Khả năng hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ về du lịch trước biến đổi khí hậu
30/12/2023TN&MTDu lịch đã trở thành một trong những hoạt động dịch chuyển xuyên quốc gia mạnh mẽ nhất trên thế giới. Việt Nam là một đất nước rất đẹp, giàu đa dạng sinh thái và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ,... Do đó, du lịch đã trở thành một trong những phương thức giải trí cho hàng triệu người Việt Nam, cũng như là một trong những điểm đến hút du khách mới nổi nhất hành tinh. Trong những năm gần đây, du lịch đã trở thành một ngành chủ chốt đóng góp cho kinh tế đất nước.
Thời điểm hiện nay cũng là lúc nhân loại đứng trước cuộc khủng hoảng mang tính khẩn cấp về môi trường sinh thái. Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang và sẽ ảnh hưởng tới mọi quốc gia, mọi vùng miền. Nếu nhân loại không đồng lòng, nỗ lực giảm phát thải để đạt mức bằng “0” vào năm 2050 thì sẽ phải đối mặt với những khó khăn rất khó vượt qua.
Hai vấn đề BĐKH và du lịch có sự kết nối nguyên nhân và hệ quả rất chặt chẽ. Du lịch Việt Nam cần tìm được giải pháp trong khi chưa phát triển được phương thức du lịch bền vững lý tưởng. Để làm được điều này, Việt Nam cần xây dựng được một lộ trình hiệu quả mang tính cộng sinh mạnh mẽ giữa du lịch và môi trường thiên nhiên, hướng tới phát thải bằng không. Trong bối cảnh này, sự nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên mức quan hệ ngoại giao cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện mở ra nhiều cơ hội hợp tác hứa hẹn nhiều tiềm năng trao đổi công nghệ giúp Việt Nam tiến tới đạt khí phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Bài nghiên cứu này bàn về mức độ du lịch gây ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi BĐKH, cũng như giải pháp mà khả thi nhất là sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mang lại. Điểm nhấn là những nỗ lực quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước cũng như cơ hội hợp tác với Mỹ để chuyển đổi các hoạt động du lịch theo hướng phát triển bền vững.
Từ khoá: Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, du lịch, biến đổi khí hậu
Hội nghị Khung về BĐKH của Liên hiệp quốc được họp tại Rio de Janeiro năm 1992 đã xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Trái đất ấm lên là do con người, và kêu gọi ngăn chặn sự can thiệp của con người đến hệ thống khí hậu toàn cầu.
Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã hoạch định nhiều chiến lược, đưa ra nhiều kế hoạch ở cấp quốc gia về giảm thiểu khí thải, gia tăng sự thích nghi, hướng tới chuyển đổi năng lượng và phát triển xanh. Tuy Việt Nam còn là một quốc gia đang phát triển và mới chỉ bắt đầu công nghiệp hóa trong ba thập kỷ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết tuân thủ nguyên tắc đồng trách nhiệm chung theo tinh thần thỏa thuận BĐKH Paris đưa ra. Tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26 ở Glasgow tháng 11/2021, Việt Nam sẽ đạt tới mức khí thải CO2 bằng “0” vào năm 2050. Thủ tướng đặt toàn bộ hệ thống nhà nước hành động vì môi trường ở cấp cao nhất trong mọi quyết định. Ông nhấn mạnh đây là hành động bắt buộc để giảm thiểu nguy cơ Trái đất nóng lên.
Mối tương quan giữa hoạt động du lịch và ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu
Sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam
Hiện nay, du lịch đã trở thành một phần của phong cách sống hiện đại, là văn hóa, đặc biệt là trong nhóm thế hệ trẻ. Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch, trong thời gian từ năm 2016 đến 2019, du lịch đã nổi lên thành một ngành kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
Trong ngành công nghiệp này, BVMT thiên nhiên mang tính cốt yếu bởi chính môi trường là lực hấp dẫn kéo du khách tới, và nền kinh tế địa phương phụ thuộc vào nguồn doanh thu từ đây. Trong năm 2018 và 2019, vận chuyển và du lịch đóng góp 8.39% và 9.1% của GPD cả nước tương ứng cho từng năm, trước khi bị ngắt quãng nghiêm trọng bởi các quy định chống Covid-19 ngặt nghèo. Năm 2022, Việt Nam đã mở cửa biên giới trở lại cho khách du lịch quốc tế. Ngành công nghiệp du lịch từ đó đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi.
