Hướng xuất khẩu tín chỉ carbon từ lúa, dừa
02/05/2024TN&MTNăm 2023, Việt Nam lần đầu bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2), thu về khoảng 51,5 triệu USD (1.250 tỷ đồng). Việc hình thành, phát triển thị trường carbon vừa thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, vừa mang lại nguồn lợi tài chính rất lớn cho cả nước, trong đó khu vực ĐBSCL được ghi nhận có nhiều tiềm năng trên thị trường này.
Có hơn 143.000ha rừng và đất lâm nghiệp, tỉnh Cà Mau có nhiều tiềm năng và lợi thế trong hình thành và phát triển thị trường carbon. Từ năm 2020, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã tổ chức các buổi gặp gỡ để người dân, chủ rừng, doanh nghiệp nghe chuyên gia nói chuyện, tư vấn các vấn đề liên quan đến thị trường carbon. Theo các chuyên gia, tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động của dự án giảm phát thải khí nhà kính, đồng nghĩa với giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng; tái tạo thảm thực vật. Chủ rừng có thể quy đổi lượng hấp thụ khí CO2 từ diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra tín chỉ carbon. Tín chỉ này có thể giao dịch.
Thu hoạch lúa sản xuất theo mô hình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính ở Long An
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định, triển khai thực hiện dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, mỗi năm địa phương sẽ có thêm nguồn tài chính đáng kể, bền vững, phục vụ công tác quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Dù vậy, việc triển khai hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn, do thiếu khung pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật quy định chi tiết về chuyển nhượng, chia sẻ lợi ích, xác định giá tín chỉ carbon... Do đó mong Trung ương sớm hoàn thiện khung pháp lý về kiểm đếm, chứng nhận giao dịch về tín chỉ carbon để Cà Mau cũng như các địa phương khác dễ triển khai, phát huy được tiềm năng về kinh tế rừng.
Tại Kiên Giang, đại diện Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Kiên Giang thông tin, năm 2024, Kiên Giang tham gia 60.000ha lúa trong Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, theo đó sẽ bán tín chỉ carbon khoảng 30.000ha. Đến năm 2025, tỉnh sẽ mở rộng diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ra 100.000ha, dự kiến bán tín chỉ carbon khoảng 40.000ha.
Phân tích về những thuận lợi trong khai thác carbon ở lĩnh vực sản xuất lúa, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, hoạt động sản xuất lúa đang chiếm khoảng 50% lượng khí thải nhà kính và Việt Nam đang giải quyết bài toán giảm phát khí thải nhà kính về mức thải ròng bằng 0 theo cam kết. Ngoài ra, Việt Nam đang hình thành một hệ sinh thái sản xuất lúa gạo bền vững với các quy trình canh tác được tổ chức quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, Chính phủ vừa triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Quy trình, hướng đi đã có. Vấn đề còn lại là nhà quản lý phải tập hợp, tổ chức làm sao để nông dân sản xuất theo định hướng trên. Làm được như vậy, việc khai thác tín chỉ carbon trong sản xuất lúa sẽ đem lại hiệu quả lớn trong tương lai.
Đối với cây dừa, theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, tỉnh hiện có khoảng 78.000ha dừa. Đây là điều kiện tốt bán tín chỉ carbon từ các “cánh đồng dừa”. Trong tháng 7-2024, Bến Tre sẽ tổ chức hội thảo liên quan đến việc xây dựng, phát triển thị trường carbon đối với cây dừa. Tuy thị trường tín chỉ carbon có nhiều tiềm năng, song để hướng đến thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, rào cản, trong đó có vấn đề tài chính. Do đó, Việt Nam cần tính toán, có giải pháp tháo gỡ từng điểm nghẽn.
Theo Bộ NN-PTNT, để khai thác và bán được tín chỉ carbon từ sản xuất lúa, vùng sản xuất theo Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao của ĐBSCL phải đảm bảo các điều kiện sản xuất. Cụ thể, giảm lượng lúa giống còn 80kg/ha; giảm lượng phân bón hóa học 30%, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học 40%; giảm lượng nước tưới trên 30%. Đồng thời, tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình sản xuất tốt (GAP) và tương đương được công nhận đạt 100%; tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 50%; giảm phát thải khí nhà kính trên 20%; rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 100% diện tích thu hoạch.
Theo sggp.org.vn