Kỳ 3: Khai thác và phát triển ngành nuôi trồng hải sản theo hướng bền vững
21/06/2024TN&MTViệt Nam là quốc gia biển với đường bờ biển trải dài trên 3.260 km, diện tích rộng, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, có nhiều đầm, vịnh kín gió, vùng ngập mặn và tỷ lệ mặt tiền hướng biển gấp 6 lần thế giới. Đây được đánh giá là tiềm năng lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành nuôi trồng và khai thác hải sản là một trong những trọng tâm phát triển đặt ra nhằm phát triển kinh tế biển xanh.
Tiến tới kinh tế biển xanh
Theo Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) về nguồn lợi hải sản, Việt Nam có mặt trong danh sách 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và danh sách 20 vùng biển có lợi ích kinh tế lớn nhất toàn cầu do hải sản đem lại. Đến nay ở vùng biển Việt Nam đã phát hiện được khoảng 12.000 loài sinh vật với trên 2.000 loài cá, trong đó khoảng 130 loài cá có giá trị kinh tế; trữ lượng cá biển của toàn vùng khoảng 4,2 triệu tấn; sản lượng cho phép khai thác chừng 1,7 triệu tấn/năm, bao gồm 850 nghìn tấn cá đáy, 700 nghìn tấn cá nổi nhỏ, 120 nghìn tấn cá nổi đại dương. Bên cạnh đó, biển Việt Nam còn nhiều nguồn lợi hải sản khác với khoảng 1.600 loài giáp xác, sản lượng cho phép khai thác 50 - 60 nghìn tấn/năm, trong đó hải sản có giá trị cao là tôm biển, tôm hùm, tôm mũ ni, cua, ghẹ; khoảng 2.500 loài động vật thân mềm, trong đó có các loài có giá trị kinh tế cao nhất là mực và bạch tuộc…
Phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản luôn hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái (Ảnh: Nguyễn Kiên)
Nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chung của Đề án là phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định về khai thác hải sản, như hỗ trợ vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá khai thác xa bờ, hỗ trợ chi phí nhiên liệu, hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, khắc phục rủi ro, thiên tai, hỗ trợ thiết bị thông tin, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, tạo cơ sở phát triển nhanh đội tàu cá đánh bắt xa bờ và tăng nhanh sản lượng.
Song song đó là phân bổ nguồn vốn đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ, như xây dựng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, ụ tàu, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó, các chính sách cũng hướng đến việc khuyến khích tiếp cận và áp dụng những thành tựu của khoa học công nghệ trong quá trình khai thác. Nhà nước cũng đã tiến hành đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn cao tại các cấp đại học, cao đẳng, nghề chuyên sâu,… để phục vụ quá trình phát triển các hoạt động khai thác hải sản.
Đến nay, cả nước đã có 71 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố ven biển đủ điều kiện hoạt động. Các khu neo đậu này có thể tiếp nhận tàu cá có chiều dài từ 15m đến 60m vào tránh trú bão. Trong số 71 khu neo đậu tránh trú bão, có 16 khu neo đậu cấp vùng, còn lại là các khu neo đậu cấp tỉnh. Có 3 khu neo đậu tránh trú bão đủ điều kiện hoạt động có sức chứa 2.000 tàu cá bao gồm Khu neo đậu vịnh Xuân Đài - Phú Yên, vịnh Cam Ranh - Khánh Hòa, Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, 92 cảng cá đã đi vào hoạt động ở 27 tỉnh, thành phố ven biển, đáp ứng được 82.000 tàu thuyền cập cảng làm hàng, và 49 cảng cá được chỉ định có đủ điều kiện chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác.
Với những tác động tích cực từ chính sách, sản lượng khai thác hải sản tăng hơn gấp 4 lần trong giai đoạn 1995 - 2020 với tăng trưởng trung bình 6%/năm, từ mức 929.000 tấn trong năm 1995 lên 3,85 triệu tấn trong năm 2020. Trong năm 2021, sản lượng khai thác hải sản đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm 2020 mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Hiện tại, bốn khu vực có tổng sản lượng khai thác hải sản lớn nhất cả nước hiện nay là Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long và Đồng bằng Sông Hồng. Tính đến cuối năm 2020, toàn quốc có 94.572 tàu cá; trong đó có 45.950 tàu cá có độ dài 6 - 12m, 18.425 tàu dài 12 - 15m, 27.575 tàu dài 15 - 24m và 2.662 dài trên 24m. Cả nước có 4.227 tổ đội hoạt động với 29.588 tàu cá, 179.601 lao động trên biển.
Thực hiện chương trình hành động phát triển kinh tế biển đã diễn ra ở nhiều tỉnh ĐBSCL (Ảnh: Nguyễn Kiên)
Xét về cơ cấu đội tàu, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện có số lượng tàu khai thác công suất trên 90 CV lớn nhất với 19.440 chiếc vào năm 2018 và tăng lên 20.119 chiếc vào năm 2020. Đồng bằng sông Hồng có tổng công suất các tàu có công suất trên 90 CV thấp nhấp, chỉ có 599,2 nghìn CV năm 2018 và tăng lên 723,6 nghìn CV vào năm 2020…
Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có lợi thế tiếp giáp cả biển Đông và biển Tây với bờ biển dài 750 km, chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước, hơn 360 nghìn km2 vùng biển và đặc quyền kinh tế, có nhiều đảo và quần đảo, đặc biệt có đảo Phú Quốc lớn nhất Việt Nam. Trong những năm qua, các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL, đặc biệt là 7 tỉnh ven biển là Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau đã triển khai thực hiện khá hiệu quả các chương trình hành động phát triển kinh tế biển.