Du lịch và mục tiêu phát triển bền vững số 13 của Liên hợp quốc
Du lịch nằm ở tâm điểm của sự giao thoa kết nối chặt chẽ giữa mục tiêu phát triển bền vững số 13, giữa việc là nguồn sinh kế dễ bị ảnh hưởng bởi BĐKH với đóng góp vào việc gia tăng phát thải CO2. BĐKH có tầm vóc toàn cầu và gây ảnh hưởng mang tính tồn vong cho ngành Du lịch. Những xu hướng trong các kịch bản BĐKH như mực nước biển dâng, xói mòn, lở đất, phá rừng đều là những mối đe dọa chính đối với Việt Nam. Trong khi du khách là nhân tố chủ chốt mang lại sự phồn thịnh cho một điểm du lịch, đây cũng là sự lựa chọn phát triển KT-XH bền vững và phù hợp nhất,... Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xây dựng được mối liên hệ cộng sinh cho cả đôi bên.
Mặt trái là du lịch có thể góp phần gây nên hiệu ứng khí nhà kính (KNK). Các hoạt động du lịch, từ vận chuyển đến lưu trú, hay ăn uống và nhiều hoạt động tour có khai thác nguồn lực và nguyên liệu đều làm gia tăng phát thải gây hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân chính dẫn đến BĐKH. Một số nghiên cứu mới đây cho thấy, khoảng 8% KNK bị phát thải từ các hoạt động du lịch. Ba phần tư trong số này đến từ vận chuyển và được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Tới thời điểm đó, hành tinh của chúng ta có thể sẽ đã tăng tới 1.50C so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp.
Nghị trình của Liên hợp quốc có đề cập tới vấn đề trách nhiệm toàn cầu của ngành Du lịch. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Du lịch Thế giới năm 2021 của Liên hợp quốc về BĐKH vào năm 2021 ngành Du lịch Việt Nam đã cam kết giảm 25% khí thải nhà kính năm 2030 so với mức 2010. Cam kết này cho thấy, quyết tâm rất lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô, một nghiên cứu được ADF tài trợ cho thấy ảnh hưởng ở cấp độ này sâu rộng hơn ảnh hưởng trực tiếp tới 30%. Phát hiện này cho thấy, việc đánh giá ở cấp ngành đơn lẻ sẽ là không đầy đủ mà cần phải hiểu được sự kết nối liên ngành làm gia tăng những ảnh hưởng BĐKH không thể tránh được.
Giảm thiểu BĐKH là một trụ cột trong chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) 2022 của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ đóng vai trò chủ chốt trong tác động BDKH toàn cầu. Một mặt, đây là quốc gia phát thải ra CO2 lớn nhất. Mặt khác, chính quyền của Tổng thống Biden quyết tâm đảm nhiệm vị trí đi đầu trong nỗ lực giảm thiểu BĐKH, đưa vấn đề này vào tâm điểm của chiến lược an ninh quốc gia và quan hệ quốc tế.
Chính quyền Biden định nghĩa an ninh quốc gia theo nghĩa rộng. Trong NSS 2022, vấn đề BĐKH được nhắc tới 63 lần (so với nước Nga 71 lần và Trung Quốc 55 lần). Nội hàm văn bản trình bày một cách thẳng thắn mục tiêu, ưu tiên, và quyền lợi của nước Mỹ, mối đe dọa phải vượt qua, và năng lực nước Mỹ cần phấn đấu đạt tới. Đây là cách tiếp cận để xây dựng định hướng và sự đồng thuận trong nước và cũng là nền tảng trrong quan hệ đối ngoại. NSS nhìn nhận BĐKH là một trong những thách thức chung lớn nhất của nhân loại “nằm ở tâm điểm của an ninh quốc gia và quốc tế” song song với mất an ninh về lương thực, khủng bố và lạm phát. Đây là “thách thức lớn nhất và tiềm ẩn nguy cơ mang tính sống còn” đối với mọi quốc gia.
Về hiện tượng, một loạt những thách thức xuyên quốc gia đang nổi lên rất lớn, lớn hơn cả những vấn đề ở tầm quốc gia. Trong số này BĐKH là rất nghiêm trọng, thách thức sự tồn vong của nhân loại. Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã ra tranh cử tổng thống 2020 trên cương lĩnh chống BĐKH. Văn bản NSS 2022 nhấn mạnh quyền lợi sống còn của nước Mỹ, về cạnh tranh địa chính trị và những thách thức chung. Chiến lược khẳng định nước Mỹ cần giữ được thế cạnh tranh mạnh trong những công nghệ chủ chốt. Một trong năm trụ cột của chiến lược là vấn đề BĐKH được đặt ở vị trí tâm điểm. Để có thể giữ cho nước Mỹ an toàn, trong đó BĐKH, an ninh lương thực, bệnh dịch, khủng bố, thiếu nhiên liệu, lạm phát không kém phần quan trọng.
