Kinh nghiệm triển khai nhiều mô hình giảm thiểu rác nhựa ở Phú Quý
14/10/2024TN&MTNhững năm qua, huyện đảo Phú Quý đã tập trung triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường nhằm thay đổi diện mạo của huyện đảo này theo hướng xanh, bền vững, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận được biết đến là một trong những địa phương có tiềm năng kinh tế biển, nhất là về lĩnh vực thủy sản và du lịch dịch vụ. Tuy nhiên, đi đôi phát triển kinh tế thì ô nhiễm môi trường tại một số nơi bị ảnh hưởng và có nguy cơ ô nhiễm cao, rác thải nhựa tràn lan,… Do đó, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ môi trường (BVMT), hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững của người dân địa phương và trở thành một điểm đến thân thiện, xanh - sạch - đẹp trong mắt du khách, huyện Phú Quý đã cùng với một số tổ chức phi chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương sở tại vào cuộc với nhiều giải pháp thực hiện rất thiết thực, trong đó có việc hỗ trợ cộng đồng, nâng cao năng lực, thay đổi hành vi trong phân loại rác thải, bảo vệ môi trường.
Tại tất cả các Hội nghị - Tập huấn về nâng cao nhận thức về phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa tại đảo nhựa tại đảo Phú Quý, nhiều kinh nghiệm, giải pháp phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa tại các đảo, đặc biệt là mô hình giảm rác thải nhựa tại Cù Lao Chàm. Theo đó, nhiều hoạt động đã được triển khai đồng bộ từ trong sinh hoạt hằng ngày của người dân, việc kinh doanh của các tiểu thương đến khách du lịch.
Bài học được lãnh đạo huyện Phú Quý chia sẻ kinh nghiệm triển khai những mô hình về giảm thiểu rác thải nhựa, cụ thể như sau:
Mô hình nhóm thu gom nhựa tái chế (ve chai) dựa trên phân loại rác thải tại nguồn để cải thiện sinh kế cho người dân tại huyện Phú Quý; Mô hình kinh tế tuần hoàn và phân loại rác thải tại Trường THPT Ngô Quyền; Mô hình khu dân cư thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý thu gom phân loại rác thải tại nguồn, làm phân compost...
Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về những quy định pháp luật về BVMT; đồng thời, triển khai việc cải tạo cảnh quan môi trường trên các tuyến đường; xây dựng các mô hình BVMT tại các khu dân cư; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản, xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT.
Huyện đảo Phú Quý còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận đầu tư Nhà máy xử lý và tái chế rác thải với công suất 70 tấn/ngày, xử lý bằng công nghệ đốt kết hợp làm phân vi sinh. Công trình đi vào hoạt động từ tháng 4/2021, đến nay cơ bản giải quyết được toàn bộ lượng rác thải phát sinh hằng ngày tại địa phương (khoảng 35-40 tấn/ngày) và gần 139.000 tấn rác thải tồn đọng trước đó.
Ngoài ra, Phú Quý cũng tập trung việc khuyến khích các dự án đầu tư phát triển du lịch xanh gắn bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, thân thiện môi trường; hỗ trợ các công ty tổ chức các sản phẩm du lịch xanh, các tour chuyên đề với mục tiêu kết hợp du lịch với hoạt động BVMT bằng những việc làm thiết thực như: trồng cây xanh, nhặt rác trên bãi biển, sử dụng túi ni lông tự hủy, nói không với rác thải nhựa.
PV