
Kiến nghị 8 chính sách cốt lõi xây dựng nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa
23/05/2023TN&MTDưới áp lực và các tác động tiêu cực từ rác thải nhựa, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa là hết sức cần thiết, nhằm tái chế, tái sử dụng lượng nhựa thải ra môi trường - Đó là chia sẻ của ông Hoàng Đức Vượng- Chủ tịch Hội Nhựa tái sinh với Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường điện tử (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Tại cuộc trò chuyện, ông đã đưa ra một số kiến nghị để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa, phóng viên Tạp chí xin giới thiệu lại cuộc trò chuyện này:
Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Hội nhựa tái sinh Việt Nam
Phóng viên: Xin ông cho biết một vài thông số về mức độ ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay ở nước ta?
Ông Hoàng Đức Vượng: Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam chiếm khoảng 12% đến 15% chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị lớn nhưng chỉ có khoảng 11% đến 12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Ðây là lý do có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt là ô nhiễm đại dương. Lưu ý, nhựa là một hợp chất cao phân tử và khó phân hủy, sẽ phải mất hàng trăm năm, thậm chí là hàng nghìn năm để có thể phân hủy hết. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời, phải mất từ 500 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy được một túi ni-lông.
Phóng viên: Là người gắn bó nhiều năm với lĩnh vực tái chế, đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất và đã có nhiều tham vấn chính sách với Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông có đánh giá như thế nào về thực trạng lĩnh vực tái chế và những điều còn bất cập ở nước ta?
Ông Hoàng Đức Vượng: Thực tế cho thấy, thu gom, tái chế phế liệu hầu hết được thực hiện bởi lực lượng phi chính thức, tái chế không đảm bảo về môi trường do chưa có sự hướng dẫn, hỗ trợ, bị nhìn nhận dưới ảnh mắt kỳ thị.
Công nghệ thiết bị, tái chế đơn giản, chất lượng thấp, không đồng đều, không có sản lượng lớn với cùng chủng loại. Doanh nghiệp đầu tư bài bản về môi trường không cạnh tranh được với lực lượng phi chính thức. Doanh nghiệp tái chế không phát triển được.
Trong khi đó ngành tái chế tại Việt Nam đang gặp nhiều rào cản: Giá dầu và giá nguyên liệu nhựa nguyên sinh dao động lớn làm cho ngành tái chế bấp bênh, thiếu an toàn về tài chính. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa chưa sẵn sàng thay đổi công nghệ để sử dụng nguyên liệu tái chế.
Không chỉ có vậy, thiếu quy định vế tiêu chuẩn chất lượng, độ bền, lão hóa, chống cháy,.. tỷ lệ bột đá, phụ gia,…Sản phẩm nhựa chất lượng thấp, vòng đời ngắn, mau hỏng, thải bỏ nhanh, lãng phí lớn; không có quy chuẩn, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Thiếu hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhựa nhập khẩu, bảo vệ sản xuất nội địa.
Thiết kế bao bì đa lớp nhựa khác nhau, tráng nhôm, mạ crom không tái chế được. Tem nhãn không đồng nhất về chất liệu, sử dụng keo dán không tan trong nước, không tái chế được hoặc tái chế chất lượng thấp.
Bao bì, túi siêu thị quá mỏng, in ấn quá lớn, mực in vô cơ, không có giá trị thu gom, tái chế phát sinh khí độc hại. Thiết kế sản phẩm và bao bì nhựa với chi tiết nhôm, sắt, cao su gây khó khăn, chi phí tái chế lớn. Chưa quan tâm thực hiện phân loại rác tại nguồn. Hệ thống thu gom chính thức thu gom rác thải sinh hoạt, chôn lấp là chính.
Lượng thu gom, phân loại, tái chế phi chính thức đã hình thành trên 40 năm bao gồm hàng triệu lao động, chủ yếu là phụ nữ nghèo, lớn tuổi. Lực lượng phi chính thức là những người dọn dẹp vệ sinh cho đất nước nhưng chưa nhìn nhận được đúng mức, chưa có hỗ trợ, chưa có chính sách an sinh tối thiểu.
Chưa quan tâm xây dựng tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với bao bì và sản phẩm tái chế. Các doanh nghiệp tái chế phải xin chứng nhận tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm tử Mỹ và EU. Chưa có quy chuẩn cho nhà máy tái chế phù hơp với tiêu chuẩn quốc tế vì vậy các doanh nghiệp phải xin chứng nhận tái chế từ nước ngoài nếu muốn xuất khẩu sản phẩm.
rác thải nhựa đưa vào tái chế
Thị trường cho sản phẩm tái chế, thị trường tái chế tự phát, không có định hướng. Thị trường tái chế bấp bênh, thiếu bền vững, chưa có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích. Chưa khuyến khích sử dụng nguyên liệu tái chế đối với sản phẩm và bao bì nhựa
Thị trường carbon và tín chỉ nhựa tái sinh, hiện Châu Âu đã xây dựng Luật carbon xuyên biên giới, Mỹ đang xây dựng Luật cạnh tranh sạch đánh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có phát thải carbon. Việt Nam đã có quy định xây dựng sàn giao dịch carbon tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP nhưng phải chờ tới năm 2027 mới chính thức vận hành.
