Hội nghị các nhà khoa học trẻ và ra mắt Câu lạc bộ ngành Tài nguyên và Môi trường
28/07/2022TN&MTNgày 28/7/2022, tại Hà Nội, đã diễn ra “Hội nghị các Nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường, với 3 nội dung chính, 1. Tọa đàm “Vai trò của các Nhà khoa học trẻ trong chuyển đổi số và công nghệ số lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển bền vững”, 2. Ra mắt “Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường”, 3. Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số và công nghệ số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển bền vững”. Hội nghị do Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT phối hợp tổ chức. Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện hoạt động thiết thực hướng đến chào mừng Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (05/8/2002 - 05/8/2022)
Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có: TS. Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT; TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; bà Nguyễn Thu Vân, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Thanh niên Nông thôn, Trung ương Đoàn; và các lãnh đạo các đơn vị quản lý thuộc Bộ TN&MT.
Về đơn vị tổ chức có: GS.TS. Trần Hồng Thái, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn; TS. Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Quang Huy, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cùng với sự tham gia của 200 các nhà nghiên cứu khoa học trẻ đến từ các Viện, Trường, các đơn vị quản lý trong và ngoài Bộ tham dự.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với gần 1000 điểm cầu truyền hình, từ đảo Song Tử Tây cho đến trên 600 điểm cầu truyền hình tại 7 sở, ngành thuộc 63 tỉnh, thành phố, các Trường Đại học có ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân biểu dương và chúc mừng các nhà khoa học nói chung, các nhà khoa học trẻ nói riêng của các đơn vị trực thuộc Bộ đã có những cống hiến thầm lặng, miệt mài nghiên cứu sáng tạo, góp phần quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học cũng như sự nghiệp đào tạo, phát triển của ngành.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng bày tỏ mong muốn và kêu gọi các nhà khoa học trẻ tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa để thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành TN&MT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 và Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 theo 3 định hướng cụ thể. Trong đó, định hướng đầu tiên là tăng cường liên kết giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học để hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực theo quy chế thành lập ngành và tổ chức hoạt động nhóm nghiên cứu mạnh của Bộ TN&MT sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Hội nghị này Bộ TN&MT đã tổ chức Tọa đàm: “Vai trò của các Nhà khoa học trẻ trong chuyển đổi số và công nghệ số lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển bền vững” Nhằm trao đổi, giải đáp, khuyến khích và định hướng đối với các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường phát huy tính xung kích sáng tạo phục vụ hiệu quả phát triển bền vững cho Đất nước.
Toàn cảnh phiên tọa đàm
Cuộc Tọa đàm có sự tham dự của các Đại biểu: TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Đại diện Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; GS. TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Ủy viên Hội đồng Giáo sư liên ngành khoa học Trái đất Mỏ - Môi trường; PGS. TS. Phạm Minh Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ; Ông Phạm Ngô Hiếu, Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý Đất đai; PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM; Bà Nguyễn Thị Vi Huế, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lào Cai (trực tuyến). Nhiều câu hỏi của các Nhà khoa học trẻ đã được các đại biểu trả lời ngay tại diễn đàn đã giúp cho các nhà khoa học trẻ có được những giải đáp, định hướng sáng tạo trong nghiên cứu để ứng dụng và phục vụ hiệu quả cho các lĩnh vực của ngành TN&MT.
Hội nghị đã tổ chức ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành TN&MT. Ban điều hành lâm thời Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ Ngành TN&MT gồm 3 thành viên. PGS. TS. Phạm Minh Hải, Viện Khoa học Đo đạc Bản đồ (Chủ tịch lâm thời CLB); TS. Đoàn Quang Trí, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Phó chủ tịch) và TS. Huỳnh Thiên Tài, Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh (Phó chủ tịch).
Câu lạc bộ ra mắt
Câu lạc bộ được thành lập với mong muốn xây dựng môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học trẻ trong ngành TN&MT và các nhà khoa học trẻ ngoài ngành đã, đang có các công trình nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực của Bộ TN&MT vì sự phát triển bền vững; Chia sẻ quan điểm và trao đổi học thuật, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ nghiên cứu khoa học, các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên từ các trường đại học, có đào tạo các chuyên ngành liên quan đến tài nguyên và môi trường để tiếp nối thành công và kiến tạo một nền tảng vững chắc cho khoa học.
