Hoàn thiện Đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương
29/09/2021TN&MTSáng 4/6, Thứ trưởng Lê Minh Ngân chủ trì cuộc họp trực tuyến nghe báo cáo Đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương.
Chống rác thải nhựa đại dương ( ảnh minh họa)
Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Hợp tác quốc tế; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Tổng cục Môi trường và Văn phòng Bộ.
Theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 510/VPCP-NN giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan xây dựng Đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương; tiếp tục chủ động tham gia hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA); Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu kinh nghiệm, bài học của các quốc gia có nền kinh tế biển phát triển mạnh trên thế giới và các quốc gia có điều kiện tự nhiên, môi trường, địa lý tương tự với Việt Nam trong khu vực; từ đó đánh giá, phân tích các bài học kinh nghiệm của các quốc gia, xem xét tính phù hợp để áp dụng vào Việt Nam.
Trên cơ sở nội dung và nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 14/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã kết hợp tổ chức một số Hội nghị, hội thảo về tham vấn các ý kiến các Bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học cho nội dung Đề án nêu trên. Đặc biệt, trong khuôn khổ cuộc họp Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) sắp tới, được sự cho phép của Lãnh đạo Bộ, Tổng cục cũng đang cùng các đơn vị đồng cấp của 3 nước Đức, Ecuador và Ghana trao đổi kế hoạch đồng tổ chức lần đầu tiên một Hội nghị Bộ trưởng về Rác thải đại dương và Ô nhiễm nhựa, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2021.
Đến nay, về cơ bản, dự thảo Hồ sơ Đề án trình Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thiện, gồm có: (i) Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương; (ii) Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương; (iii) Dự thảo Đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương.
Về quan điểm thực hiện Đề án, đó là quán triệt chủ trương đường lối và định hướng về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, quản lý rác thải nhựa đại dương, cải thiện môi trường biển; đồng thời thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại, bảo đảm quyền và lợi ích của Việt Nam; cũng như bảo đảm tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc có trách nhiệm các cam kết quốc tế; thực hiện hiệu quả các chiến lược quản lý chuỗi giá trị nhựa và quản lý rác thải nhựa đại dương.
Theo đó, mục tiêu tổng thể của Đề án nhằm chuẩn bị và tham gia đàm phán, tiến tới phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương; bước đầu triển khai thực hiện sau khi Thỏa thuận về rác thải nhựa đại dương được phê duyệt.
Mục tiêu cụ thể: (i) Nâng cao nâng lực cán bộ; thúc đẩy hoạt động đàm phán; huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ tối đa sự ủng hộ; (ii) Đóng góp cụ thể đối với việc hình thành một Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đai dương, tiến tới phê duyệt vào năm 2024; (iii) Văn phòng Ban Thư ký Hiệp ước về rác thải nhựa đại dương đặt tại Việt Nam; hình thành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương.
Ngày 02/6/2021, Bộ đã có văn bản gửi xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành về Dự thảo Hồ sơ Đề án. Ngay sau đó, ngày 03/6, Tổng cục đã tổ chức Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo với sự tham dự của trên 40 đại biểu từ các bộ (Ngoại giao, Tư pháp, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư), các Tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Tổ chức quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP); các đơn vị Bộ TN&MT; các chuyên gia, nhà khoa học.
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh việc xây dựng Đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương là một nhiệm vụ rất quan trọng nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36/NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ,…
Đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực, khắc phục khó khăn của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam để tập trung xây dựng Đề án. Thứ trưởng đề nghị Tổng cục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học,… để hoàn thiện Đề án, trong đó cần làm rõ hơn sự cần thiết xây dựng Đề án; bổ sung các nội dung đánh giá hiện trạng quốc gia về rác thải nhựa đại dương. Điều này có ý nghĩa quan trọng, không những đóng góp cho Đề án này mà còn phục vụ quá trình hoạch định chính sách quản lý nhà nước về môi trường biển và đại dương.
Thứ trưởng lưu ý vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó có vấn đề rác thải nhựa đại dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế quốc tế, bối cảnh khu vực; nhằm phát huy vai trò, vị thế tài nguyên biển của Việt Nam thì việc chủ động trong đàm phán, xây dựng thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương đặt ra những yêu cầu, cân nhắc về mặt lợi ích, quyền lợi và nghĩa vụ cũng như thời gian tham gia, bảo đảm phù hợp với pháp luật trong nước về bảo vệ môi trường của Việt Nam.
“Nếu tham gia, thì chúng ta có thể phải thay đổi một số cơ chế chính sách về lĩnh vực này. Nhưng việc thay đổi cơ chế chính sách trong nước phù hợp với quan hệ quốc tế, trình độ phát triển kinh tế – xã hội đất nước, phù hợp với ý thức pháp luật trong điều kiện hiện nay thì cần phải có thời gian. Ngoài ra, chúng ta phải tham gia làm nghĩa vụ về kinh tế, đóng góp về con người, kinh phí, tổ chức thực hiện… Vì vậy, để đạt được mục tiêu đặt ra, cần phải phân tích làm rõ thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức để thấy rõ sự cần thiết và vào thời điểm nào phù hợp” – Thứ trưởng Lê Minh Ngân nêu vấn đề.
Về nội dung Đề án, Thứ trưởng Lê Minh Ngân lưu ý các nội dung về đánh giá hiện trạng rác thải nhựa trong vùng biển, vùng lân cận. “Phải có những con số thuyết phục; dựa trên các số liệu điều tra, khảo sát; tham khảo số liệu thống kê của các ngành, địa phương, so sánh giữa khu vực và thế giới; đồng thời nêu rõ được tác động của rác thải nhựa đến phát trển bền vững kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển như thế nào?”.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị đơn vị chủ trì rà soát, đánh giá về các nội dung bảo đảm triển khai thực hiện Đề án, chỉ rõ lộ trình, bước đi cụ thể; cơ chế phối hợp, trách nhiệm của các Bộ ngành liên quan như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng.. và UBND các tỉnh, thành phố có biển.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục phối hơp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đề hoàn thiện Đề án đảm bảo chất lượng, tiến độ và có tính khả thi cao.
Theo monre.gov.vn