Hướng đi nào để giữ chân nguồn nhân lực làm tốt nhiệm vụ điều tra biển
13/08/2023TN&MTĐằng sau mỗi công trình và phát hiện về địa chất, địa mạo, trầm tích, thạch học,... là những hành trình thầm thầm lặng đầy gian nan, thậm chí phải đổ nhiều mồ hôi, công sức của các kỹ sư địa chất, vật lý biển trong những ngày tháng lênh đênh ngoài biển khơi mà người ngoài cuộc khó hình dung được. Thế nhưng đâu đó, công sức của họ chưa được ghi nhận thỏa đáng?!
Họ là những người đam mê với nghề điều tra, khám phá đại dương, trách nhiệm tiền trạm, tìm tài nguyên cho đất nước, góp phần phục vụ việc xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven biển Việt Nam. Và chỉ những người yêu nghề, yêu biển mới gắn bó lâu dài với nghề. Họ có một nghị lực đáng nể, hơn 10 năm trở về trước, họ đã thực hiện nhiệm vụ lặn ở độ sâu trên 20 mét nước biển - như những chiến binh thực thụ và có kinh nghiệm, công việc của họ nếu không cẩn thận sẽ phải trả giá đắt bằng chính tính mạng của mình. Họ là ai?. Họ chính là những cán bộ địa chất biển, kỹ sư địa vật lý biển đang làm ở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển Khu vực phía Bắc - Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
ông Lê Anh Thắng (áo trắng) cùng ban lãnh đạo CPIM tặng quà,
động viên đoàn công tác sau chuyến công tác dài ngày trên biển
Đã nhiều lần chúng tôi đã có dịp thực tế cùng đoàn kỹ sư địa vật lý của Trung tâm có mặt tại vùng biển Vũng Tàu khi ấy Trung tâm vừa kết thúc công tác điều tra thực địa vùng biển Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu đến độ sâu 300 mét nước. Khác với những chuyến điều tra ở nhiều năm trước, con tàu khảo sát cập cảng lần này chở theo những gương mặt trẻ rạm đen vì nắng nhưng tràn đầy hân hoan, vui mừng về kết quả công việc đạt được. Đội trưởng Đội khảo sát Nguyễn Quốc Huy chia sẻ về kết quả chuyến khảo sát lấy mẫu ngoài khơi xa: Sau mỗi chuyến khảo sát ngoài biển về, anh em trong đội khỏe manh, thực hiện lấy mẫu dưới đáy biển thành công và cập cảng trở về đất liền là biết mình còn sống và hoàn thành công việc cấp trên giao. Do nắm được quy luật thời tiết đầu năm thuận lợi nên hằng năm CPIM đã chủ động đề xuất điều chỉnh phương án điều tra ngoài biển hợp lý, tạo động lực, an toàn cho người lao động lên tàu ra biển.
Ban lãnh đạo CPIM trao đổi công việc với các kỹ sư
Nhớ lại những chuyến công tác thực tế ngoài vùng biển Vũng Tàu, Đội trưởng Nguyễn Quốc Huy cho biết: nhiều năm về trước, có những đợt công tác, đội khảo sát đã hoàn thành với khối lượng hơn 2.700 km tuyến địa vật lý trong vòng 24 ngày đêm, vượt mức kế hoạch đề ra và về cảng an toàn ngay trước khi biển động. Nếu chỉ triển khai muộn vài ngày thì công việc khó hoàn thành khối lượng kế hoạch, sẽ mất thêm nhiều thời gian chờ đợi trên biển do chờ đợi tránh thời tiết xấu.
Về mặt chất lượng, qua xử lý nhanh sơ bộ trên tàu cho thấy các số liệu địa vật lý rất tốt: Tài liệu địa chấn rõ ràng, có thể phân biệt trên băng địa chấn các ranh giới và các đặc điểm trường sóng, các biểu hiện trên băng ghi như đá gốc nhô cao trên đáy biển, đá gốc nằm trong trầm tích đáy biển, các biểu hiện sóng cát đáy biển, biểu hiện thoát khí đáy biển,…Số liệu từ biển thu được chính xác, phản ánh được đặc điểm trường từ khu vực nghiên cứu, bắt gặp được các dị thường ở những khu vực đo. Số liệu sonar đạt độ phân giải tốt, phản ảnh được đặc điểm địa hình và trầm tích bề mặt khu vực nghiên cứu. Kết quả cho thấy, tài liệu thu được có độ phân dải cao, dải quét rộng gấp 3 lần thiết bị trước đây, băng ghi rõ nét phản ảnh được đặc điểm trầm tích khu vực nghiên cứu, tài liệu ghi được đồng thời cả 02 tần số (cao/thấp) trong cùng 1 file nhằm giúp cho công tác minh giải rõ ràng và chi tiết hơn- Đội trưởng Huy cho biết thêm!.