Hợp tác quốc tế để giảm thiểu BĐKH
Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều tổ chức nhằm chuyển đổi năng lượng, đẩy mạnh giảm phát thải các-bon. Sự hợp tác trên kênh đa phương cũng như là song phương với các quốc gia công nghệ cao như Nhật Bản hay Mỹ được mong đợi sẽ giúp Việt Nam trong những nỗ lực này. Trong điều hành đất nước, Tổng thống Biden đã cam kết sẽ tăng gấp 4 lần viện trợ hàng năm của Mỹ dành cho các quốc gia đang phát triển lên tới 11 tỷ đô-la từ năm 2024.
Trụ cột quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ
Trong quan hệ song phương của Việt Nam - Hoa Kỳ hai bên đã cam kết lấy nỗ lực giảm thiểu BĐKH làm một trụ cột của mối quan hệ. Đặc phái viên đặc biệt của Tổng thống về môi trường là ông John Kerry là người đã nâng tầm BĐKH toàn cầu thành vấn đề an ninh quốc gia. Ông cũng là một người bạn lớn của Việt Nam và nhấn mạnh việc chuyển giao công nghệ trong năng lượng tái tạo giúp Việt Nam trong nỗ lực đạt được các mục tiêu COP26, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. USAID cũng giúp Việt Nam phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng và xử lý chất thải.
Những nỗ lực của hai bên sẽ chắc chắn giúp gia tăng đầu tư trực tiếp vào du lịch, mang theo công nghệ sạch trong ngành hàng không, cơ sở lưu trú và các hoạt động du lịch khác. Đối với Việt Nam, sự giúp đỡ của Hoa Kỳ là một cơ hội quý báu để chuyển đổi sang công nghệ xanh, xử lý rác thải chắc chắn giúp giảm phát thải bởi các hoạt động du lịch, giúp phát triển bền vững.
Qua việc NSS 2022 đặt BĐKH trong nhóm mối đe dọa cấp độ cao ngang hàng với và bị ảnh hưởng bởi các thách thức địa chính trị từ đối thủ của nước Mỹ có thể dự báo một số hướng tiếp cận trong khuôn khổ sau:
Phương pháp tiếp cận chung của Mỹ tiếp tục là đi đầu, lãnh đạo thế giới thông qua hệ giá trị, và can dự vào các vấn đề toàn cầu cùng với các quốc gia mong muốn hợp tác, và sẽ lãnh đạo cùng các đồng minh có chung quyền lợi.
Phương châm NSS 2022: “hành động toàn cầu bắt đầu từ trong nước”. Điểm đặc biệt là không có sự tách biệt giữa chính sách đối ngoại với chính sách trong nước, rất phù hợp trong giải quyết vấn đề BĐKH.
Nước Mỹ đã đầu tư lớn chưa từng có vào sự chuyển đổi sang năng lượng sạch thông qua đạo luật IRA, đồng thời tạo nên hàng triệu công ăn việc làm. Phương thức giải quyết nhu cầu cấp bách là tăng tốc sự chuyển dịch thoát khỏi nguyên liệu hóa thạch.
Nhà Trắng tích hợp những vấn đề liên quan đến BĐKH vào xây dựng chiến lược và chính sách ở cấp khu vực và quốc gia. Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương đánh giá khủng hoảng khí hậu là mối quan tâm hàng đầu trong an ninh khu vực. Trên cơ sở đó kết nối chính sách đối nội với quốc tế, lấy trong nước làm khởi nguồn cho đối ngoại.
Ở nước ngoài, Chính phủ Mỹ khuyến khích chiến lược khí hậu ở các cấp khu vực và song phương. Mỹ chủ trương chủ động góp phần đảm bảo để các đồng minh và đối tác này giảm bớt được những mối lo ngại là cấp bách. Đơn giản là nếu một quốc gia phải đương đầu với quá nhiều thách thức trong nước do BĐKH mang lại không thể nhìn ra bên ngoài và ủng hộ những ưu tiên khác của Mỹ.
