Khẩn trương khắc phục sự cố vỡ đập bùn thải quặng đuôi
20/11/2024TN&MTĐã hơn hai tháng trôi qua sau sự cố vỡ đập hồ chứa bùn thải quặng đuôi tại mỏ chì, kẽm Chợ Điền, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), nhưng việc thu gom lượng bùn thải tràn ra môi trường vẫn chưa hoàn thành. Người dân ở các xã Bản Thi, Yên Thịnh (huyện Chợ Đồn) và Bình Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đang thấp thỏm lo âu vì nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tính đến ngày 18/11, ngành chức năng vẫn chưa công bố kết quả xác định mức độ ô nhiễm tại các khu vực này.
Việc thu gom bùn thải ở nhiều vị trí thực hiện bằng phương pháp thủ công cho nên tiến độ chậm
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, vào hồi 7 giờ 20 phút ngày 9/9, đập hồ thải quặng đuôi số 1, xưởng tuyển nổi mỏ kẽm, chì Chợ Điền của Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn trực thuộc Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên (VIMICO) bị sạt lở một phần thân đập.
Bùn thải quặng đuôi chảy ra làm ngập, sạt lở tuyến đường từ thôn Bản Nhượng đến xưởng tuyển nổi và một phần chảy ra suối Bản Nhượng. Có 321 hộ dân tại hai xã Bản Thi, Yên Thịnh (huyện Chợ Đồn) và xã Bình Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) bị thiệt hại về tài sản, hoa màu.
Mặc dù Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn đã huy động máy móc, nhân lực nỗ lực thu gom lượng bùn thải đã chảy ra môi trường, nhưng đến nay sau hơn hai tháng, công tác này vẫn chưa hoàn thành.
Theo người dân thôn Bản Nhượng, xã Bản Thi, bùn thải màu đen chảy tràn qua ruộng và nương, đến giờ người dân vẫn chưa canh tác được. Mất mùa đã thiệt hại, nhưng lo lắng hơn là không biết môi trường bị ảnh hưởng ra sao, có tác động gì tới sức khỏe của người dân hay không. Chưa kể còn không rõ việc trồng lúa, ngô trên đất đã bị bùn thải vùi lấp thì nông sản khi thu hoạch liệu có an toàn sử dụng hay không.
Trưởng thôn Bản Nhượng Nông Xuân Toàn cho hay, sau sự cố, cả thôn có 26 hộ dân có đất canh tác bị ảnh hưởng. Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn cũng đã cho người xuống thu gom bùn thải và hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, quá trình thu gom, chi nhánh đã xúc cả đất màu trên nương, ruộng cho nên người dân đang loay hoay không biết lấy đất đâu bù vào để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân.
Chủ tịch UBND xã Bản Thi Khổng Thanh Tiềm cho biết, người dân đang rất lo lắng vì nguy cơ ô nhiễm môi trường sau sự cố vỡ đập hồ chứa. Ngành chức năng cũng đã xuống địa bàn lấy mẫu đất, nước... để quan trắc, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức nào.
Xã mong muốn các ngành chức năng cần sớm hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá nguy cơ, công bố mức độ ô nhiễm để kịp thời có giải pháp xử lý, góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, bùn thải quặng đuôi là bùn thải sau quá trình tuyển nổi quặng. Trong bùn thải quặng đuôi vẫn chứa một lượng chì, kẽm... nhất định.
Theo quy định, bùn thải quặng đuôi phải được tập kết, bảo quản trong các đập, hồ chứa để xử lý. Sự cố vỡ đập hồ chứa bùn thải là nghiêm trọng và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã phải ra văn bản chỉ đạo việc khắc phục.
Hồ chứa số 1 nằm trên núi cao, khi đập bị vỡ, bùn thải theo dòng nước chảy ào ạt xuống chân núi. Một phần bùn thải đọng lại ở chân núi, trên ruộng nương của người dân, một phần lớn đi theo dòng nước với phạm vi phát tán khoảng từ 10-15 km. Điều này khiến việc thu gom bùn thải đã chảy tràn ra ngoài trở nên vô cùng khó khăn và gần như không thể thu gom được hết.
Thực tế cho thấy, Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn đã phải huy động một lượng lớn công nhân thu gom thủ công bằng xẻng và bao tải dứa tại các vị trí không thể sử dụng máy xúc được.
Theo Giám đốc chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn Nguyễn Đình Hoàng, tính đến hết ngày 15/11, đơn vị đã thu gom, tập kết được khoảng 30.000 m3 trên tổng số 30.100 m3 bùn thải đã phát tán ra các xã Bản Thi, Yên Thịnh (huyện Chợ Đồn) và Bình Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Đơn vị đã thống nhất mức độ thiệt hại, hình thức và giá trị hỗ trợ cho 30/31 hộ dân ở xã Bản Thi; 131/131 hộ dân ở xã Yên Thịnh và 159/159 hộ dân ở xã Bình Phú.
Theo quy định, sẽ cần phải kết thúc và công bố kết thúc giai đoạn ứng phó sự cố môi trường, sau đó mới tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường. Tuy nhiên, đến nay đã hơn hai tháng trôi qua, giai đoạn ứng phó sự cố môi trường vẫn chưa thực hiện xong.
Tính đến ngày 18/11, Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn vẫn đang thực hiện thu gom bùn thải bằng phương pháp thủ công ở xã Bản Thi và các xã thuộc tỉnh Tuyên Quang. Người dân thì lo lắng không rõ mức độ ô nhiễm đến đâu và công tác phục hồi môi trường bao giờ mới được triển khai.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì với mức độ ảnh hưởng liên tỉnh, sự cố vỡ đập hồ chứa ở Bản Thi là sự cố môi trường quốc gia.
Việc ứng phó sự cố môi trường gồm các giai đoạn: Chuẩn bị ứng phó sự cố; tổ chức ứng phó sự cố; phục hồi môi trường sau sự cố. Việc công bố thông tin, số liệu, kết quả quan trắc sẽ được Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thực hiện.
Ngành chuyên môn hiện cũng đang nỗ lực tìm nguyên nhân gây ra sự cố này. Việc xác định được nguyên nhân sự cố là do thiên tai hay vì nguyên nhân khác đóng vai trò quan trọng đối với việc xử lý, khắc phục hậu quả về sau này.
Sau khi sự cố xảy ra, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã kiểm tra thực địa, lấy mẫu phân tích.
UBND tỉnh Bắc Kạn đã thành lập Tổ điều tra sự cố để thực hiện công tác xác minh, đánh giá, đề xuất kế hoạch phục hồi môi trường.
Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn đang hoàn thiện báo cáo kết quả ứng phó với sự cố môi trường.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn Nguyễn Văn Minh cho biết, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn khẩn trương hoàn thành việc thu gom, xử lý lượng bùn thải đã phát tán ra môi trường. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phục hồi môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt. Xây dựng và thực hiện chương trình quan trắc môi trường tiếp theo tại các khu vực bị ảnh hưởng làm cơ sở đánh giá chất lượng môi trường.
Tỉnh Bắc Kạn tiếp tục khuyến cáo người dân không sử dụng nước suối Bản Thi phục vụ mục đích sinh hoạt.
Tỉnh sẽ tổ chức thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm gây ra bởi sự cố theo quy định tại Điều 132, Luật Bảo vệ môi trường và Điều 116, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định để làm cơ sở yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường.
Theo nhandan.vn