 28/2023/QH15 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành.
“Đây là Hội nghị quan trọng, cấp thiết, trang bị kiến thức cơ bản để triển khai, thi hành Luật TNN số 28/2023/QH15. Chính vì vậy, đề nghị các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tuyên truyền, phổ biến Luật TNN và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đến các cán bộ, công chức, viên chức, lao động; các tổ chức, cộng đồng dân cư và nhân dân để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ TNN; các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn chủ động tham mưu, thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ TNN thuộc trách nhiệm của mình đảm bảo tiến độ, hiệu quả”, ông Mai Văn Thạch nhấn mạnh!.
Ông Mai Văn Thạch cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 96 sông, suối thuộc Danh mục lưu vực sông liên tỉnh và Danh mục sông nội tỉnh. Trong đó, có 04 sông liên tỉnh lớn trên địa bàn tỉnh, gồm: Sông Đà, sông Nậm Na, sông Nậm Mạ, sông Nậm Mu. Mạng lưới sông suối của tỉnh phân phối tương đối đều.
Giám đốc Sở TN&MT Mai Văn Thạch phát biểu tại Hội nghị
Sông, suối trên địa bàn tỉnh Lai Châu vừa có tác dụng dẫn nước cung cấp nước tưới cho ruộng đồng, vừa là nguồn nước cấp cho các nhà máy xử lý nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Đặc biệt sông suối ở đây có địa hình dốc nên có tiềm năng phát triển thủy điện rất lớn, đến nay đã có 160 dự án thủy điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với quy mô tổng công suất 4.271,35MW, điện lượng trung bình năm là 15,6 tỷ triệu kWh, trong đó: 122 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, với quy mô tổng công suất 3.866,15MW, điện lượng trung bình năm là 14.144 triệu kWh; 60 dự án đã đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất 3.040,85MW, điện lượng trung bình năm 11.332 triệu kWh.
Toàn tỉnh Lai Châu có 81 hồ, đập chứa nước trong đó có 15 hồ chứa có dung tích trên 01 triệu m3, 66 hồ chứa nước dưới 01 triệu m3, đặc biệt các hồ chứa lớn đều là các hồ thủy điện như: Bản Chát 2137,7 triệu m3, Lai Châu 1215,1 triệu m3, Huội Quảng 184,2 triệu m3. Bên cạnh đó, tổng trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác của tỉnh Lai Châu là 1.706.005 m3/ngày, trong đó tầng chứa nước phong phú nhất, có thể khai thác phục vụ cho các mục đích cấp nước là tầng chứa nước p1-2 với trữ lượng có thể khai thác là 327.754 m3/ngày. Ngoài ra, còn một số tầng có khả năng khai thác trên địa bàn tỉnh Lai Châu là các tầng chứa nước: k, s-d1, t2, t3.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý TNN trên địa bàn tỉnh, ông Mai Văn Thạch cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống quan trắc, giám sát TNN nên chưa giám sát nguồn nước, chất lượng nước tại đầu nguồn để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước từ Trung Quốc về tỉnh Lai Châu. Bên cạnh đó, một số công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển TNN trên địa bàn tỉnh chưa được đưa vào Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, về phía địa phương cũng kiến nghị các cơ quan trung ương sớm điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, địa phương cũng kiến nghị bổ sung kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ trong Kế hoạch số 1000/KH-UBND ngày 31/3/2022 về việc điều tra cơ bản TNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với các nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn, như: Thực hiện cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; Kiểm kê TNN đối với nguồn nước nội tỉnh; Điều tra, đánh giá, xác định và công bố dòng chảy tối thiểu; khả năng tiếp nhận nước thải trên các sông, suối nội tỉnh; Thực hiện điều tra, khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh;…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý TNN Nguyễn Minh Khuyến cho biết, ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật TNN số 28/2023/QH15. Để quy định chi tiết thi hành Luật, ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNN, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ TNN và tiền cấp quyền khai thác TNN. Đồng thời, ngày 16/5/2024, Bộ TN&MT cũng đã ban hành 03 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật (số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNN; số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TNN và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản TNN; số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc TNN dưới đất). Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật TNN có hiệu lực, ngày 01/7/2024.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý TNN Nguyễn Minh Khuyến phát biểu tại Hội nghị
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến, Luật TNN 2023 đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị TNN “chuyển dần từ phương thức quản lý hành chính sang quản lý hành chính kết hợp công cụ kinh tế” trong bối cảnh TNN Việt Nam được đánh giá đang đứng trước nhiều thách thức. Theo đó, việc quản lý TNN thông qua 04 nhóm chính sách được thể hiện xuyên suốt trong Luật, bao gồm: (1) Bảo đảm an ninh nguồn nước; (2) Xã hội hóa ngành nước; (3) Kinh tế TNN; (4) Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra.
Bốn nhóm chính sách này được thể hiện xuyên suốt nội dung Luật TNN và các văn bản hướng đẫn với các điểm mới được bổ sung tại 10 chương về: (i) Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng TNN, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; (ii). Điều tra cơ bản TNN, chiến lược, quy hoạch TNN; (iii). Quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước; (iv). Điều hoà, phân phối TNN; (v). Khai thác, sử dụng TNN; (vi). Phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra; (vii). Công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ TNN; (viii). Hợp tác quốc tế; (ix). Thanh tra, kiểm tra và (x) trách nhiệm thi hành.
