Khoanh định và quản lý chặt chẽ tài nguyên, khoáng sản dự trữ quốc gia
04/04/2024TN&MTKhoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Địa chất Việt Nam được đơn vị thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Mặc dù năm 2023 là năm đầu tiên Cục Địa chất Việt Nam thực hiện mô hình mới sau khi chia tách từ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ có tính cấp bách, khối lượng công việc rất lớn nhưng Cục đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, đặc biệt là khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
Điều này, được thể hiện qua việc Cục đã trình Bộ TN&MT hồ sơ để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại Quyết định số 1277/QĐ-TTg vào tháng 11 vừa qua, với 93 khu vực đối với 10 loại khoáng sản. Để có được kết quả trên, Cục Địa chất Việt Nam đã thực hiện một khối lượng lớn công việc, trong đó, chú trọng bám sát các Nghị định của Chính phủ và Nghị quyết của Bộ Chính trị với các nội dung liên quan đến quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Bám sát nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể hóa quan điểm của Đảng
Theo Quyết định số 645/QĐ-TTg năm 2014 về việc khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 48 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia cho 10 loại khoáng sản, gồm: Than năng lượng, apatit, chì - kẽm, cromit, titan, bauxit, sắt - laterit, đá hoa trắng, cát trắng và đất hiếm. Đây là những loại khoáng sản cần dự trữ cho phát triển bền vững KT-XH, trong đó có một số loại khoáng sản có quy mô lớn (bauxit, đá hoa trắng, cát trắng, than nâu, apatit) hoặc khu vực có khoáng sản nhưng chưa đủ điều kiện để khai thác có hiệu quả hoặc có đủ điều kiện khai thác nhưng chưa có các giải pháp khắc phục tác động xấu đến môi trường như đất hiếm có chứa U, Th.
Việc khoanh định 48 khu vực thuộc 10 loại khoáng sản là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại Quyết định số 645/QĐ-TTg nêu trên đã góp phần đảm bảo nguồn khoáng sản cho ngành công nghiệp khai khoáng phát triển bền vững, lâu dài, đảm bảo cho an ninh quốc gia về nguồn nguyên liệu khoáng sản.
Tuy nhiên, diện tích đất trên mặt tại các khu vực đã khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (titan, cát trắng, sắt - laterit, bauxit) còn thuận lợi để triển khai các dự án phát triển KT-XH khác như: Du lịch, điện gió, điện mặt trời, khu công nghiệp, đặc biệt là đối với các tỉnh ven biển miền trung như Bình Thuận, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam,...
Vì vậy, để phát huy tối đa nguồn lực, nhất là đất đai trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, việc xây dựng các công trình, dự án phát triển KT-XH trong thời gian dự trữ là cần thiết, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, trong đó đã quy định chi tiết việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản, quy định các nội dung cụ thể để khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (phạm vi khu vực dự trữ khoáng sản; tài nguyên, trữ lượng khoáng sản dự trữ, thời gian dự trữ khoáng sản).
Quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 10 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính Trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ “... tài nguyên khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển KT-XH của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia...”.
Nhận thức rõ quan điểm này, cùng với các quy định tại Nghị định số 51 nêu trên, Bộ TN&MT đã giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (trước đây), Cục Địa chất Việt Nam hiện tại hoàn thành Hồ sơ khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo định hướng mới, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định số 645/QĐ-TTg làm cơ sở quản lý khoáng sản trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đồng thời để triển khai thực hiện các dự án phát triển KT-XH trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đảm bảo sự hài hòa giữa huy động thăm dò, khai thác khoáng sản và dự trữ khoáng sản lâu dài.
Bổ sung các quy định dự trữ khoáng sản quốc gia trong dự thảo Luật
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục Địa chất Việt Nam đã tiến hành rà soát toàn bộ các báo cáo địa chất, từng khối tài nguyên, trữ lượng đã được sử dụng để khoanh định các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại Quyết định số 645/QĐ-TTg. Từ đó điều chỉnh lại phạm vi khoanh định khu vực dự trữ chính xác theo sự phân bố của các khối tài nguyên, trữ lượng khoáng sản dự trữ.
Cục cũng đã tiến hành tổng hợp toàn bộ các kết quả điều tra, đánh giá, thăm dò các loại khoáng sản đã thực hiện từ năm 2014 đến nay; các Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ ủy quyền phê duyệt; Hồ sơ Dự thảo “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ Công Thương; hồ sơ dự thảo “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ Xây dựng; tổng hợp, rà soát hiện trạng các dự án, công trình, sử dụng đất tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại Quyết định số 645/QĐ-TTg của 24 tỉnh/thành phố có khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Đồng thời, Cục đã làm việc trực tiếp với các sở, ngành của các địa phương, các đơn vị liên quan của Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng; tham mưu cho Bộ TN&MT lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Từ đó, tiến hành tổng hợp, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ theo đúng tiến độ được giao.
Kết quả thực hiện, Cục Địa chất Việt Nam đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ TN&MT để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại Quyết định số 1277/QĐ-TTg, ngày 1/11/2023. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với 10 loại khoáng sản, đồng thời quy định cụ thể về loại khoáng sản dự trữ, diện tích, mức sâu, tài nguyên và thời gian dự trữ cho từng khu vực dự trữ khoáng sản và quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý, bảo vệ khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Có thể thấy, cùng với các quy định tại Nghị định 51, Quyết định số 1277 của Thủ tướng Chính phủ về các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là căn cứ pháp lý vừa đảm bảo nguồn khoáng sản dự trữ lâu dài, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án phát triển KT-XH trong thời gian dự trữ để phát huy tối đa nguồn lực, nhất là đất đai trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, vừa quản lý chặt chẽ tài nguyên, khoáng sản dự trữ.
Theo ông Trần Mỹ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, để đảm bảo tính pháp lý ngày chặt chẽ hơn, Cục đã đề xuất tiếp tục hoàn thiện các quy định về dự trữ khoáng sản quốc gia trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để thay thế Luật Khoáng sản năm 2010. Những định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đã và đang được Cục tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa trong các điều luật tại dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
HƯƠNG TRÀ
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2024