Khảo sát, đánh giá tình hình sử dụng xăng sinh học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và đề xuất giải pháp phát triển xăng sinh học ở Việt Nam
29/11/2024TN&MTNhiên liệu sinh học đã được sử dụng ở nhiều quốc gia để làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm khí thải nhà kính. Nghiên cứu này được tiến hành nhằm đánh giá mức độ hiểu biết và sử dụng xăng sinh học của người dân và đề xuất giải pháp phát triển xăng sinh học ở Việt Nam.
Kết quả khảo sát cho thấy, căn cứ để người dân sử dụng nhiên liệu chủ yếu dựa vào loại động cơ (37,7%), giá thành (18,1), mức độ tiết kiệm nhiên liệu (17,8%) và theo số đông (11,8%); Tỉ lệ người dân biết đến xăng E5 khá cao (72,3%); tuy nhiên, tỉ lệ người dân không có ý kiến về việc phát triển và thay thế xăng truyền thống bằng xăng sinh học. Cần có các giải pháp toàn diện về chính sách, công nghệ, giáo dục cộng đồng và hợp tác quốc tế để xăng sinh học ngày càng được sử dụng rộng rãi, thay thế dần xăng truyền thống ở Việt Nam trong tương lai.
Giới thiệu chung
Cồn sinh học (bioethanol) là cồn được sản xuất từ quá trình lên men các chất hữu cơ có thể là chất thải, phụ phẩm có thành phần tinh bột, cellulose, lignocellulose. Xăng sinh học là hỗn hợp xăng truyền thống và bioethanol, thường được ký hiệu là “Ex” trong đó “x” là % thể tích của bioethanol trong hỗn hợp, ví dụ E5 có 5% bioethanol, E10 có 10 bioethanol trong hỗn hợp [1,2,3]. Việc sử dụng xăng sinh học mang lại nhiều lợi ích như đảm bảo an ninh năng lượng, mang lại lợi ích kinh tế nông nghiệp và kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu và BVMT [4]. Do đó, xăng sinh học được sản xuất và sử dụng rộng rãi ở nhiều nước khác nhau trên thế giới [1,3].
Từ năm 2027, Chính phủ Việt Nam đã ban hành quyết định số 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển Nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” thể hiện tầm nhìn, và định hướng của nước ta về việc BVMT và phát triển bền vững [5]. Theo kế hoạch, đến năm 2018 nước ta sẽ thay thế hoàn toàn xăng truyền thống RON92 bằng xăng E5. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển năng lượng sinh học vẫn còn nhiều hạn chế và có xu hướng giảm [6]. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá sự hiểu biết của người dân về xăng E5 và đề xuất giải phát tăng cường sử dụng xăng sinh học đối với người dân.
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp khảo sát thực tế: Trong phạm vi nghiên cứu này, việc điều tra xã hội học được thực hiện ngẫu nhiên đối với khách đổ xăng tại một số trạm xăng trên địa bàn TP. Hồ Chí minh. Tổng số phiếu thực hiện khảo sát là 200 phiếu. Nội dung câu hỏi bao gồm các vấn đề liên quan đến căn cứ lựa chọn nhiên liệu, hiểu biết về xăng sinh học, việc tuyên tuyền sử dụng xăng sinh học.
Thống kê và xử lý số liệu: Các phiếu khảo sát sau khi thu thập được tập hợp và chọn lọc sơ bộ, loại bỏ những phiếu trả lời thiếu thông tin. Kết quả khảo sát được thống kê tính toán tỉ lệ % và vẽ đồ thị Microsoft Excel để vẽ biểu đồ phục vụ đánh giá kết quả.
