Hoàn thiện danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng
01/11/2024TN&MTNghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định một số mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể trong việc điều tra cơ bản địa chất khoáng sản đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Theo đó, Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 334/QĐ-TTg năm 2023 đặt mục tiêu cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản quốc gia đối với một số khoáng sản chiến lược, quan trọng, quy mô lớn làm cơ sở phát triển bền vững kinh tế - xã hội; ưu tiên thăm dò các mỏ quặng ẩn sâu đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến đối với các khoáng sản có quy mô lớn. Chiến lược chỉ rõ, về định hướng phát triển, sẽ tiếp tục đánh giá tổng thể tiềm năng các khoáng sản chiến lược, quan trọng gồm: Đất hiếm, khoáng sản phón
Ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam
Hiểu rõ về cách gọi tên các khoáng sản
Theo ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, tên gọi phù hợp nhất cho loại khoáng sản được hình thành và quản lý trong các liên minh khoáng sản và chuỗi cung ứng toàn cầu khoáng sản thô thường được gọi là “khoáng sản chiến lược” hoặc “khoáng sản quan trọng”.
Khoáng sản chiến lược là các khoáng sản có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia và sự phát triển kinh tế. Chúng thường được sử dụng trong các ngành công nghiệp then chốt như quốc phòng, năng lượng, công nghệ cao và y tế. Ví dụ điển hình bao gồm: Uranium, lithium, cobalt và các nguyên tố đất hiếm.
Khoáng sản quan trọng là những khoáng sản mà sự thiếu hụt hoặc gián đoạn trong chuỗi cung ứng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và các ngành công nghiệp quan trọng. Danh mục này thường được các quốc gia và tổ chức quốc tế xác định dựa trên tầm quan trọng của khoáng sản đối với các ngành công nghiệp chiến lược và khả năng tiếp cận nguồn cung.
Tính chất chung của khoáng sản chiến lược và khoáng sản quan trọng là có giá trị kinh tế cao. Các khoáng sản này thường có giá trị kinh tế lớn và có nhu cầu cao trên toàn cầu. Một điểm chung nữa là khó khăn trong khai thác, chúng thường có trữ lượng hạn chế và khai thác phức tạp, đôi khi tập trung ở một số ít quốc gia. Ngoài ra, khoáng sản chiến lược và khoáng sản quan trọng đều quan trọng cho công nghệ cao. Rất nhiều khoáng sản trong danh mục này là thành phần không thể thiếu trong sản xuất công nghệ cao như pin lithium-ion, chất bán dẫn, và năng lượng tái tạo. Việc gọi tên các khoáng sản trong bối cảnh liên minh khoáng sản và chuỗi cung ứng toàn cầu là khoáng sản chiến lược hoặc khoáng sản quan trọng là phù hợp nhất, phản ánh đúng vai trò và tầm quan trọng của chúng trong nền kinh tế và an ninh quốc gia.
Theo ông Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng của Việt Nam là: Đất hiếm, khoáng sản phóng xạ (urani-thori), kim loại hiếm (liti, berili, coban), kim loại đang thiếu hụt (vàng, thiếc-wolfram, đồng, niken), các khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và các khoáng sản bổ sung thay thế cát, sỏi lòng sông. Phó Cục trưởng Trần Phương cho biết thêm, Luật Khoáng sản năm 2010 không có quy định khoáng sản chiến lược, quan trọng nhưng tại khoản 14 Điều 3 Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản quy định “Khoáng sản chiến lược, quan trọng là khoáng sản thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước”.
Dự thảo Luật cần chỉnh sửa thuật ngữ “Khoáng sản độc hại”
TS. Nguyễn Văn Niệm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Địa hóa Việt Nam cho rằng, tại Điều 3 khoản 22 của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Giải thích từ ngữ “Khoáng sản độc hại” là loại khoáng sản có chứa một trong các nguyên tố Urani, Thori, Thủy ngân, Arsen, Chì, nhóm khoáng vật Asbet mà khi khai thác, sử dụng, lưu giữ phát tán ra môi trường những chất phóng xạ hoặc độc hại vượt mức quy định của quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.
Do đó, Dự thảo Luật cần chỉnh sửa cho phù hợp (nếu còn dùng thuật ngữ này) theo hướng bản chất tự nhiên là các nguyên tố chỉ độc hại khi vượt ngưỡng hàm lượng cho phép và theo dạng tồn tại (Hành vi) của chúng trong môi trường, ngoài ra còn do cả tính khả dụng sinh học của chúng.
