Khai thác và phát triển kinh tế sông ở Đồng bằng sông Cửu Long
12/08/2024TN&MTVới mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc tạo lợi thế để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển các ngành kinh tế. Vì vậy, việc đánh giá đúng tiềm năng, thách thức, đề xuất những giải pháp phát triển phù hợp kinh tế sông tại khu vực này góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.
Tiềm năng và hạn chế hệ thống giao thông đường thủy
Sông nước là một đặc trưng tự nhiên và nổi bật ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ xưa đến nay, hầu như mọi hoạt động đời sống xã hội của cư dân nơi đây đều gắn với sông nước, “không có dòng sông, con rạch không phải là văn hóa của miền Tây”; “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, do đó, vai trò của các con sông là yếu tố không thể tách rời khi nhắc về ĐBSCL. Tất cả các dòng sông chính cùng các phụ lưu, hệ thống kênh rạch tại ĐBSCL liên hoàn chảy qua tất cả các khu công nghiệp tập trung, các khu dân cư, các vùng tài nguyên,… tạo nên một sự kết nối, giao lưu vô cùng thuận lợi. Nhiều tuyến, cảng sông tiếp cận trực tiếp với hệ thống đường bộ, với cảng biển quan trọng, tạo nên những điểm nối giao lưu giữa các phương thức vận tải. Với đặc điểm vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên trên, Đảng và Nhà nước chủ trương “phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL phải gắn liền với đặc điểm kinh tế vùng để đảm bảo giao thông thuận tiện giữa các tỉnh trong vùng, với cả nước và quốc tế”, “phát triển hệ thống giao thông theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các phương thức vận tải, đặc biệt là giao thông đường thủy; đầu tư có trọng điểm các công trình quan trọng, bức thiết mang tính đột phá đóng vai trò là động lực phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng đáp ứng yêu cầu là khu vực đi đầu của cả vùng ĐBSCL với TP. Cần Thơ là cửa ngõ chiến lược về đường biển và hàng không, thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập quốc tế, củng cố QP-AN và phát triển bền vững.
Với lợi thế, tiềm năng to lớn của mình, ĐBSCL hội tụ đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Trong đó, kinh tế sông (bao gồm các hoạt động kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên sông nước, không gian sông nước) đóng góp một phần quan trọng vào phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL; sản lượng gạo, cá tôm và cây trái xuất khẩu nơi đây dẫn đầu cả nước, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, góp phần lan tỏa thương hiệu, hình ảnh Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để phát triển KT-XH vùng ĐBSCL bền vững, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, như: Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017, của Chính phủ, “Về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”; Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;... đây sẽ là một trong những động lực quan trọng về mặt thể chế giúp tạo động lực tăng trưởng mạnh, để phát triển vùng ĐBSCL toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới.
Mặc dù, vùng ĐBSCL được các chuyên gia đánh giá là vùng có tiềm năng và nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải đường thủy, nhưng trên thực tế vận tải đường thủy tại đây còn nhiều bất cập, điển hình là kênh Chợ Gạo - tuyến đường thủy huyết mạnh nối liền các tỉnh miền Tây với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Với nhu cầu hàng hóa tăng cao như hiện nay, lượng ghe, tàu đi qua kênh tăng, phương tiện di chuyển chủ yếu lại là các sà lan có trọng tải lớn, chính vì thế kênh Chợ Gạo thường xuyên bị ách tắc giao thông do lòng sông hẹp và một số đoạn kênh còn cạn và đặc biệt là sạt lở hai bên bờ sông làm cản trở giao thông đường thủy ở Tiền Giang nói riêng và toàn vùng ĐBSCL nói chung.
Tại vùng bán đảo Cà Mau, giao thông đường thủy bị cản trở chủ yếu do hệ thống cống và đập thủy lợi,… có khẩu độ nhỏ được xây dựng tại các cửa sông để kiểm soát nước mặn vào các vùng ngọt hóa,… Vì thế, nhiều ghe, tàu, sà lan không thể di chuyển qua lại được. Bên cạnh đó, các ghe, tàu, sà lan đi từ Cà Mau đến TP. Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong việc di chuyển do mực nước sông thấp, dễ mắc cạn,… dẫn dến phát sinh nhiều chi phí và thời gian. Đây chính là lý do các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại đây không chọn phương thức vận chuyển đường thủy nội địa, mặc dù chi phí rẻ hơn nhiều, mà lại chọn phương thức vận chuyển đường bộ.