Truyền thông giáo dục tiêu dùng bền vững vẫn còn tâm lý e ngại với sản phẩm tái chế, tâm lý người dân thích mua sản phẩm rẻ tiền vì vậy sản phẩm mau hỏng, nhanh thải bỏ. Ngoài ra, chưa thực hiện được phân loại rác tại nguồn, chưa xây dựng được ý thức tiết kiệm tài nguyên, chống biến đổi khí hậu, ít quan tâm đến tiêu dùng bền vững trong truyền thông và giáo dục.
Phóng viên: Vậy ông đưa ra khuyến nghị gì để ngành tái chế nhựa được phát triển, có động lực đóng góp vào chuỗi giá trị của nền kinh tuần hoàn thưa ông?
Ông Hoàng Đức Vượng: Tôi có một số khuyến nghị như sau:
Xây dựng quy hoạch khu công nghiệp tái chế tại các vùng liên tỉnh, hỗ trợ chuyển giao cho tái chế; Chính sách ưu đãi thuế cho thu gom tái chế; Chính sách hỗ trợ đầu tư cho tái chế; cho công nghiệp cơ khí, thiết bị cho tái chế; xây dựng viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho tái chế và sản xuất sản phẩm nhựa.
Xây dựng quy định tiêu chuẩn chất lượng để sản phẩm và bao bì nhựa bền vững, đồng thời làm hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu để bảo vệ môi trường và sản xuất trong nước; Quy định tiêu chuẩn sản phẩm nhựa chống cháy sử dụng trong các trường hợp cần thiết về phòng cháy chữa cháy.
sản phẩm nhựa tái sinh
Xây dựng quy định loại bỏ một số sản phẩm và bao bì nhựa dùng một lần khó tái chế, phát sinh khí độc khi cháy như PVC, PS. Xây dựng tiêu chuẩn thiết kế sinh thái cho bao bì và sản phẩm nhựa. Tạo hàng rào kỹ thuật với hàng nhập khẩu để bảo vệ môi trường và sản xuất nội địa.
Thiết kế phải được tính toán trước sao cho sản phẩm có giá trị thu gom, có giá trị tái chế chất lượng cao, giảm gánh nặng cho nhà tái chế. Thiết kế phải đảm bảo sản phẩm đi ra môi trường thì cũng không phát sinh chất thải, khí thải độc hại với sức khỏe con người.
Quyết liệt thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn theo Luật BVMT năm 2020 kể từ ngày 01/01/2025. Xây dựng chính sách hợp tác công tư, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, phân loại, tái chế rác thải. Hỗ trợ lực lượng thu gom rác thải phi chính thức tham gia như một bên chính thức trong hệ thống quản lý chất thải.
Xây dựng tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm cho bao bì và sản phẩm tái chế hoặc có sử dụng nguyên liệu tái chế; Quy chuẩn nhà máy tái chế phù hợp với thông lệ quốc tế về môi trường và lao động. Hỗ trợ, đào tạo, chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp tái chế đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy chuẩn quốc tế.
Xây dựng hướng dẫn khả thi, quyết liệt từ ngày 1/1/2024, đồng thời xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ, công bằng với các bên tham gia. Giảm chi phí EPR, khuyến khích những nhà sản xuất có cải tiến, thiết kế sinh thái sản phẩm và bao bì; giảm phí EPR, khuyến khích những nhà sản xuất đã sử dụng 50% nguyên liệu tái sinh sản phẩm và bao bì. Xây dựng quy định và chính sách thuế ưu đãi, ưu tiên mua sắm sản phẩm xanh, xây dựng tiêu chuẩn nhãn xanh sinh thái cho sản phẩm và bao bì tái sinh.
Tuyên truyền giáo dục, khuyến khích sử dụng sản phẩm xanh. Đưa sàn giao dịch carbon của Việt Nam vào vận hành từ năm 2025. Cho phép các doanh nghiệp thu gom tái chế nhựa được đưa tín chỉ nhựa tái chế giao dịch như hàng hóa giảm thải carbon. Xây dựng thuế carbon xuyên biên giới đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, tạo dòng tài chính để xây dựng nền kinh tế xanh Việt Nam. Truyền thông giáo dục lối sống đơn giản, văn minh, giảm rác thải. Nâng cao nhận thức tiêu dùng bền vững, tái sinh và sử dụng sản phẩm tái chế. Đồng thời, truyền thông giáo dục phân loại rác tại nguồn, tiết kiệm tài nguyên, giảm thải carbon.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Hằng (thực hiện)