Hơn 40% các loài san hô toàn cầu đang có nguy cơ tuyệt chủng
15/11/2024TN&MTTheo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), 44% các loài san hô trên toàn cầu đang có nguy cơ tuyệt chủng.
San hô được chụp tại vịnh Kimbe, bờ biển phía bắc của đảo New Britain, thuộc Papua New Guinea
Thông tin trên được đưa ra tại báo cáo toàn cầu do tổ chức này công bố tại Hội nghị Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku (Azerbaijan).
Kết quả phân tích cho thấy, trong số 892 loài san hô tạo rạn nước ấm được khảo sát thì có tới 44% đang bị đe dọa tuyệt chủng, cao hơn nhiều so với mức được công bố trước đó vào năm 2008.
Bản đánh giá cập nhật của IUCN bao gồm cả kết quả nghiên cứu về san hô tạo rạn ở Đại Tây Dương. Theo đó, 23 trong số 85 loài san hô Đại Tây Dương đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhiều hơn so với ước tính trước đó.
Các tác động chính bao gồm sự kiện tẩy trắng hằng năm, hiện tượng nước biển nóng lên, ô nhiễm gia tăng, các hoạt động khai thác hải sản không bền vững và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
IUCN dẫn chứng, hai loại san hô Staghorn (Acropora cervicornis) và Elkhorn (Acropora palmata) tại vùng biển Caribe hiện đang ở tình trạng "cực kỳ nguy cấp" do hiện tượng ấm lên toàn cầu, ô nhiễm nước, bão và tác động nghiêm trọng của các bệnh ở san hô.
Đối với loài san hô nước lạnh, IUCN vẫn đang đánh giá nguy cơ tuyệt chủng do loài san hô này sống ở vùng nước biển sâu hơn, tối hơn, khiến công tác nghiên cứu gặp khó khăn.
Tiến sĩ Grethel Agiular, Tổng Giám đốc IUCN kêu gọi cộng đồng thế giới lưu ý tới công bố trên đồng thời cần “hành động quyết liệt để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nếu muốn bảo đảm một tương lai bền vững cho nhân loại”.
“Các hệ sinh thái lành mạnh như rạn san hô rất cần thiết cho sinh kế của con người. Chúng cung cấp thực phẩm, lưu trữ carbon và làm ổn định các vùng bờ biển. Biến đổi khí hậu vẫn là mối đe dọa hàng đầu đối với san hô tại rạn”, Tổng Giám đốc IUCN nhấn mạnh.
Theo nhandan.vn