Nói về lý do cần chỉnh sửa, TS. Nguyễn Văn Niệm phân tích, khi nói đến khoáng sản đã xác định đến thành phần có ích và có hại. Đồng thời trong khoáng sản chứa nhiều thành phần vật chất (Nguyên tố, khoáng vật) có thể gây độ hại khi hàm lượng của chúng phát tán ra môi trường vượt ngưỡng hàm lượng cho phép cũng như thay đổi hành vi địa hóa của chúng (ví dụ dạng tồn tại). Điều này khẳng định rằng không chỉ có 5 nguyên tố nói trên và nhóm khoáng vật Asbet mới gây độ hại mà tất cả các nguyên tố khác đều có khả năng gây độc hại theo bản chất nêu trên. Ví dụ Cu, F, S, Cd,…. tồn tại trong nhiều loại hình khoáng sản, kiểu mỏ khác nhau.
Thuật ngữ “Khoáng sản độc hại” trong luật này cần mở rộng với điều tra địa chất khoáng sản trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững để ảm bảo việc xác định đúng bản chất làm rõ các thành phần có hại trong các loại hình khoáng sản, không chỉ có 5 nguyên tố nêu trên. Vô tình khẳng định các nguyên tố khác đi kèm khoáng sản là không có hại khi phát tán ra môi trường. Ví dụ sửa như sau:
Theo TS. Nguyễn Văn Niệm, khoáng sản độc hại là loại khoáng sản có chứa một trong các nguyên tố (Urani, Thori, Thủy ngân, arsen, chì,...), các khoáng vật mà khi khai thác, sử dụng khó có thể thu hồi, chúng lưu giữ phát tán ra môi trường những chất phóng xạ hoặc độc hại vượt mức quy định của quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.
TS. Nguyễn Văn Niệm đề nghị Dự thảo Luật cần bỏ thuật ngữ này và thay bằng “Thành phần có hại trong khoáng sản” là các nguyên tố (Urani, Thori, Thủy ngân, arsen, chì, molipden, cadimi, antimon,…) các khoáng vật mà khi khai thác, sử dụng khó có thể thu hồi, chúng lưu giữ phát tán ra môi trường những chất phóng xạ hoặc độc hại vượt mức quy định của quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Điều này đảm bảo tính khoa học của khái niệm về khoáng sản và điều kiện thực tiễn (đã tồn tại mỏ khoáng và khai thác mỏ đều có khả năng gây ô nhiễm môi trường).
Ngoài ra, tại ý a, mục 2 Điều 20 cần Sửa “tai biến địa chất” thành các quá trình (gồm cả tai biến địa chất) hoặc chỉ sửa thành “các quá trình bởi xác định được “các quá trình” sẽ đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường địa chất đô thị trong quá trình phát triển đổ thị cả hiện trạng và tương lai (Một số quá trình địa chất hiện tại chưa gây tai biến địa chất nhưng đô thị hóa sẽ tìm ẩn tai biến/mang tính dự báo nguy cơ: Yế tố địa hình, địa mạo, dòng chảy, sụt lún liên quan khai thác nước ngầm trong tương lai). Bên cạnh đó, đây là một sản phẩm trung gian trong điều tra địa chất đô thị hiện đại, mang tính tích hợp. Trong đó bản đồ các quá trình: Thể hiện các quá trình địa chất tác động đến đô thị hóa, như khu vực dễ bị ngập lụt, khu vực có độ dốc không ổn định, các hoạt động đứt gãy,...
Trong ý a, mục 2 Điều 20 cũng cần bổ sung Điều tra hiện trạng sử dụng đất và kiểm soát đất. Vì trong điều tra địa chất đô thị hiện nay, các nước đều xác định đây là một sản phẩm và có hai loại bản đồ: Hiện trạng sử dụng đất và Bản đồ kiểm soát sử dụng đất (Land use control map). Khái niệm về “sử dụng đất” trong “địa chất đô thị” được dùng theo nghĩa rộng, xem như một không gian cụ thể mà đất phát triển trên mặt của thạch quyển được quá trình đô thị hóa sử dụng. Mục tiêu của việc này là phân biệt rõ ràng được hai vấn đề: i) nhu cầu (hoặc yêu cầu) sử dụng đất đai; ii) khả năng của đất đai dựa trên các đặc tính tự nhiên của đất mà chúng có thể đáp ứng nhu cầu hoặc yêu cầu nêu trên (i) (Khái niệm này cũng cần bổ sung vào Điều 3 - Giải thích từ ngữ).
HƯƠNG TRÀ
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 15 (Kỳ 1 tháng 8) năm 2024