Phải thực tế ngoài biển khơi mới cảm nhận và thấu hiểu được sự vất vả của những kỹ sư làm công tác điều tra tài nguyên, địa vật lý biển. Nhiệm vụ lấy mẫu khoan, gìn giữ và bảo lưu những mẫu này đòi hỏi sức khỏe, lòng kiên nhẫn và tình yêu với nghề với đủ sức chịu đựng mỗi khi sóng to biển động và những khó khăn trong nghề.
Ông Lê Anh Thắng, Giám đốc CPIM tâm sự: “Trước đây, việc khoan lấy mẫu địa chất hay hiện nay thì lấy mẫu dự án GH ngoài khơi xa ở biển luôn phải phụ thuộc nhiều vào “ông giời”. Mưa to hay sóng lớn đều không thể thực hiện nhiệm vụ được. Vì thế người làm nghề chúng tôi hay trêu nhau phải biết đo sóng, đếm gió để dự đoán thời tiết cho chuẩn. Ấy vậy mà nhiều lúc, trời không chiều lòng người, mưa gió thường xuyên ập đến bất chợt khiến cho công việc gián đoạn, có những năm chúng tôi phải lênh đênh ngoài biển đến gần 2 tháng, lương thực thì cạn kiệt, đi không nổi về cũng chẳng xong”.
Đi biển và làm nghề này nhiều năm nên đội hình của CPIM bất đắc dĩ trở thành “cán bộ biết tuốt”. Họ vừa thực hiện những công việc nặng nhọc như bê vác, di chuyển, lắp đặt máy móc, vừa phải thực hiện những công việc kỹ thuật như đo đạc, kéo tời, khoan lấy mẫu, bảo lưu mẫu, phân loại, ghi chép và tự sửa chữa máy, ghi nhận, tổng hợp số liệu,…ngoài ra còn đảm đương các nhiệm vụ bếp núc chăm lo cho sức khỏe của chính mình và đồng nghiệp.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của CPIM khi đi thực địa là công tác lấy mẫu đáy biển. Công tác này đã vất vả, nhưng việc giữ gìn, bảo lưu mẫu để vận chuyển về đất liền còn phức tạp hơn. Mỗi mẫu khi lấy lên từ dưới đáy biển lên đều được đội khoan xếp cẩn thận vào từng khay gỗ, có đánh dấu tên mẫu và ngày lấy mẫu,… Công tác lấy mẫu, cũng như giữ gìn, bảo lưu mẫu phải chặt chẽ và cẩn thận hơn nhiều so trên đất liền, bởi quá trình vận chuyển mẫu từ biển vào đất liền tiềm ẩn nhiều rủi ro do sóng gió, giông lốc trên biển. Chưa kể đến việc di chuyển từ vị trí lấy này sang vị trí khác cũng mất thời gian và phụ thuộc vào thời tiết sóng gió trên biển.
Ông Trần Mạnh Cường, Phó Đoàn trưởng Đoàn Môi trường và sinh thái biển CPIM cho biết, việc lấy mẫu hay bảo lưu mẫu đều được lãnh đạo CPIM chỉ đạo phải hết sức chú trọng. Có lẽ vì thế nên nhiều anh em trong đội ví mẫu quý như “máu” và việc giữ gìn, bảo lưu mẫu quan trọng như bảo vệ tính mạng của chính mình. Khi trời mưa bất chợt, người có thể ướt nhưng mẫu thì phải được che đậy, bảo quản rất kỹ càng, bởi để lấy được các mẫu đó từ dưới biển ở độ sâu hàng nghìn mét nước, anh em phải đổ mồ hôi, công sức, thậm chí còn nguy hiểm cả đến tính mạng”.
