Khánh Hòa phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển tầm cỡ quốc tế
14/06/2023TN&MTVới tiềm năng rất lớn về biển đảo, tỉnh Khánh Hòa đã và đang triển khai rất nhiều chủ trương, chính sách để khai thác có hiệu quả tiềm năng, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước.
Vị thế chiến lược đặc biệt phát triển kinh tế biển
Khánh Hòa là tỉnh ven biển, có lợi thế vượt trội về biển và tiềm năng phát triển kinh tế biển lớn: Gần đường hàng hải quốc tế cắt qua Biển Đông, có thềm lục địa rất hẹp, sườn lục địa dốc với khoảng 200 đảo lớn, nhỏ và các vịnh ven bờ nổi tiếng, cùng với quần đảo san hô Trường Sa ở ngoài khơi. Vùng biển, đảo và vùng ven biển Khánh Hòa giàu đa dạng sinh học, tiềm năng, đa dạng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển, bao gồm cả cảnh quan biển đảo - tiền đề cho phát triển đa dạng các ngành/lĩnh vực kinh tế biển, nhất là du lịch biển, cảng biển, đánh cá, nuôi hải sản. Khánh Hòa có vị thế địa chiến lược đặc biệt của huyện đảo Trường Sa, quân cảng Cam Ranh, cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế Vân Phong,…cùng với các giá trị toàn cầu của vịnh đẹp Nha Trang và là một trong 5 trung tâm nghề cá của cả nước. Bởi vậy, khai thác, sử dụng biển, đảo để phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững gắn với bảo đảm QP- AN trên biển trong bối cảnh phức tạp ở Biển Đông đã được tỉnh Khánh Hòa đặt vào vị trí ưu tiên xuyên suốt, mang tầm vóc chiến lược.
Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, KHCN, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
GRDP bình quân đầu người vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế. Nhân dân được hưởng thụ mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc. Hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; có năng lực thích ứng với BĐKH, QP-AN và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ đưa Khu kinh tế Vân Phong trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại. Tổ chức không gian khu kinh tế thành 2 khu vực: Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong. Phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế và khai thác giá trị tối đa từ lợi thế về vị trí, cảnh quan của khu vực. Kêu gọi đầu tư các khu nghỉ dưỡng hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp, thiết kế hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế về bền vững của ngành du lịch. Xây dựng bến cảng đón tàu chở khách du lịch và du thuyền hạng sang. Phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng. Định hướng lâu dài phát triển cảng trung chuyển quốc tế khi có đủ điều kiện. Thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên du lịch bền vững.
Đồng thời, nỗ lực đưa khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển. Tập trung thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, chế biến dầu khí, đóng tàu, công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp phụ trợ. Phát triển các cảng hàng hóa gắn với trung tâm logistics tại Nam Vân Phong để phục vụ cho cả khu vực Tây Nguyên và duyên hải Trung Bộ.
Một số nhóm giải pháp cụ thể
Thời gian qua, các ngành, lĩnh vực kinh tế biển của Khánh Hoà đã có những bước phát triển mới, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, những kết quả chung đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Để đạt được các mục tiêu đề ra, mới đây tại Hội thảo “Khoa học Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển”, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề ra một số nhóm giải pháp, biện pháp cụ thể.
Thứ nhất, ưu tiên bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển. Khánh Hòa có tiềm năng bảo tồn biển rất cao, và khu bảo tồn biển được xem là một công cụ quản lý hữu hiệu để bảo toàn nguồn vốn tự nhiên và tính bền vững của các vùng biển, để duy trì và phát triển các ngành kinh tế biển dựa vào bảo tồn thiên nhiên như nghề cá, du lịch và các dịch vụ đi kèm.
Trước mắt, Khánh Hòa cần triển khai thực hiện tốt Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang và nhân rộng mô hình Rạn Trào ở cấp cộng đồng. Cần mở rộng diện tích bảo tồn biển ở vùng biển ven bờ kết hợp du lịch sinh thái biển và nghề cá giải trí. Triển khai công tác quản lý khu bảo tồn biển đảo Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa gắn với hoạt động QP-AN. Áp dụng rộng rãi mô hình “đồng quản lý nguồn lợi thủy sản” theo tinh thần của Luật Thủy sản năm 2017.
Thứ hai, quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển theo cách tiếp cận không gian. Tiến hành “Quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ”, bao gồm kiểm soát chất thải, trong đó có rác thải nhựa theo góc nhìn “Từ nguồn ra biển”. Đây cũng là phương thức quản lý biển và kinh tế biển theo không gian để thực hiện gắn kết với Mục tiêu Phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết thực hiện đến năm 2030.
Thứ ba, phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái biển - ven biển đã bị suy thoái. Tập trung vào trồng mới và khôi phục các hệ sinh thái biển đã bị suy thoái nhằm tái tạo, bảo vệ khu vực sinh sản và phát triển của các loài sinh vật biển, bảo tồn các giá trị tự nhiên của chúng phục vụ mục đích phát triển du lịch sinh thái,... Đây cũng là nhóm giải pháp ứng phó với BĐKH và nước biển dâng, ưu tiên thích ứng và giảm thiểu tác động.
Thứ tư, bảo tồn đa dạng sinh học biển, đảo gắn với du lịch sinh thái và sinh kế bền vững. Để bảo tồn được đa dạng sinh học biển, đảo cần có phương án sử dụng hợp lý các lợi ích có được từ việc bảo tồn đa dạng sinh học trong các vùng biển và trên các đảo, như: Phát triển du lịch sinh thái cấp cộng đồng,… Thông qua đó, các cộng đồng dân cư được tham gia các hoạt động bảo tồn và được sử dụng các giá trị có được từ bảo tồn để chuyển đổi nghề nghiệp và cải thiện sinh kế bền vững cho họ. Vì trên một số đảo ven bờ ở Khánh Hòa đều có các cụm dân cư sinh sống, cho nên cần chú ý cải thiện sinh kế và mức sống của người dân sống trong và lân cận các khu vực biển, đảo.
Thứ năm, nâng cao nhận thức về TNMT và chủ quyền biển, đảo. Tuyên truyền, giáo dục thực sự là động lực cho phát triển kinh tế biển bền vững, cải thiện sinh kế và hỗ trợ xoá đói giảm nghèo cho các cộng đồng địa phương ven biển và trên các đảo, góp phần giữ vững môi trường hòa bình trên Biển Đông.
MAI THỊ TRANG
Học viện An ninh Nhân dân
Nguồn: Tạp chí TN&MT số Kỳ 2 tháng 5 năm 2023