GS. TS. Trần Hồng Thái phát biểu và đưa ra định hướng cho Câu lạc bộ
Câu lạc bộ ra đời là một sự thành công, ghi nhận sự nỗ lực lớn lao của các đồng chí, tuy nhiên để Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, đòi hỏi sự nỗ lực gấp bội và cần phải có sự kế thừa học hỏi từ những thế hệ trước. Theo đó, GS. Trần Hồng Thái đã đưa ra những định hướng cho Câu lạc bộ trong thời gian tới. Thứ nhất, trong thời gian tới, Ban điều hành lâm thời CLB cần thể hiện rõ sứ mệnh là bộ phận gắn kết và điều tiết các hoạt động khoa học của CLB tạo ra sân chơi khoa học rộng lớn, tổ chức hoạt động thiết thực bám sát các nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị nghiên cứu, nhiệm chính trị của Bộ TN&MT. Làm phong phú, sâu sắc hơn các nội dung hoạt động, tạo sự lan toả rộng hơn nữa của CLB tới lực lượng các cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ, các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên từ các trường đại học trong và ngoài Bộ liên quan đến TN&MT. Thứ hai, Câu lạc bộ cần đề ra quy chế hoạt động thường xuyên, tích cực các thành viên có thể tổ chức theo các nhóm khoa học chuyên ngành, hình thành cơ chế phối hợp cụ thể liên ngành.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng
Đồng thời, Câu lạc bộ này hoạt động theo mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Do vậy, các các thành viên lưu ý huy động thêm các nguồn lực của các tổ chức, xã hội, trước hết là nguồn lực đầu tư của các cơ sở trong việc hợp tác nghiên cứu, phát huy tối đa nguồn lực thiết bị và nguồn nhân lực trình độ cao hiện có. Thứ ba, câu lạc bộ chú trọng xây dựng một môi trường nghiên cứu khoa học cởi mở, sáng tạo, chia sẻ thúc đẩy đam mê nghiên cứu, khám phá, sáng tạo. Trước mắt, tạo ra một sân chơi lành mạnh cho cộng đồng các nhà khoa học trẻ gắn bó với câu lạc bộ như ngôi nhà chung, cùng nhau đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết phát triển ngành TN&MT. Thứ tư, Câu lạc bộ nên hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh phù hợp với xu hướng của Bộ TN&MT đang làm, đồng thời đẩy mạnh sự hợp tác, liên kết giữa những nhà khoa học có chuyên môn khác nhau trong và ngoài ngành xây dựng các đề xuất đề tài các cấp, xây dựng các dự án tạo ra các sản phẩm nghiên cứu có tính liên lĩnh vực, liên ngành ứng dụng thực tiễn cao cho ngành TN&MT. Thứ năm, khuyến khích và tạo môi trường thúc đẩy việc công bố công trình khoa học trên các tạp chí có uy tín trên thế giới, tham gia các hội nghị có uy tín nhằm chia sẻ và học hỏi các thành tựu về khoa học công nghệ với các quốc gia trên thế giới.
Trong khuôn khổ Hội nghị các nhà khoa học trẻ ngành TN&MT, các nhà khoa học trẻ đã tham gia Hội thảo khoa học với chủ đề “Chuyển đổi số và công nghệ số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển triển bền vững”. Qua hơn một tháng chuẩn bị, Ban Tổ chức đã nhận được 40 công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ trong các đơn vị của Bộ TN&MT và các đơn vị ngoài Bộ. Ban Tổ chức đã chọn lựa các công trình tiêu biểu xây dựng kỷ yếu Hội thảo. Có 6 công trình tiêu biểu đã được lựa chọn để báo cáo tại hội thảo.
Đây là lần đầu tiên Bộ TN&MT tổ chức một sân chơi dành cho các nhà khoa học trẻ với kỳ vọng truyền cảm hứng sáng tạo và thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng thuộc 9 lĩnh vực ngành vào thực tế. Phát huy vai trò của các nhà khoa học trẻ chủ động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phục vụ công tác quản lý ngành, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Ngọc Diệp