Khai thác và phát triển kinh tế sông ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tại Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế sông ở ĐBSCL - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, các nhà khoa học, nhà chuyên môn, nhà quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khai thác những lợi thế và phát triển kinh tế sông, nhằm góp phần thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển bền vững. Theo đó, cần thống nhất nhận thức, xác định đúng vai trò của kinh tế sông; xây dựng lộ trình khai thác, phát triển kinh tế sông phù hợp; xây dựng cơ chế quản lý hệ thống sông của vùng ĐBSCL phù hợp với tình hình mới; cần tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng về khai thác lợi thế hệ thống sông, kênh, rạch. Đồng thời, thống nhất nhận thức, xác định đúng vai trò của kinh tế sông; xây dựng lộ trình khai thác, phát triển kinh tế sông phù hợp; xây dựng cơ chế quản lý hệ thống sông của vùng ĐBSCL phù hợp với tình hình mới; cần tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng về khai thác lợi thế hệ thống sông, kênh, rạch; ngoài ra chú trọng hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế sông ở ĐBSCL,…
Kinh tế sông giữ vai trò quan trọng, không thể tách rời đối với kinh tế vùng ĐBSCL trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì vậy, cần học cách khai thác những giá trị từ sông nước mang lại một cách tối ưu theo nguyên tắc phát triển bền vững. Để làm được điều này, công tác quản lý nhà nước có vai trò quan trọng. Theo đó, cần tăng cường hiệu quả trong quản lý nhà nước thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn đồng bộ, chặt chẽ đối với các hoạt động của kinh tế sông, nhất là khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng như các nguồn lợi từ sông nước. Tăng cường huy động các nguồn lực, nhất là tư nhân trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương trong vùng ĐBSCL về quản lý tài nguyên nước một cách hợp lý,…
Các địa phương và ngành chức năng cần tìm cách phát triển vận tải thủy, bởi đường sông cũng rất quan trọng nhưng lâu nay chưa được khai thác, đầu tư bằng đường bộ. Tới đây, vận tải đường sông ở ĐBSCL cần nâng cấp các cảng, đầu tư thiết bị dẫn đường, nâng độ tĩnh không đường thủy, tăng cường nạo vét luồng lạch, phát triển ngành logistics, xây cảng biển quốc tế. Ngoài ra, có giải pháp căn cơ, hiệu quả phát triển bền vững về du lịch đường sông; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư du lịch trên sông, ven sông. Quản lý tốt việc khai thác tài nguyên cát dưới lòng sông, bởi cát là nguồn tài nguyên khá lớn của các con sông ở ĐBSCL. Mặt khác, cần quản lý tốt nghề nuôi thủy sản trên sông, vừa bảo vệ nguồn nước, vừa phục vụ tốt cho phát triển kinh tế,…
PGS, TS. Từ Văn Bình, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ thực tế cho thấy, các dòng sông tại ĐBSCL không những mang đến nguồn tài nguyên phì nhiêu, không những đóng góp vào đời sống, sinh hoạt của hàng triệu người trong vùng, mà còn góp phần vào sự phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải thủy, logistics, kinh doanh du lịch đường thủy,… Trên tinh thần đó, quan điểm chung của Nhà nước sẽ có hướng thực hiện chính sách đảm bảo kinh tế sông vùng ĐBSCL được khai thác hiệu quả, đảm bảo bền vững. Làm được điều này thì một trong những vấn đề đầu tiên của Chính phủ là dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống thủy lợi, dịch vụ logistics trong vùng; khai thác nhiều hơn kinh tế sông để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, du lịch,… trên tinh thần đảm bảo môi trường, hạn chế tối đa những thiệt hại của các sông, rạch tác động đến đời sống và an sinh của người dân trong vùng.
ThS. LÊ ANH TUẤN
Viện Chiến lược phát triển, Bộ Khoa học và Công nghệ
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 11+12 năm 2024