Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào: Ngư dân được tự bảo vệ nguồn lợi
28/03/2023TN&MTMới đây, Nhà nước đã trao quyền quản lý hệ sinh thái biển Rạn Trào (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) cho người dân. Đây được coi là một bước ngoặt trong tư duy quản lý biển. Với mô hình này, người dân sẽ tự bảo vệ chính nguồn lợi thủy sản cho bản thân mình; Nhà nước cũng không phải bỏ nhiều công sức, chi phí để quản lý biển như trước.
Cộng đồng ngư dân được trao quyền
Giai đoạn 2021-2023, từ Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 với các sáng kiến từ Trung ương tới địa phương”, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã phối hợp với Chi cục Thủy sản, UBND huyện Vạn Ninh xây dựng mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, mới đây, UBND huyện đã công bố và trao quyết định công nhận và giao quyền quản lý Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào (xã Vạn Hưng) cho Tổ cộng đồng xã Vạn Hưng, hiện có 61 thành viên. Đây là tổ cộng đồng đầu tiên trong tỉnh được công nhận và giao quyền thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo đó, tổ cộng đồng được tổ chức, quản lý, thực hiện tuần tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng, bảo vệ và khai thác thủy sản, du lịch gắn với hoạt động thủy sản trong phạm vi được giao quyền quản lý với tổng diện tích 89ha; ngăn chặn các hành vi vi phạm, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm; được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định; thành lập quỹ cộng đồng… UBND huyện còn giao các cơ quan, đơn vị có liên quan hỗ trợ tổ cộng đồng thực hiện tốt các quyền được giao.
Một góc Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào
Khu vực bảo vệ hệ sinh thái Rạn Trào có tổng diện tích 89ha sẽ được tổ chức đánh dấu, thả phao để phân chia thành 2 vùng. Cụ thể, vùng lõi có diện tích 54ha, nơi có mật độ rạn san hô cao là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, cấm các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, có thể tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học hoặc du lịch tham quan, lặn biển nhưng hạn chế về tần suất, không quá 3 lần/ngày, không quá 10 người/lần và phải có sự giám sát chặt chẽ của thành viên tổ cộng đồng. Đối với vùng đệm, từ vùng lõi trở ra 100m, có tổng diện tích 35ha, giai đoạn đầu sẽ thực hiện thí điểm du lịch cộng đồng tham quan, lặn biển. Các thành viên tổ cộng đồng được phép thực hiện các hoạt động sinh kế bền vững, như: Câu, thả lưới ghẹ, lưới cá, đặt lồng bẫy mực; cấm các nghề lặn, lờ dây, giã cào; việc nuôi trồng thủy sản như: nuôi tôm hùm, cá, hàu… được thực hiện với số lượng lồng nuôi phù hợp với hướng dẫn của cơ quan chức năng. Đối với khu vực biển xung quanh Rạn Trào, bên ngoài vùng đệm, ngư dân phải tuân thủ quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản.
Chung tay bảo vệ
Năm 2008, Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào được thành lập với mục đích khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi các giống loài thủy sản, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, tham quan học tập, phát triển sinh kế... Từ khi thành lập đến nay, Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức phi chính phủ, như: Liên minh Sinh vật biển quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phát triển Đan Mạch, Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng, Quỹ Phát triển cộng đồng, Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững…
Thả thủy sản giống tái tạo nguồn lợi tại Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào vào năm 2022
Theo bà Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng, thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với Chi cục Thủy sản, UBND huyện Vạn Ninh hỗ trợ Tổ cộng đồng xã Vạn Hưng xây dựng phương án bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Rạn Trào, tổ chức các chương trình tập huấn cho tổ cộng đồng về đánh giá nguồn lợi thủy sản, lập kế hoạch hoạt động, kỹ năng bảo vệ hệ sinh thái biển... Việc giao quyền quản lý Rạn Trào cho Tổ cộng đồng xã Vạn Hưng là một thành công ban đầu trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển này, gắn với tạo sinh kế bền vững cho người dân. Để mô hình hoạt động hiệu quả, mỗi ngư dân địa phương phải đồng lòng để thực hiện việc “đồng quản lý” nhằm phát triển kinh tế biển bền vững, cải thiện đời sống cho chính mình. Bên cạnh đó, rất cần sự chung tay hỗ trợ của các cấp, ngành, nhất là các nguồn lực xã hội để bảo vệ Rạn Trào.
Trong khi nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt do đánh bắt quá mức và sử dụng các loại ngư cụ hủy diệt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của cộng đồng ngư dân ven bờ, việc giao quyền quản lý khu vực biển ven bờ cho cộng đồng ngư dân địa phương sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển.
Theo baokhanhhoa.vn