Hướng dẫn tái chế rác hữu cơ tại nguồn
29/04/2024TN&MTVới mục tiêu xây dựng một tương lai trong đó con người sống hài hoà với thiên nhiên, WWF-Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo việc sử dụng và tuần hoàn nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả là chìa khoá của sự phát triển bền vững và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong những năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường từ việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt không hiệu quả đã ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, sức khoẻ và kinh tế của nhiều người dân Việt Nam. Trong khi nhiều nhóm giải pháp đang được bàn bạc và triển khai trên nhiều quy mô khác nhau, việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác hữu cơ tại nguồn đang được thực hành tại rất nhiều gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp và trực tiếp đem lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, sức khỏe và môi trường cho người thực hiện. Nếu mỗi chúng ta nhận ra rác hữu cơ là nguồn tài nguyên quý giá, có thể dễ dàng tái sử dụng và tái chế một cách hiệu quả, vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt sẽ được giải quyết một cách khá dễ dàng ngay tại nơi sinh sống và cộng đồng của chúng ta.
Tạp chí TN&MT giới thiệu một phần nội dung của cuốn Sổ tay hướng dẫn tái chế rác hữu cơ tại nguồn nhằm sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản và hướng dẫn các phương pháp sản xuất phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học từ rác hữu cơ một cách rất dễ dàng và nhanh chóng. Cuốn sổ tay này phù hợp với những hộ gia đình (cả thành phố và nông thôn), người làm vườn, hộ làm nông, cộng đồng, trường học, doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn… mới bắt đầu quan tâm đến việc tiết giảm, tái sử dụng, tái chế rác hữu cơ tại nguồn.
Mong rằng sau khi đọc hướng dẫn này, nhiều người, đặc biệt là phụ nữ sẽ thực hành sản xuất phân bón và các chế phẩm sinh học cho gia đình và cộng đồng của mình, chúng ta sẽ có cái nhìn khác với rác hữu cơ và sẽ tận dụng thay vì vứt bỏ chúng.
Việt Nam có lượng rác sinh hoạt phát sinh lớn, thành phần hữu cơ cao, tỷ lệ thu gom thấp (đặc biệt ở vùng nông thôn), và các phương pháp xử lý rác không đạt tiêu chuẩn đang gây thất thoát rác, làm ảnh hưởng tới sức khoẻ và ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Nếu rác hữu cơ tái chế được phân loại và tái chế tại nguồn sẽ giảm được 70% lượng rác cần phải thu gom và xử lý.
Cách giảm rác thải hữu cơ
Trên thế giới có gần 1 tỷ tấn thực phẩm bị mất/lãng phí mỗi năm. Mỗi người Việt tạo ra 76 kg rác thực phẩm/năm gây lãng phí tiền và tài nguyên. Để giảm lượng rác hữu cơ đổ ra bãi chôn lấp bằng việc thực hiện theo nguyên tắc 6T:
Từ chối tạo ra rác hữu cơ từ đầu: Từ chối tạo ra thức ăn thừa bằng cách mua hoặc nấu vừa đủ lượng thức ăn cần thiết.
Tự trồng rau sạch hoặc mua thực phẩm sản xuất tại địa phương để hạn chế thực phẩm hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Tiết giảm lượng rác thực phẩm tạo ra: Bảo quản thực phẩm lâu hơn ở nơi thoáng mát và trong tủ lạnh, tủ đông. Thức ăn thừa còn ăn được: mang về, bảo quản riêng để dùng lại, hoặc đưa cho những người cần.
Tái sử dụng cho chăn nuôi: Thức ăn thừa không ăn được nữa: sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Tái chế thành phân bón hữu cơ: Tái chế rác thực phẩm và rác vườn thành phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học hữu ích khác cho vườn rau, vườn hoa, cây ăn quả, giúp giảm chi phí, tạo nguồn thu, cải tạo môi trường và cảnh quan.
Tái tạo, thu hồi vật liệu và năng lượng từ rác hữu cơ: Rác hữu cơ không ủ phân hữu cơ được có thể làm than củi, than hoạt tính, ủ kỵ khí tạo khí biogas, đốt phát điện, hoặc làm nguyên liệu cho các quy trình tái chế, tái tạo phù hợp đang có tại địa phương.
Không đốt rác hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài trời, vì sẽ tạo ra nhiều khói bụi gây ô nhiễm không khí, gây hại cho sức khoẻ của cộng đồng.
Thu gom xử lý rác theo quy định: Tránh làm thất thoát rác ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí.
Hãy thực hiện thứ tự theo nguyên tắc 3T, hoặc nâng cao theo nguyên tắc 6T: Tiết giảm rác thực phẩm, thức ăn thừa; Tái sử dụng thức ăn thừa cho chăn nuôi; Tái chế rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ.