Kết quả nghiên cứu
Kết quả khảo sát về căn cứ sử dụng nhiên liệu của người dân
Việc sử dụng xăng chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Kết quả khảo sát cho thấy, có 37,7% số người được khảo sát ưu tiên lựa chọn nhiên liệu phù hợp với động cơ xe, 18,1% các lựa chọn trên cơ sở so sánh giá thành nhiên liệu, 17,8% căn cứ vào mức độ tiết kiệm nhiên liệu và công suất, trong khi đó, chỉ có 14,0% nghĩ đến việc thân thiện môi trường trong khi quyết định lựa chọn nhiên liệu, một số người dân khác sử dụng dựa theo số đông (Hình 1). Một số nghiên cứu đã công bố cũng cho kết quả người dân lựa chọn xăng dầu chủ yếu theo thói quen và giá cả [2,3]. Từ kết quả này cho thấy, người dân chưa thực quan tâm đến vấn đề môi trường trong việc lựa chọn loại xăng dầu sử dụng. Điều này cũng có thể vì lý do người dân chưa có những hiểu biết chi tiết về đặc tính của các loại nhiên liệu nên chủ yếu lựa chọn dựa theo yêu cầu của nhà cung cấp xe, giá cả hoặc theo số đông người sủ dụng.
Hình 1: Kết quả khảo sát căn cứ lựa chọn nhiên liệu cho xe của người dân.
Kết quả khảo sát về hiểu biết của người dân về xăng E5
Kết quả khảo sát về sự biết đến xăng E5 của người dân cho thấy, có 72,3% đối tượng được khảo sát có biết đến xăng E5 (Hình 2a). Trong số những người biết đến xăng E5 thì các kênh thông tin về xăng E5 đến từ các phương tiện truyền thông (38,8%), các bảng hiệu của trạm xăng (28,4%), các chương trình về năng lượng (18,7%), bạn bè và người thân giới thiệu (10,8%). Qua đó cho thấy, Việt Nam đã sử dụng nhiều kênh thông tin khác nhau để đưa các thông tin về xăng E5 dần dần phổ biến đến cộng đồng dân cư.
Mặc dù, thị trường hiện nay có các loại xăng (E5, RON 95, RON92) khác nhau, xăng E5 đang được nhà nước trợ giá nhưng số người sử dụng E5 rất ít. Người dân không ưu tiên sử dụng xăng E5, mặc dù đã có nhiều các nghiên cứu và công bố về ảnh hưởng của xăng sinh học đến các động cơ xe và các loại xe phù hợp với xăng sinh học [1]. Tại một số trạm xăng chưa có sự hướng dẫn và tuyên truyền giới thiệu xăng cho người tiêu dùng hoặc người tiêu dùng không quan tâm. Điều này cho thấy, thực tế người dân vẫn còn thờ ơ với xăng sinh học. Cần xem xét để có các phương thức truyền thông dễ hiểu và người dân dễ tiếp cận thông tin về xăng E5 để xem xét lựa chọn sử dụng.
Hình 2: Mức độ biết đến của người dân về xăng sinh học E5:
a) Mức độ biết đến E5; b) Nguồn thông tin về E5.
Khảo sát về tuyên truyền và sử dụng xăng E5
Khi tiết hành khảo sát về vấn đề tuyên tuyền sử dụng xăng E5 cho thấy, có 52,8% người dân đồng ý tuyên truyền và 47,2% người dân không có ý kiến hoặc không đồng ý (Hình 3a). Khi người dân được hỏi về việc nếu được phổ biến kiến thức chi tiêt về xăng E5 thì sẽ có 55,3% người dân đồng ý sử dụng, còn lại 54,5% không có ý kiến hoặc không đồng ý (Hình 3b). Qua đó, có thể nhận thấy số lượng người dân hiểu biết và có căn cứ để lựa chọn và sử dụng xăng sinh học không lớn, số người không có ý kiến chiếm tỉ lệ khá cao chứng tỏ họ vẫn còn thiếu những thông tin về xăng sinh học để đi đến quyết định. Từ đó cho thấy, cần có các giải pháp để truyền thông cụ thể hơn đến người dân về hiệu quả kinh tế, môi trường và hướng dến giảm nhẹ biến đổi khí hậu khi sử dụng xăng sinh học.