Riêng tại tỉnh Kiên Giang hiện có 9.884 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên, trong đó tàu có chiều dài từ 15 m trở lên là 3.978 chiếc. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm đạt gần 600.000 tấn, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác hải sản của cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng ĐBSCL.
Tiềm năng lớn để phát triển
Theo Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), định hướng của ngành là chuyển dịch giảm sản lượng khai thác đánh bắt, chuyển dần sang tăng sản lượng nuôi biển nhưng vẫn đảm bảo xuất khẩu tăng trưởng giá trị kim ngạch hàng năm ở mức 4 - 5%, đồng thời quản lý chặt chẽ theo quy hoạch nuôi trồng hải sản để cải thiện chuỗi giá trị. Cũng theo Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư, Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích vùng biển, nhưng diện tích nuôi biển hiện chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước.
Quy hoạch nuôi trồng hải sản phải gắn với bảo vệ môi trường (Ảnh: Nguyễn Kiên)
Bởi theo Đề án phát triển nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu chung của Đề án là phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Trên cơ sở đó, từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8 - 2 tỷ USD. Thị trường tiêu thụ sản phẩm qua chế biến của Việt Nam chủ yếu là các nước EU, Mỹ và Nhật Bản. Hiện ngành Nuôi biển đã và đang phát triển mạnh tại nhiều địa phương có bờ biển như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Phú Yên, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau,… Đối tượng nuôi biển chính của Việt Nam bao gồm các nhóm nhuyễn thể, cá biển, giáp xác, rong tảo biển, hải sâm, sinh vật cảnh…
Để thực hiện thành công theo Đề án phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả. Các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản khuyến cáo, cần tạo dựng nên hệ sinh thái nuôi biển ven bờ, đảo gần bờ, từng bước hình thành và phát triển các khu nuôi biển tập trung với cơ cấu và tổ chức sản xuất hợp lý, gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp sức tải môi trường. Các địa phương cần xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị cho từng nhóm sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc và được chứng nhận chất lượng, gắn kết doanh nghiệp, hợp tác xã và ngư dân từ sản xuất giống, thức ăn, công nghiệp phụ trợ đến nuôi, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến công nghiệp, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Tập trung hình thành và phát triển các cộng đồng doanh nghiệp lớn tham gia nuôi biển công nghiệp xa bờ tại các tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau,… Trên cơ sở hình thành ngành công nghiệp nuôi biển xa bờ đồng bộ, hiện đại, đa dạng sản phẩm, năng suất cao, có chứng nhận chất lượng và chỉ dẫn địa lý, từng bước xây dựng Việt Nam có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta; sản lượng nuôi biển đạt 3 triệu tấn/năm, giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỉ USD. Qua đó, tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế thế giới, gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Thực hiện các giải pháp để nuôi biển theo hướng bền vững và hiệu quả (Ảnh: Nguyễn Kiên)
Riêng tại khu vực ĐBSCL, Kiên Giang có vùng biển rộng hơn 63.200 km2, với 143 hòn đảo lớn nhỏ và hơn 200 km chiều dài bờ biển, là lợi thế trong lĩnh vực phát triển kinh tế biển. Thời gian qua, tỉnh không ngừng nỗ lực thực hiện các giải pháp để nuôi biển, hướng đến phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả. Theo đó, Kiên Giang từng bước giảm dần số lượng tàu và sản lượng khai thác, chú trọng chất lượng, đồng thời chuyển sang nuôi biển, tăng quy mô và năng suất nuôi biển, tăng sản lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, hai huyện ven biển của tỉnh là An Biên và An Minh có nghề nuôi sò huyết từ cách đây hơn 30 năm, hiện đang phát triển mạnh. Con sò huyết được nuôi tập trung ở các bãi bồi ven biển và dưới tán rừng phòng hộ, nổi tiếng ngon, ngọt, béo, chắc thịt. Gần đây, sò huyết còn được nuôi xen canh với tôm, cua biển trong ao vuông, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, nghề nuôi sò huyết không chỉ mang lại cuộc sống ổn định cho các hộ dân mà còn hình thành được thương hiệu tập thể “Sò huyết An Biên - An Minh”.
Tại các đảo ở Kiên Giang, nghề nuôi lồng bè nhiều năm qua cũng đã trở thành thương hiệu. Điển hình như xã đảo xa nhất của Kiên Giang là Thổ Châu cũng phát triển mạnh nghề này. Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch vùng nuôi biển bao gồm TP. Phú Quốc, huyện đảo Kiên Hải và các xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ (Kiên Lương), Tiên Hải (TP. Hà Tiên), với các mặt hàng đang “hot” trên thị trường như cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá chẽm, tôm hùm xanh, tôm tít, ngọc trai… Riêng tại các vùng ven biển gần bờ như TP. Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh phát triển nuôi các loại nhuyễn thể, như: sò huyết, sò lông, vẹm xanh, nghêu lụa, hến biển, hàu, trồng rong, tảo biển… khá thành công.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Kiên Giang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, bảo đảm môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển, hải đảo phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, nhằm triển khai thực hiện nội dung của Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL.
Nguyễn Kiên - Quốc Chánh
Kỳ 4: Phát triển các hệ thống cảng biển và dịch vụ logistics