Hướng tới xây dựng nền kinh tế phi phát thải
01/07/2022TN&MTBáo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho thấy, khu vực tư nhân chiếm đến 70% trong nhu cầu đầu tư về biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì Sự Phát triển Bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại sự kiện.
Tại hội thảo Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng "0" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng một số đơn vị khác, tổ chức ngày 30/6, các chuyên gia và diễn giả tham dự thống nhất quan điểm, khu vực tư nhân đang có những đóng góp quan trọng trong hiện thực hóa các cam kết quốc gia.
Báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho thấy, khu vực tư nhân chiếm đến 70% trong nhu cầu đầu tư về biến đổi khí hậu của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang được trông đợi sẽ có những động thái mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy tiến trình cắt giảm phát thải.
Cụ thể là cung cấp và đưa vào sử dụng những nguồn năng lượng bền vững, không carbon với giá cả phải chăng hơn; sử dụng tài nguyên tối ưu hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu của xã hội... Đồng thời, tăng cường các hệ thống cung cấp tài nguyên có khả năng tái tạo, thiết lập những cơ chế tài chính xanh để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong báo cáo hoạt động của doanh nghiệp; gia tăng cơ hội tiếp cận các sáng kiến kinh doanh bền vững vì một nền kinh tế phi phát thải với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, VCCI cho biết, theo đánh giá của Liên hợp quốc, nhân loại đang phải đối mặt với 3 thách thức vô cùng lớn là biến đổi khí hậu; cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học. Báo cáo đánh giá rủi ro toàn cầu mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố đầu năm 2022 cũng chỉ ra rằng, nguy cơ biến đổi khí hậu là cấp bách và nghiêm trọng nhất.
Mỗi năm, trên thế giới, ước tính có trên 20 triệu người mất đi chỗ ở và sinh kế do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu do phần lớn dân số sinh sống ở vùng trũng ven biển. Nếu nhiệt độ trung bình tăng thêm 2 độ C, Việt Nam sẽ chịu những thiệt hại rất lớn về sinh thái, kinh tế và cả xã hội, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập lụt...
Tất cả những nguy cơ này đã và đang khiến nhiều quốc gia trên toàn cầu xem xét đến việc tính toán lượng khí thải tạo ra khi sản xuất một đơn vị sản phẩm. Để xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp buộc phải tính toán lượng phát thải sao cho thấp hơn hoặc bằng với mức trung bình của nước sở tại, nếu lớn hơn thì hàng hóa sẽ bị áp thuế rất cao.
Hơn bao giờ hết, cộng đồng doanh nghiệp đang được thôi thúc mạnh mẽ hơn, hướng tới việc kinh doanh có trách nhiệm hơn, đóng góp vào sự thịnh vượng và cuộc sống tốt cho con người, nhưng phải đặt trong các giới hạn như bảo đảm mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá +1,5 độ C vào năm 2050; đồng thời giữ cho thiên nhiên được bảo vệ, phục hồi và sử dụng bền vững. Điều đó có nghĩa rằng các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cần có năng lực thích ứng cao hơn. Thay vì chỉ tiêu dùng, mỗi người cần có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và duy trì khả năng phục hồi một hệ thống Trái đất trong lành và có khả năng tái tạo, ông Huy nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội thảo "Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng "0"".
Tại Việt Nam, kể từ năm 2010, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) được thành lập đã triển khai nhiều hoạt động kết nối các doanh nghiệp, hợp tác nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và cắt giảm phát thải khí nhà kính chống biến đổi khí hậu. Đã có nhiều chương trình, sáng kiến được thực hiện và đem lại những hiệu ứng tích cực tới cộng đồng như: sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; sáng kiến thúc đẩy các khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam...hay dự án hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam cùng nhiều dự án riêng lẻ của từng doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế cả trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Chính phủ, Quốc hội đã quyết liệt triển khai, và có nhiều hành động mạnh mẽ hơn trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, thông qua việc phê duyệt hàng loạt chính sách quan trọng và tham gia các cam kết toàn cầu. Chẳng hạn như: đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật của Việt Nam gửi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Luật Bảo vệ Môi trường 2020 hay những cam kết mạnh mẽ đưa Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm 30% phát thải khí mê tan vào năm 2030 tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26)....
Với sự hợp tác, chung tay của doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong kinh doanh bền vững khi thực hiện những sáng kiến, hoạt động hướng tới môi trường và chống biến đổi khí hậu đã cho thấy tính chủ động, trách nhiệm và tư duy đổi mới trong kinh doanh đang bắt kịp với xu thế toàn cầu.
Một trong những doanh nghiệp chủ trương kinh doanh bền vững là Công ty TNHH Nhà Máy Bia HEINEKEN Việt Nam đã xây dựng lộ trình hoạt động hướng tới phát thải ròng bằng 0 trong Chiến lược Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn. Theo đó, năm 2025 nhà máy sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 trong sản xuất và đến năm 2040 sẽ đạt mức trung tính carbon trong các chuỗi giá trị.
Đại diện HEINEKEN Việt Nam, bà Holly Bostock, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao cho biết giai đoạn 2022-2025, HEINEKEN Việt Nam sẽ nỗ lực 100% năng lượng tái tạo gồm nhiên liệu sinh khối (biomass), điện năng, điện mặt trời áp mái và nhiệt năng sinh học... Nhóm bao bì sẽ thiết kế sử dụng các nguyên liệu tái chế để tối ưu hóa, thu hồi và tái sử dụng.
Hoạt động kho vận sẽ có sự đổi mới tối ưu về kích thước, khoảng cách, tải trọng, hình thức vận chuyển...để tối ưu hệ thống và giảm phát thải 5,7 tấn carbon mỗi năm. Hiện, công ty đang xây dựng các lộ trình thích hợp, áp dụng chiến lược 4Rs: Reduce (giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng), Replace (thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch), Remove (loại bỏ phát thải qua các dự án bù trừ các bon), Report (báo cáo và quy chiếu theo các tiêu chuẩn ngành), hiện đang triển khai tại các nhà máy và dự kiến sẽ mở rộng trong toàn bộ chuỗi giá trị “từ nguyên liệu đến tiêu dùng” của HEINEKEN Việt Nam./.
Theo bnews.vn