Kết quả nổi bật trong áp dụng việc kết nối, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý đất đai
30/11/2024TN&MTViệc kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp người dân tra cứu được các thông tin về đất đai; cơ quan nhà nước quản lý được các biến động về dân cư và đất đai trên môi trường điện tử. Đó là những dữ liệu đầy đủ, sống, sạch phục vụ quản lý, người dân và an ninh quốc gia.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu mà tất cả các nước trên thế giới đều hướng đến, là động lực tạo sự bức phá, thúc đẩy phát triển KT-XH. Dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số. Đây là nội dung quan trọng trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan Nhà nước với tổ chức, công dân, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí hoạt động, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Do vậy, để đảm bảo thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ Công an, UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện Đề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Sở TN&MT TP. Hà Nội đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo, các Tổ công tác thực hiện Đề án 06 tại các Phòng ban, đơn vị trực thuộc; để thống nhất trong chỉ đạo, đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ trong tâm của Đề án 06 theo lộ trình Chính phủ đề ra.
Đặc biệt, đối với việc triển khai thực hiện giải quyết TTHC trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Sở TN&MT TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng và triển khai các công việc nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng các TTHC trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công TP. Hà Nội.
Trên cơ sở kết nối, xác thực với CSDL Quốc gia về dân cư bằng ứng dụng VNeID của Bộ Công an để kết nối chia sẻ dữ liệu của người dân với các cơ quan liên quan như thuế, nhà đất, tư pháp, y tế để thực hiện các TTHC điện tử trên Cổng dịch vụ công, Sở TN&MT TP. Hà Nội hiện đang triển khai các mô hình: Tuyên truyền, hướng dẫn người thực hiện thủ tục thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính liên quan đến lĩnh vực đất đai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; hướng dẫn công dân nhập hồ sơ Dịch vụ công trực tuyến và quy trình thực hiện 03 TTHC nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng Dịch vụ công thành phố gồm: (Giấy giấy chứng nhận lần đầu, thế chấp và Xóa đăng ký thế chấp giao dịch bảo đảm); mô hình ứng dụng mã QR code để thanh toán phí, lệ phí giải quyết TTHC.
Qua đó, Sở TN&MT TP. Hà Nội đã đạt được những kết quả: 100% công dân không phải xuất trình, nộp CCCD khi thực hiện các TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai khi Cổng dịch công thành phố đã kết nối và chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia và dữ liệu dân cư của Bộ Công an; 98% phí và lệ phí thực hiện TTHC được thanh toán không dùng tiền mặt bằng mã QR code; 03 TTHC nêu trên đã được thực hiện trình trên Cổng dịch vụ công thành phố.
Tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai
Để hoàn thành xây dựng CSDL và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, Sở TN&MT TP. Hà Nội tiếp tục tham mưu xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực; phát huy vai trò lãnh đạo, uy tín, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác vận động nhân dân thực hiện giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến. Tham mưu các cấp chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng Chính phủ số, xã hội số.
Chỉ đạo các phòng ban, đơn vị tập trung lực lượng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06/CP của Chính phủ đảm bảo tiến độ được giao. Đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích của việc thực hiện Đề án 06 và Dịch vụ công trực tuyến để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp,… tiếp cận thực hiện. Đồng thời, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang cấp các thiết bị, phương tiện cần thiết cho các đơn vị đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng đảm bảo đáp ứng các yêu cầu trong công tác giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối hệ thống CSDL quốc gia về dân cư và các hệ thống CSDL khác; kết nối, chia sẻ dữ liệu khi thực hiện TTHC theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong CSDL quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, từng bước nâng cao kỹ năng người dân trong sử dụng thiết bị mạng máy tính, đây là yếu tố rất quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền kịp thời phát hiện ngăn chặn, đấu tranh và xử lý nghiêm các trường hợp lừa đảo trên không gian mạng, các hành vi xuyên tạc, gây hoang mang cho công dân khi tham gia vào dịch vụ công để giải quyết các TTHC.
Sở TN&MT là đơn vị được giao triển khai dự án Xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và CSDL quản lý đất đai của TP. Hà Nội. CSDL đất đai gồm đầy đủ các nhóm dữ liệu, trường dữ liệu theo các Thông tư của Bộ TN&MT.
Dự án đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn 27/30 quận huyện thuộc phạm vi dự án kết hợp với dữ liệu hiện có của 03 huyện đã thực hiện trước đây, đến nay đã cơ bản hoàn thành thực hiện hạng mục đo đạc trên 27/27 địa bàn quận, huyện, đang tiếp tục thực hiện công tác kê khai, đăng ký đồng thời xây dựng, cập nhật CSDL. Các công việc trên được thực hiện lồng ghép từ đo đạc nội nghiệp đến xây dựng CSDL để đảm bảo đồng nhất về dữ liệu không gian, địa chính và dữ liệu thuộc tính, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành CSDL đất đai trong năm 2025.
Song song với việc triển khai dự án, Sở TN&MT TP. Hà Nội đang được UBND Thành phố giao phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, UBND quận Hoàng Mai thực hiện thí điểm việc làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong CSDL đất đai quốc gia do Bộ TN&MT. Hiện nay, theo tổng hợp của Bộ TN&MT đã cơ bản hoàn thành điều tra, thu thập thông tin tại 100% phường thuộc quận Hoàn Kiếm (18 phường) và quận Hoàng Mai (14 phường); tiếp tục chuẩn hóa, làm sạch, chuyển đổi, xây dựng CSDL liên kết thông tin với dữ liệu không gian thửa đất của các phường từ phiếu thu thập thông tin.
Tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về “tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo”, giao nhiệm vụ cho UBND các địa phương “Tổ chức xây dựng CSDL đất đai trong phạm vi địa phương, bảo đảm kết nối, tích hợp, liên thông với CSDL quốc gia về đất đai và CSDL quốc gia về dân cư, khẩn trương hoàn thành, đưa vào vận hành trong năm 2025.
Để đạt được mục tiêu trên, CSDL đất đai phải được xây dựng đầy đủ đến từng thửa đất và sớm đưa vào vận hành, khai thác và phục vụ kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư nhằm triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, Sở TN&MT đề xuất, kiến nghị Cục CĐS&TTDL TNMT, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai và Bộ TN&MT hỗ trợ thực hiện nâng cấp, mở rộng phần mềm hệ thống thông tin đất đai ViLIS 2.0 để phục vụ công tác cập nhật CSDL đất đai, vận hành nghiệp vụ tại Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội; trên cơ sở hệ thống phần mềm ViLIS được nâng cấp, Sở TN&MT sẽ giao Văn phòng Đăng ký đất đai triển khai mô hình kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư, cơ quan Thuế, Kho tài liệu hồ sơ TTHC được số hóa của thành phố, Cổng dịch vụ công thành phố và Cổng dịch vụ công quốc gia.
HÀ ANH
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 18 (Kỳ 2 tháng 9) năm 2024