Khẩn trương kiểm soát ô nhiễm môi trường sau mưa lũ
18/09/2024TN&MTSau bão, lũ là thời điểm mà người dân các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc phải đối mặt nhiều khó khăn, trong đó có ô nhiễm môi trường do các loại rác thải, xác súc vật phân hủy, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng tại các tỉnh phải gánh chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Trước thực tế này, Bộ TN&MT đã có văn bản số 6219/BTNMT- KSONMT đề nghị 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Đứng dậy khắc phục môi trường sau bão lũ
Ông Giàng A Ngan, ở thôn Làng Pẩn 1, xã Quang Kim (Bát Xát, Lào Cai) bị lũ làm ngập hơn 1ha lúa chuẩn bị gặt. Nhà ông Ngan chỉ có vài mảnh ruộng nhưng ông mượn thêm ruộng của các nhà khác trong thôn để cấy lúa. Vụ lúa mất trắng vì lũ, ông Ngan chưa biết làm gì để có thêm tiền lo cho gia đình.
"May mắn cho chúng tôi là sách vở của các cháu không bị ngập, nhưng kinh tế của cả nhà bị thiệt hại nặng rồi. Nửa năm trông vào vụ lúa, bao nhiêu công cày cấy, phân gio... mà trắng tay" - ông Ngan buồn dầu than thở!.
Tâm tư và nỗi niềm của ông Giàng A Ngan cũng chỉ là một trong số hàng trăm, hàng nghìn người dân vùng lũ phải chịu thiệt hại sau bão số 3.
Dọn dẹp môi trường sau lũ
Khi bão đi qua, cũng là thời điểm gánh nặng lại đè lên vai nhiều người dân nghèo, mất hết tài sản, môi trường bị ô nhiễm nặng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Thực tế đã cho thấy, nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do phân, rác, nước thải, bãi thu gom, tập kết xử lý chất thải rắn, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật,... tất cả đều cuốn và hòa chung vào nguồn nước. Các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy làm cho phân, rác, nước thải tồn đọng từ các nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi tràn trực tiếp ra môi trường. Cây cối, hoa màu bị chết vì bị ngâm trong nước lâu ngày; xác chết của một số loài động vật, gia súc, gia cầm làm phát sinh dịch bệnh cho người và gia súc gia cầm.
Nhanh chóng tái thiết cuộc sống
Một trong vấn đề cấp bách hiện nay, đó là người dân không có nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt. Những hư hỏng trong hệ thống thu gom xử lý nước thải và rác thải có thể làm ô nhiễm các nguồn nước, suy thoái môi trường, tạo điều kiện cho virus gây bệnh có thể phát triển, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Tình trạng này còn trở nên trầm trọng hơn tại các nơi sơ tán, nơi thường tập trung đông người, thiếu nước sạch cũng như các công trình vệ sinh. Trong bão lụt, khi các dịch vụ cấp nước và vệ sinh bị gián đoạn, người dân thường phải tự tìm đến các nguồn nước khác thường là không đảm bảo vệ sinh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương
Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Bộ TN&MT đã có văn bản số 6219/BTNMT- KSONMT ngày 13/9/2024 đề nghị 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy đã chia sẻ với những khó khăn của người dân vùng lũ thành phố Yên Bái nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung đang phải ghánh chịu những thiệt hại nặng nề do hoàn lưu của cơn bão số 3.
Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Kạn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa.
Duy trì công tác thu gom và xử lý chất thải phát sinh hàng ngày từ các hoạt động kinh tế - xã hội; tổ chức thực hiện thu gom rác thải, bùn đất trôi dạt do bão lũ, tăng cường hoạt động vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy đối với các hệ thống thu gom, thoát nước tại các đô thị và khu vực tập trung dân cư, chợ, khu vực dịch vụ thương mại.
Với các khu vực có nguy cơ phát tán ô nhiễm cao (như bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, điểm tập kết chất thải rắn, khu xử lý chất thải rắn, kho hóa chất, kho thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cơ sở y tế, khu vực, cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung…), chỉ đạo chủ cơ sở, tổ chức được phân công quản lý có phương án chủ động khoanh vùng, cô lập, xử lý tại chỗ hoặc chuyển giao chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại, lây nhiễm; tăng cường trang thiết bị và tần suất vận chuyển chất thải đến khu xử lý chất thải, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Rà soát, thống kê, theo dõi và phát hiện kịp thời, lập phương án sẵn sàng để có biện pháp ứng phó, xử lý khẩn cấp trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường do mưa lũ sau bão và sạt lở đất, đặc biệt là sự cố rò rỉ, bục, vỡ hồ chứa, bãi chứa chất thải, bãi đất đá thải của các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản; phát tán nguyên liệu, sản phẩm, chất thải từ cơ sở sản xuất phân bón, hoá chất, luyện kim; sự cố ngập lụt các nhà máy nhiệt điện than và cơ sở xử lý chất thải trên địa bàn.
Tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, chính quyền các cấp đối với các cơ sở, khu vực nêu trên; không để lợi dụng tình hình thiên tai và mưa lũ, thực hiện hoạt động xả thải chất thải không được xử lý theo quy định ra môi trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường (nếu có).
Chủ động đánh giá, xác định các nguy cơ xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường do sự cố, thiên tai trên địa bàn; xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án phòng ngừa ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước nếu xảy ra hiện tượng rò rỉ kho chứa hóa chất, vỡ hồ chứa nước thải; tắc, vỡ hệ thống thu gom, thoát nước thải; hư hỏng chuồng trại chăn nuôi, chất thải phát sinh sau lũ lụt gồm xác động vật chết, cây cối hoa màu bị phân hủy do ngâm nước lâu ngày; theo dõi, phát hiện nguy cơ dịch bệnh ở người và động vật để cảnh báo, thông báo tới người dân và thực hiện các biện pháp thu gom, quản lý chất thải theo hướng dẫn của các ngành y tế, nông nghiệp; huy động nguồn lực, hỗ trợ địa phương các hoá chất, thiết bị cần thiết để bảo vệ các nguồn nước có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt các nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt.
Diệp Anh