Cách xử lý rác thải tại nguồn
Những điều không nên làm:
Đổ rác bừa bãi: Gây mất mỹ quan, mùi hôi thối, nước rỉ rác làm ô nhiễm nước và đất, gây tắc cống và lụt lội, rác nhựa trôi ra biển và đi vào chuỗi thức ăn của con người.
Đốt rác ngoài trời: Đốt rác hữu cơ, rác nhựa hay rác hỗn hợp đều sinh ra khói, bụi mịn, và khí độc gây ung thư và các bệnh đường hô hấp, ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ.
Đổ lẫn lộn các loại rác độc hại, rác có thể tái sử dụng và tái chế vào một thùng rác: Gây lãng phí tài nguyên, khó xử lý rác hỗn hợp, quá tải bãi rác, ô nhiễm đất, nước, không khí.
Những điều nên làm:
Phân loại rác thành các loại để tái sử dụng, tái chế và xử lý đúng cách:
Rác tái chế (các loại rác bán được như chai nhựa, lon nhôm, giấy vụn, kim loại…): tái sử dụng hoặc bán cho người thu mua.
Rác nguy hại (các loại rác chứa chất độc hại, dễ cháy nổ: pin, ắc quy, bóng đèn, bao bì hoá chấtthuốc trừ sâu, kim tiêm và rác y tế): đựng trong hộp khô thoáng và đem tới điểm thu gom rác nguy hại.
Rác hữu cơ (các loại rác dễ phân huỷ như rác thực phẩm, rác vườn): sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ, chất tẩy rửa sinh học (rác thực phẩm nên đựng trong thùng có nắp để tránh ruồi, bọ, động vật).
Rác nguy hại (các loại rác chứa chất độc hại, dễ cháy nổ: pin, ắc quy, bóng đèn, bao bì hoá chấtthuốc trừ sâu, kim tiêm và rác y tế): đựng trong hộp khô thoáng và đem tới điểm thu gom rác nguy hại.
Rác hỗn hợp còn lại: thu gom theo địa điểm và thời gian quy định của địa phương.
3 lợi ích kinh tế từ việc tái chế rác hữu cơ tại nguồn: Giảm tiền rác, giảm tiền mua thực phẩm sạch, giảm tiền mua phân bón -thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa.
Lợi ích của việc phân loại, tận dụng rác hữu cơ tại nguồn
Tiết kiệm hơn 60% tiền phí thu gom rác. (Theo Điều 75-79 của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, rác sinh hoạt phải được phân loại tại nguồn, rác hữu cơ phải được tận dụng tối đa làm phân bón hữu cơ và thức ăn chăn nuôi; chi phí thu gom, xử lý rác sẽ được tính theo khối lượng hoặc thể tích rác phát sinh, nghĩa là càng ít rác sẽ phải trả càng ít tiền phí thu gom rác hàng tháng).
Giảm lượng rác phát sinh dẫn đến giảm gánh nặng thu gom xử lý rác tập trung, dẫn đến tăng hiệu quả cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác của địa phương.
Tiết kiệm tiền mua phân bón, thực phẩm sạch, nước tưới cây. Có thể sản xuất và kinh doanh phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, sản phẩm tẩy rửa sinh học, thực phẩm và cây cảnh hữu cơ.
Giảm ô nhiễm, mùi hôi, ruồi bọ: do rác hữu cơ gây ra tại gia đình (thùng rác), khu dân cư (điểm tập kết rác) và địa phương (bãi chôn lấp rác).
Giúp giảm lượng khí nhà kính: từ bãi chôn lấp, quá trình vận chuyển rác và khi đốt rác. Giúp tăng lượng thu giữ khí cacbon trong đất từ việc sử dụng phân bón hữu cơ để trồng cây.
Giảm việc sử dụng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu, cải tạo phục hồi dinh dưỡng đất, chuyển các khí nhà kính thành chất dinh dưỡng cho đất, chống rửa trôi và xói mòn đất, tăng khả năng giữ ẩm và hệ sinh vật của đất, giúp tăng khả năng kháng sâu và nấm bệnh cho cây trồng.
Tạo sân chơi vận động và sáng tạo cho trẻ em tại nhà, trường học và cộng đồng để tìm hiểu cách trồng rau và hoa.
Đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp trong việc giảm chi phí thu gom rác, tăng giá trị sản phẩm/ doanh nghiệp bằng việc sản xuất thực phẩm hữu cơ, tạo ấn tượng về điểm đến thân thiện với môi trường và du lịch sinh thái.
Theo: Sổ tay hướng dẫn tái chế rác hữu cơ rác tại nguồn