Những nỗ lực cần thiết đối với Du lịch Việt Nam để giảm thiểu biến đổi khí hậu
Nếu chỉ theo đuổi mục đích kinh tế thì du lịch sẽ dẫn đến sự gia tăng phát thải CO2 và BĐKH sẽ ảnh hưởng đến chính những yếu tố đã kéo du khách tới điểm du lịch. Để tìm ra được sự cân đối tổng thể cần có những thay đổi và thận trọng đến từ chính ngành công nghiệp du lịch.
Trước tiên cần phải xây dựng lộ trình hướng tới du lịch trung hòa khí cac-bon. Chính hệ thống quản lý công nghiệp du lịch cần phải buông bỏ hiện trạng vì khủng hoảng khí hậu ngày càng gây ảnh hưởng tới các điểm du lịch. Để có thể đạt được những mục tiêu đã cam kết Việt Nam cần xây dựng một khung chiến lược hiệu quả cho ngành Du lịch Việt Nam.
Thực tế, phần lớn các ngành công nghiệp, trong đó có ngành du lịch hiện đang khá chậm chạp trong việc xử lý những ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống sinh thái toàn cầu đóng vai trò cốt yếu cho ngành. Viễn cảnh “bi kịch cái của chung” nhắc nhở việc cần phải có hành động tập thể theo cam kết. Một số tổ chức quốc tế đã có những công trình có đóng góp lớn cho phát triển du lịch bền vững. Theo Báo cáo của Travel Foundation Envision 2030, nếu tiếp tục xử lý như hiện tại thì năm 2050 phát thải của ngành Du lịch sẽ gia tăng gấp đôi. Đổi mới sáng tạo về công nghệ và tính hiệu quả cao về chi phí mang tính quyết định. Ngành Du lịch hàng không hoàn toàn bền vững. Bản Hướng dẫn Du lịch và Thị trường các-bon cho thấy cuộc chạy đua tìm kiếm điểm đến trung hòa khí thải đã bắt đầu. Hướng dẫn này làm rõ tất cả những thách thức và cơ hội đối với ngành Du lịch và các doanh nghiệp vận chuyển mọi loại.
Chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Mỹ với những kết quả cụ thể cùng việc nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đánh dấu chương mới trong quan hệ hai nước. Trong nhiều lĩnh vực hợp tác, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ nỗ lực hợp tác nhằm giảm thiểu phát thải CO2. Đặc phái viên John Kerry quan tâm thúc đẩy ứng phó BĐKH và chuyển đổi năng lượng. Đây cũng chính là các lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn hợp tác với Mỹ nhằm tối đa hóa tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài.
Tài liệu tham khảo
1. Nadia Schadlow, Biden’s National Security Strategy Is Undone by Fantasy, Wall Street Journal ngày 23/10/2022 truy cập ngày 20/12/2022 tại https://www.wsj.com/articles/bidens-strategy-is-undone-by-fantasy-national-security-china-climate-change-threat-beijing-white-house-ccp-11666549038;
2. Alex Stubb, The US National Security Strategy in 6 points, School of Transnational Governance (STG) 14/12/2022, truy cập ngày 20/12/2022 tại https://www.youtube.com/watch?v=FEdpdeTzNp0;
3. Andrew Freedman, Biden’s national security strategy focuses on climate change, Axios ngày 13/10/2022, truy cập ngày 20/12/2022 tại https://www.axios. com/2022/10/13/climate-change-biden-national-security-strategy;
4. The Impacts of Climate Change on National Security, Cimpatico, truy cập ngày 20/12/2022 tại https://www.youtube.com/watch?v=T4lCv6CmSgc;
5. White House, National Security Strategy, 2022 truy cập ngày 20/12/2022 tại https://www.whitehouse.gov/ wp-content/uploads/2022/10/Biden-Harris-Administrations-National-Security-Strategy-10.2022.pdf;
6. The Carbon Footprint of Global Tourism https://www.unwto. org/archive/global/news/2011-08-16/climate-change-and-tourism-responding-global-challenges;
7. Vietnamese Ministry of Environment and Natural Resources, the French Development Agency and French National Institutes of Sustainable Development;
8. https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-11-14/how-tourism-can-hit-net-zero-by-2050-an-unrealistic-but-not-impossible-solution.
BÙI THỊ PHƯƠNG LAN
Viện Nghiên cứu châu Mỹ
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 22 (Kỳ 2 tháng 10) năm 2023