Đưa thiết bị lấy mẫu lên bờ
Được biết, công tác lấy mẫu đáy biển tạo tiền đề và cơ sở khoa học trong liên kết địa tầng địa chất giữa bờ và biển; đảm bảo cung cấp số liệu tin cậy, phục vụ cho việc đánh giá triển vọng sa khoáng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng. “Công tác lấy mẫu, bảo lưu mẫu có vai trò rất lớn đối với việc giữ gìn tài nguyên khoáng sản của quốc gia, nhưng những người làm công tác này còn gặp quá nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, chế độ thù lao cho ngày làm việc ngoài biển và chế độ phụ cấp còn nhiều bất cập,...
Mong rằng, việc đẩy mạnh công tác điều tra, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, nhất là khoáng sản biển là nhiệm vụ có tầm quan trọng quốc gia và quan tâm đến những người làm công tác này sẽ là nhiệm vụ cấp bách hiện nay nếu chúng ta muốn gìn giữ nguồn tài nguyên quý giá cho thế hệ mai sau.
Đằng sau mỗi công trình và mỗi phát hiện về địa chất, địa mạo, trầm tích, thạch học,... là những hành trình âm thầm đầy hy sinh, gian nan, phải đổ nhiều mồ hôi, công sức của các kỹ sư địa chất, vật lý biển lên đênh ngoài biển khơi mà người ngoài cuộc khó biết được và đâu đó thù lao và công sức, đóng góp của họ vẫn còn bỏ ngỏ?!.
Điều tra cơ bản TNMT biển là một nghề rất đặc thù, là một cơ quan quản lý về biển nhưng ở lĩnh vực điều tra biển hiện chưa có tàu nghiên cứu, khảo sát chuyên dụng đáp ứng được yêu cầu điều tra cơ bản TNMT biển ở các vùng biển Việt Nam. Do vậy, mỗi khi ra biển phải thuê tàu và phải đấu thầu thuê tàu. Điều này thể hiện rõ sự bị động, không chuyên nghiệp và hiện đại, đầu tư cho biển chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra trong bối cảnh vươn ra và phát triển kinh tế biển bền vững.
Nghị quyết số 48/NQ-CP, ngày 03/4/2023 của Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có nội dung “Xây dựng và thực hiện đồng bộ các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ có chuyên môn, có kinh nghiệm vào làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu, điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong quản lý tổng hợp và thống nhất biển. Nghiên cứu áp dụng các cơ chế ưu tiên, đãi ngộ đặc biệt, bù đắp xứng đáng đối với các cán bộ thường xuyên hoặc phần lớn thời gian phải hoạt động trên biển, ngoài các đảo, đặc biệt là các đảo xa, gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển.”.
Theo dõi, kiểm tra và cập nhật dữ liệu trong suốt hành trình
Để góp phần vào sự thành công Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến năm 2030 và những vẫn đề đã nêu trong Nghị quyết số 48/NQ-CP, ngày 03/4/2023 nhà nước, thiết nghĩ Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ban ngành có liên quan quan tâm, nhận diện đúng về đặc thù nghề, đồng thời có kế hoạch đầu tư thiết bị cho điều tra biển, các thiết bị khi đi khảo sát phải có dự phòng, phải có thay thế luân phiên mới đáp ứng cho điều kiện tổ chức thi công liên tục 24/24 giờ trong cả chuyến khảo sát hàng chục ngày. Bên cạnh đó, phải giải quyết được điều chỉnh chế độ chính sách cho điều tra viên TNMT nói chung và người lao động điều tra biển nhằm giữ chân được nguồn nhân lực, làm tốt nhiệm vụ điều tra biển.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chánh văn phòng CPIM tâm sự: "Với tiềm lực trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ, có trình độ, sức khỏe, tận tâm và nhiệt huyết với công việc nhưng nếu khó khăn như hiện nay tiếp tục kéo dài, không biết sẽ bao kỹ sư sẽ còn trụ lại được với nghề?- Đây đang là những trăn trở và quan ngại của Lãnh đạo CPIM. CPIM rất cần tiếp tục được sự quan tâm từ Bộ TN&MT và các cơ quan có thẩm quyền có cơ chế chính sách thỏa đáng để giữ chân được đội ngũ nhân lực có chuyên môn cao tâm huyết với nghề, góp trí lực cùng các nhà quản lý, các nhà hoạch định chiến lược cũng như các nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể và chính xác hơn đối với nguồn tài nguyên năng lượng mới, đồng thời tạo cơ sở hoạch định chính sách điều tra, quản lý, khai thác, sử dụng nguồn lợi tài nguyên năng lượng mới từ biển của Việt Nam một cách hợp lý và có hiệu quả"!.
Diệp Anh