Khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu
18/09/2023TN&MTTrong bối cảnh biến đổi khí hậu, nguồn tài nguyên nước của nước ta đang bị tác động nghiêm trọng làm suy thoái, xâm nhập mặn, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước,… Cơ quan quản lý cần có các biện pháp quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa
Thực trạng tài nguyên nước
Theo Báo cáo TNN quốc gia của Bộ TN&MT, Việt Nam có 3.450 sông, suối, với chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó 405 sông, suối liên tỉnh; 3.045 sông, suối nội tỉnh. Tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 844 tỷ m3, chủ yếu tập trung vào mùa mưa (từ 3 -5 tháng), mùa khô (từ 7 - 9 tháng) chỉ chiếm từ 20 - 30% lượng dòng chảy năm. Mặt khác, dòng chảy hàng năm phân bố không đều chủ yếu trên lưu vực sông (LVS) Cửu Long (khoảng 56%), LVS Hồng - Thái Bình (khoảng 18%), còn lại ở các LVS khác. Phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam là các sông xuyên biên giới.
Nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài, tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam khoảng 504 tỷ m3, chiếm 60% tổng lượng dòng chảy của các sông của nước ta, cụ thể: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tới 95% tổng lượng nước là từ nước ngoài (Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia) chảy vào và ở LVS Hồng -Thái Bình có gần 40% tổng lượng nước là từ Trung Quốc. Trong các năm gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng công trình thủy điện trên lưu vực sông (LVS) Mê Công và sông Hồng (trên 20 hồ thủy điện lớn) đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam, đe dọa an ninh nguồn nước. Bên cạnh đó, việc gia tăng khai thác sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn còn có nguy cơ gây ô nhiễm, thiếu hụt phù sa ở hạ lưu tác động đến hệ sinh thái, suy thoái nguồn nước.
Nguồn nước của nước ta phân bố không đều theo không gian và thời gian. Toàn bộ phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến TP. Hồ Chí Minh, nơi có 80% dân số và trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại là ở vùng ĐBSCL, nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Lượng nước trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70-80%, trong khi đó 7-9 tháng mùa kiệt chỉ xấp xỉ 20-30% lượng nước cả năm. Phân bố lượng nước giữa các năm cũng biến đổi rất lớn, trung bình cứ 100 năm thì có 5 năm lượng nước chỉ bằng khoảng 70-75% lượng nước trung bình.
Biến đổi khí hậu đang khiến vòng tuần hoàn nước xảy ra nhanh hơn khi nhiệt độ tăng làm tăng tốc độ bay hơi. Nhìn chung, bốc hơi nhiều sẽ gây ra mưa nhiều hơn. Tốc độ bay hơi và lượng mưa cao hơn lại không được phân bố đều trên toàn thế giới. Một số khu vực có thể hứng chịu lượng mưa lớn hơn bình thường, trong khi đó, các khu vực khác phải trải qua hạn hán, vì vị trí hiện tại của vành đai mưa và sa mạc sẽ thay đổi theo sự biến đổi của điều kiện khí hậu. Do đó, các hiểm họa liên quan đến nước như hạn hán và lũ lụt đang trở nên nghiêm trọng hơn, và một phần lớn của lượng mưa hàng năm hiện đang tập trung vào các đợt mưa lớn thay vì trải đều ôn hòa trong suốt cả năm.
Ở nhiều nơi trên thế giới, hình thái mưa theo mùa đang trở nên thất thường hơn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và nông nghiệp, cũng như sinh kế của hàng triệu người gắn liền công việc và cuộc sống của mình với đồng ruộng.
Theo Ban liên chính phủ về BĐKH, khu vực nông thôn dự kiến sẽ bị chịu tác động lớn của nguồn cung cấp nước, an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng và thu nhập từ nông nghiệp, bao gồm cả sự hoán đổi giữa các khu vực sản xuất cây lương thực và cây công nghiệp do BĐKH.
Ở khu vực thành thị, BĐKH được dự đoán sẽ làm gia tăng rủi ro cho người dân, tài sản, nền kinh tế và hệ sinh thái, bao gồm những rủi ro do bão và mưa lớn gây ra, lũ lụt tại khu vực ven biển và sâu trong đất liền, sạt lở đất, hạn hán, khan hiếm nước, nước biển dâng và nước dâng do bão.
Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước
Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến nguồn TNN ở Việt Nam. Là quốc gia có nguồn TNN trung bình trên thế giới, với nhiều yếu tố không bền vững, những năm gần đây, nguồn TNN của Việt Nam đang ngày càng khan hiếm, suy giảm cả về số lượng và chất lượng, kèm theo đó hạn hán và lũ lụt xảy ra gay gắt ở cả quy mô, mức độ và thời gian trong khi nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng và đó chính là nguyên nhân gây ra khủng hoảng về nước.
