Kết nối tiêu thụ nông sản chủ lực ở Bình Dương
09/10/2021TN&MTBình Dương là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua; trong đó, ngành nông nghiệp cũng chịu tác động lớn. Kết nối tiêu thụ nông sản chủ lực cho tỉnh Bình Dương là cần thiết để phát huy thế mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao của địa phương này.
Dưa lưới là một trong những nông sản của tỉnh Bình Dương được thị trường ưa chuộng.
Để thực hiện điều đó, sáng 9/10, Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức phiên thứ tư diễn đàn “Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Dương năm 2021”.
Lợi thế nông nghiệp công nghệ cao
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết: Với tỷ trọng GDP nông nghiệp chỉ hơn 3%, nhưng tỉnh Bình Dương rất quan tâm tới ngành nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững. Hiện, tỉnh có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, hơn 69% tổng đàn gia cầm, 65% tổng đàn gia súc và 5.497,9 ha trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trong có gần 600 ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ. Tỉnh đã hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái huyện Phú Giáo với tổng diện tích thực hiện dự án là 411,75 ha trồng: Chuối, dưa lưới, cây có múi, nhãn, bơ; Công ty cổ phần Vinamit đầu tư phát triển 150 ha nông sản các loại như mít, chuối, rau các loại…
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Tổ công tác hỗ trợ sản xuất, kết nối cung cầu và tiêu thụ nông sản của tỉnh đã triển khai bán hàng tại 20 điểm. Lượng hàng cung ứng hàng ngày khoảng 6 tấn rau, củ, quả; 300-350 kg thịt; 27.000 quả trứng/điểm. Đồng thời tổ chức các chuyến xe bán hàng lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, đã hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại triển khai kênh bán lẻ online trên Facebook, Zalo, giao hàng trực tiếp đến các đầu mối đặt hàng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản tồn cục bộ với 150 tấn chuối; 250 tấn dưa lưới; 250 tấn bưởi; 50 tấn rau; 90 tấn nấm bào ngư.
Còn theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, do dịch Covid-19, ngành sản xuất nông nghiệp đã gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Đối với phân khúc tiêu thụ có hợp đồng ổn định (siêu thị, bếp ăn, trường học, doanh nghiệp...) bị giảm hoặc hủy đơn hàng do sức tiêu thụ của các kênh này giảm, các nhà máy trường học tạm ngưng hoạt động. Trong khi đó, phân khúc tiêu thụ truyền thống bị đứt gãy do đóng cửa chợ đầu mối, chợ truyền thống (phân khúc tiêu thụ này chiếm trên 60% lượng nông sản Bình Dương). Chính vì vậy, việc kết nối cung cầu sản phẩm nông sản Bình Dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng để các địa phương trên địa bàn tỉnh điều chỉnh quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Kết nối cung - cầu các sản phẩm chủ lực
Tại diễn đàn, nhiều trang trại, hợp tác xã trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã giới thiệu các sản phẩm của đơn vị mình đến các nhà thu mua.
Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả Tân Mỹ Lê Minh Sang cho biết: Năm 2021, ước tính tổng sản lượng bưởi hợp tác xã cung cấp cho siêu thị khoảng 700 tấn, dưa lưới 150 tấn. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh của hợp tác xã, giá nông sản bán ra thị trường giảm 20-30% so thời điểm trước dịch bệnh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm giảm 25-30% so năm trước. Chính vì vậy, thời gian tới đây, hợp tác xã mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp thu mua để ổn định đầu ra cho sản phẩm, nhằm đẩy mạnh sản xuất.
Nhu cầu đó được Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, bà Ngô Tường Vy thông tin: "Năm 2020, Công ty Chánh Thu đã về làm việc một số trang trại ở Bình Dương để nghiên cứu đưa trái bưởi xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Vùng nguyên liệu bưởi của tỉnh khá tập trung nên có thể đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm để xuất khẩu sang Mỹ nên rất cần đầu tư thực hiện. Dự kiến, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để liên kết tiêu thụ bưởi. Riêng với thị trường Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy cho rằng: Sản phẩm dưa lưới đang được nhiều siêu thị Trung Quốc quan tâm, Công ty sẽ tiếp tục làm việc để kết nối với thị trường này, nên đây cũng sẽ là một kênh để các trang trại, hợp tác xã tham khảo và tiếp cận".
Không chỉ doanh nghiệp, mà hiện tại các đơn vị bán lẻ cũng sẵn sàng kết nối để tiêu thụ nông sản cho tỉnh Bình Dương. Song, yêu cầu đặt ra là các sản phẩm phải bảo đảm về mẫu mã, chất lượng.
Như ý kiến của ông Ao Hàng Hải, Trưởng bộ phận thu mua của hệ thống Saigon Co.op: Bên cạnh các nhà cung cấp hiện đang hợp tác với Saigon Co.op, các đơn vị sản xuất kinh doanh, nuôi trồng tại Bình Dương nếu có nhu cầu đều có thể liên hệ hợp tác với Saigon Co.op. Sau khi tiếp nhận thông tin chào mua, chúng tôi sẽ phối hợp Văn phòng khu vực Đông Nam Bộ đặt tại Bình Dương để khảo sát sản phẩm, hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện thủ tục để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng cả nước. Đồng thời, Saigon Co.op mong muốn hỗ trợ nông dân, hợp tác xã quy hoạch vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước để có thể đưa hàng vào siêu thị.
Theo nhandan.vn