Hình 3: Khảo sát về việc tuyên truyền và sử dụng xăng E5:
a) Việc tham gia tuyên truyền sử dụng xăng E5;
b) Việc duy trì sử dụng lâu dài xăng E5 thay thế xăng truyền thống.
Đề xuất một số giải pháp phát triển xăng sinh học ở Việt Nam
Từ các nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phát triển năng lượng sinh học như sau:
Cần rà soát, cập nhật và ban hành cách chính sách, quy định về sản suất, kinh doanh và sử dụng năng lượng sinh học ở Việt Nam phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển KT-XH của đất nước.
Cần có quy hoạch trung hạn và dài hạn có mức định tính và định lượng nguồn cung cấp nguyên vật liệu để đảm bảo tính chủ động trong sản xuất xăng sinh học.
Cần có chế độ ưu đãi về chính sách, vốn đầu tư, công nghệ để hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị hoạt động sản xuất và phân phối xăng sinh học.
Cần đầu tư nghiên cứu và phát triển để hoàn thiện công nghệ sản xuất xăng sinh học ở Việt Nam
Cần xây dựng các chương trình truyền thông về xăng sinh học để cung cấp thông tin đầy đủ, dễ hiểu cho người dân yên tâm và chuyển đổi từ sử dụng xăng truyền thống sang xăng sinh học. Cần có chính sách hỗ trợ về giá cả nổi trội hơn giữa xăng sinh học so với xăng truyền thống để người dân ưu tiên lựa chọn xăng sinh học.
Cần tăng cường hợp tác quốc tế để nhận được những ưu đãi về phát triển công nghệ về xăng sinh học cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các nước đã thành công trên công tác chuyển đổi năng lượng.
Kết luận và kiến nghị
Tăng cường sử dụng xăng sinh học là một trong những giải pháp về chuyển đổi năng lượng, nhằm mục đích BVMT, hướng đến tăng trưởng xanh và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Khảo sát thực tế cho thấy, người dân đã nắm được thông tin xăng sinh học. Tuy nhiên, tỉ lệ các đối tượng được khảo sát sử dụng xăng sinh học cho các động cơ xe của mình chưa cao, người dân chưa hiểu đầy đủ các thông tin về tính chất và lợi ích của việc sử dụng xăng sinh học nên chưa chắc chắn về việc sẽ sử dụng xăng sinh học lâu dài trong tương lai. Cần có các giải pháp đồng bộ về chính sách, truyền thông, đầu tư về công nghệ và nguồn cung nguyên vật liệu để tăng cường phát triển sản xuất và sử dụng xăng sinh học ở nước ta để xăng sinh học được ưu tiên sử dụng phổ biến hơn trong tương lai.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Hữu Tuyến, Đinh Xuân Thành, Nguyễn Thế Lương, Nguyễn Đức Khánh. Nghiên cứu ảnh hưởng của xăng sinh học E5RON95 và E10RON95 tới tính năng kỹ thuật và phát thải ô tô con. Journal of Science & Technology, Vol. 59 - No. 2B, Apr 2023;
2. Bạch Ngọc Hoàng Ánh, Cao Quốc Việt, Hà Minh Trang. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự sẵn lòng tiêu dùng sản phẩm xanh: Trường hợp xăng sinh học E5. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á. Năm thứ 33, Số 12, 125–140, 2022;
3. Phạm Ngọc Dưỡng, Huỳnh Thanh Giàu, Huỳnh Quốc Doanh. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn mua xăng E5 của khách hàng cá nhân trên địa bàn TP. Cà Mau. Tạp Chí Công Thương, Số 29+30, 2020;
4. Cẩm nang về xăng sinh học. Ban điều hành đề án phát triển năng lượng sinh học. Bộ Công Thương, 2025;
5. Quyết định số 177/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Về việc phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”;
6. Hồ Sĩ Thoảng. Thách thức và triển vọng đối với nhiên liệu trong tương lai - góc nhìn từ Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ 50 (6) 899-922, 2012.
TRẦN THANH TÙNG
Phòng Môi trường
Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 18 (Kỳ 2 tháng 9) năm 2024