Trong đó, có một số điểm mới cụ thể về: (1) phục hồi nguồn nước; (2) ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; (3) xây dựng kế hoạch sử dụng nước trên cơ sở kịch bản nguồn nước do Bộ TNMT công bố; (4) điều chỉnh bỏ vùng cấm 3 và hỗn hợp đã công bố theo luật 2012; (5) đăng ký khai thác nước mặt, nước dưới đất (với tất cả quy mô); (6) hành lang bảo vệ TNN (được kế thừa các mốc, hành lang thủy lợi, đê, giao thông thủy); (7) cập nhật kết quả điều tra cơ bản vào hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) TNN quốc gia; (8) quy định cụ thể quy trình kiểm tra TNN; (9) quy định cụ thể quy trình chuyển đổi, di chuyển trạm quan trắc nước dưới đất; (10) Ban hành danh mục hồ chứa phải có quy chế phối hợp; (11) Công trình trọng điểm phải được Chính phủ ban hành danh mục và có bảo vệ theo quy định; (12) Điều tra cơ bản về bảo vệ nguồn nước, chất lượng nước, phục hồi nguồn nưỡc đã quy định được sử dụng ngân sách bảo vệ môi trường; (13) quy định cụ thể hệ thống CSDL TNN theo quy định Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; (14) An ninh nguồn nước thể chế hóa Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập; (15) Hạch toán TNN, chỉ số an ninh nguồn nước, bổ sung nhân tạo nước dưới đất và một số nhệm vụ khác.
Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến cũng cho biết, Luật TNN và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...). Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 02 Nghị định, 03 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật TNN.
Để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật (Quyết định số 274-TTg ngày 02/4/2024), tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TNN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, ngay khi các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được ban hành, Bộ TN&MT đã có 03 văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phổ biến văn bản cũng như sẵn sàng triển khai khi các văn bản nêu trên có hiệu lực thi hành.
Nhấn mạnh việc triển khai Luật TNN năm 2023 và các văn bản chi tiết thi hành Luật trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến đề nghị, trong thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Lai Châu cần tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan liên quan tổ chức quán triệt, tập huấn và tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TNN, trong đó tập trung phổ biến đến các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng TNN trên địa bàn tỉnh để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về TNN.
Quang cảnh Hội nghị
Tiếp tục chỉ đạo rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng TNN thuộc trường hợp phải kê khai, đăng ký hoặc phải có giấy phép khẩn trương thực hiện thủ tục đăng ký hoặc nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về TNN năm 2023. Đặc biệt, triển khai thực hiện các quy định mới về kê khai nước dưới đất, đăng ký sử dụng mặt nước, đăng ký khai thác TNN; khẩn trương thực hiện cấp phép khai thác TNN đối với các công trình thủy lợi thuộc đối tượng phái có giấy phép theo quy định.
Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến cũng cho biết, về hành lang bảo vệ nguồn nước, Luật TNN năm 2023 đã quy định hành lang bảo vệ nguồn nước phải được công bố, quản lý theo pháp luật về TNN và pháp luật về đất đai. Do vậy, khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định tại Điều 27 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP để thực hiện việc quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đảm bảo tính đồng bộ với pháp luật về đất đai; Tổ chức rà soát, cập nhật, điều chỉnh, công bố Danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp theo quy định của Luật TNN năm 2023 và Nghị định 53/2024/NĐ-CP; xây dựng, ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất và phải hoàn thành trước ngày 01/7/2027; tăng cường công tác quản lý việc khai thác cát, sỏi lòng sông, đặc biệt là các tuyến sông lớn đang làm suy thoái lòng dẫn, gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, gây hạn chế khả năng lấy nước của các công trình lấy nước, tổ chức điều tra, đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông nội tỉnh.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả việc quản lý, giám sát khai thác sử dụng TNN và quản lý, lưu trữ thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Lai Châu; kết nối, cập nhật vào hệ thống giám sát khai thác sử dụng TNN của Trung ương. Đặc biệt, cập nhật đầy đủ giấy phép đã cấp; tăng cường công tác quan trắc, giám sát chặt chẽ diễn biến nguồn nước, đặc biệt nguồn nước từ nước ngoài vào để thông tin kịp thời cho các cơ quan, địa phương và nhân dân biết để chủ động triển khai các biện pháp khai thác, ứng phó phù hợp với từng giai đoạn; giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng TNN thuộc đối tượng phải có giấy phép khai thác, sử dụng TNN;...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên thuộc Cục Quản lý TNN (Bộ TN&MT) giới thiệu tổng quan về những điểm mới của Luật TNN năm 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, phổ biến trách nghiệm của các cấp, ngành ở địa phương; trách nhiệm của các tổ chức khai thác, sử dụng nước trong việc chấp hành các quy định của Giấy phép khai thác và quy định pháp luật về TNN.
Trên cơ sở những văn bản được giới thiệu, các báo cáo viên cũng trao đổi, giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các đại biểu trong quá trình nghiên cứu, triển khai các Luật TNN 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật tại địa phương.
Thanh Tâm