Huế: Thành phố xanh quốc gia
05/02/2022TN&MTHuế đang mang trong mình hình hài của một đô thị 'Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh'. Nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc ở Huế đã được nghiên cứu, phục dựng thành công...
Thành phố xanh quốc gia
Theo thống kê, TP Huế (Thừa Thiên Huế) có khoảng 65.000 cây xanh đô thị, trong đó, trên đường phố có đến 38.000 cây, tầm 60 chủng loại. Với hệ thống cây xanh dày đặc, tháng 6/2016, Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam được Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên Quốc tế (WWF) vinh danh là “Thành phố xanh quốc gia”.
TP Huế nhìn từ trên cao.
Đặt phát triển bền vững lên hàng đầu, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chú trọng vào xanh hóa đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước và rác thải hiệu quả. Hệ thống chiếu sáng công cộng là hệ thống thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng thân thiện môi trường.
Tuyến đường Lê Lợi nằm bên dòng sông Hương dày đặc cây xanh, là tuyến đường huyết mạch ở Huế.
Không dừng lại ở đó, Thừa Thiên Huế đã triển khai hàng loạt mô hình như “Huế - thành phố bốn mùa hoa”, “Dòng Hương trong xanh”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an”, “60 phút sạch nhà đẹp ngõ”... nhằm gắn kết người dân cùng hành động, giữ môi trường sống xanh sạch đẹp từng ngày và hàng ngày. Sự gắn kết đó sẽ tạo ra nếp sống xanh giúp duy trì, bảo vệ môi trường sinh thái cho TP Huế.
Một trong những tác động tích cực, tạo chuyển biến rõ nét và đáng ghi nhận nhất chính là ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội được nâng lên. Từ mỗi gia đình đến cơ quan, đơn vị, trường học, nơi công cộng đều đã thay đổi với hình ảnh là một môi trường xanh - sạch - đẹp hơn…
Xứng đáng là đô thị di sản
Thừa Thiên Huế tự hào có 7 di sản thế giới được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ. Ý thức sâu sắc di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại, Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, phát huy.
Một góc đường đi bộ ven sông Hương.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế có gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 166 di tích được công nhận ở các cấp, hơn 500 lễ hội các loại; hàng trăm ngôi chùa cổ, làng cổ, nhà rường, nhà vườn; hệ thống di tích lưu niệm về Bác Hồ cùng với các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng đã trở thành tài sản vô giá của vùng đất Cố đô.
Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ thế mạnh của Thừa Thiên Huế là di sản văn hóa, môi trường tự nhiên, là bản sắc đặc biệt của văn hóa vùng đất. Mục tiêu Nghị quyết đề ra là xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở là một Cố đô di sản.
Đại nội Huế, một công trình kiến trúc biêu biểu của di sản Huế.
Ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54 thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với Thừa Thiên Huế. Tỉnh sẽ thực hiện mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Ngoài ra, theo lãnh đạo tỉnh, đến nay, nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc đã được nghiên cứu, phục dựng thành công. Các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản và dịch vụ ngày càng đa dạng. Quần thể di tích Cố đô Huế được khai thác hiệu quả. Các kỳ Festival Huế, các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế đã góp phần khẳng định vị trí về văn hóa - du lịch của tỉnh.
Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế nhấn mạnh, Huế tương lai sẽ là một thành phố hài hòa với môi trường, có cảnh quan thiên nhiên đồng bộ với quần thể di sản Cố đô. Đặc biệt là sự phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa bảo tồn và phát triển, giữa cái cũ và cái mới. Tất cả những vấn đề ấy cho thấy, việc phát triển đô thị cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo định hướng phát triển Thừa Thiên Huế là đô thị di sản trong tương lai…
Theo phapluatplus.vn