PGS. TS Hoàng Minh Tuyển, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và TNN cho biết, dưới tác động của BĐKH, nhiều nơi sẽ xảy ra những tranh chấp gay gắt về nước vì thế nhiều nơi cần phải xây dựng những cơ chế chia sẻ nguồn nước. BĐKH đã tác động mạnh tới ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng - Thái Bình. Với tốc độ này, dự kiến vào năm 2050, diện tích đất bị ảnh hưởng mặn ở ĐBSCL là 2.500.000 ha. Gần 4/5 diện tích trên bán đảo Cà Mau bị mặn xâm nhập. Khi xảy ra cơn lũ lớn trong những năm giữa thế kỷ 21, gần 90% diện tích tự nhiên vùng này sẽ bị ngập lụt (khoảng 3.514.400 ha). Ngoài các thành phố, thị xã đã bị ngập lũ hiện nay như: Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh, sẽ có thêm các nơi như: Sa Đéc, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vị Thanh, Sóc Trăng, Rạch Giá và Hà Tiên.
Theo Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia của Bộ TN&MT, mặc dù so với thời kỳ cơ sở, dòng chảy mùa cạn trên lưu vực sông Mê Công có xu thế tăng, tuy nhiên, so với thời gian gần đây, dòng chảy có xu thế giảm và khả năng sẽ giảm trong các thời kỳ trong tương lai. Mặt khác, khi xây dựng các kế hoạch phát triển trong tương lai, cần xem xét đến tác động điều tiết của các công trình trên sông. Cụ thể, trường hợp trên hệ thống lưu vực sông Hồng, sự điều tiết của các công trình hồ chứa lớn thượng nguồn sông Hồng là một trong các nguyên nhân đã làm thay đổi phân phối dòng chảy và các đặc trưng mực nước hạ lưu sông Hồng. Dòng chảy trong mùa lũ có xu hướng giảm, mực nước lũ tại trạm thủy văn Hà Nội hạ lưu sông Hồng trong 1 thập niên gần đây hầu như đều nhỏ hơn báo động 1, hệ thống các hồ chứa thượng nguồn đã cắt giảm lũ hạ du từ 1,1÷4,2 m. Trong mùa cạn, việc điều hành cấp nước cho hạ du diễn ra khẩn trương trong một số thời kỳ cao điểm từ tháng I-II, là thời kỳ đổ ải vụ đông xuân, khi đó hệ thống hồ chứa (đặc biệt là hồ Sơn La và Hòa Bình đóng vai trò chủ chốt) sẽ bổ sung một lượng lớn nước xuống hạ du làm cho mực nước tăng nhanh. Ngoài thời kỳ cấp nước đổ ải, trong các tháng khác của mùa cạn, hệ thống hồ chứa chủ yếu hoạt động điều tiết phát điện theo chế độ phủ đỉnh, thời gian các hồ không xả nước xuống hạ du đã dẫn đến mực nước trên sông xuất hiện liên tiếp mực nước nhỏ nhất lịch sử trong chuỗi quan trắc. Từ năm 2000, với sự thay đổi lớn quan hệ mực nước - lưu lượng trong sông theo xu hướng gia tăng lượng xả để duy trì một mức nước, nên để đảm bảo cao trình đủ để lấy nước trong thời kỳ đổ ải cũng như các thời kỳ cấp nước khác trong mùa cạn, thì các hồ chứa thượng lưu sẽ phải tăng khá lớn lượng dòng chảy cấp về hạ du. Các vấn đề này cũng làm ảnh hưởng đến dòng chảy trên các nhánh sông trong hệ thống.
Biến đổi khí hậu đã gây ra những thay đổi nghiêm trọng đến TNN, nhất là nguồn nước trên các lưu vực sông. Do vậy, các địa phương ở các lưu vực sông cần chung tay để có biện pháp thích ứng, tăng cường hợp tác với các nước trong việc quản lý TNN. Đối với sông Hồng, sông Thái Bình cần tiếp tục phát triển các hồ chứa đa mục tiêu. Việc khôi phục rừng phải đi đôi với việc thực hiện tiết kiệm nước trong các ngành, đặc biệt là nông nghiệp; nâng cấp, xây dựng các nhà máy cấp nước sinh hoạt, công nghiệp ở đô thị. Bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, bảo vệ đất, chống xói mòn, duy trì dòng chảy môi trường sau các công trình khai thác nước. Việc xây dựng các tuyến đê và cống ngăn mặn cần kết hợp với việc chống ô nhiễm nguồn nước từ các nguồn thải công nghiệp và sinh hoạt. Đối với ĐBSCL, hoàn thiện và củng cố những công trình thủy lợi trong quy hoạch lũ, có xét đến tác động BĐKH. Đồng thời, sử dụng các biện pháp tích trữ nước ngọt, cũng như tăng cường xây dựng các cống ngăn mặn.
NGUYỄN HƯƠNG
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trích: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 16 (Kỳ 2 tháng 8) năm 2023