Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn tại Thừa Thiên Huế
28/11/2024TN&MTCăn cứ Quyết định số 446-QĐ/HNDTW ngày 8/5/2024 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về phê duyệt Kế hoạch và Dự toán chi tiết kinh phí thực hiện Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn” năm 2024. Hội Nông dân tỉnh phối hợp Trung tâm Môi trường nông thôn đã khảo sát địa điểm và xây dựng dự án chi tiết “Mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn” tại xã Phú Diên và xã Vinh Xuân (Phú Vang - Thừa Thiên Huế).
Tại xã Phú Diên, Ban thường vụ Hội nông dân xã đã báo cáo Đảng ủy, UBND xã đồng thời xây dựng kế hoạch để từng bước triển khai thực hiện. BCH Hội Nông dân xã tiến hành họp 2 phiên bàn cách thức lấy ý kiến nhân dân về thực hiện mô hình và vận động các hộ tham gia, phân công cụ thể các thành viên phụ trách các thôn, trong đó chi Hội trưởng nông dân 6 thôn làm nòng cốt, phối hợp với, Chi hội phụ nữ, cựu chiến binh, Đoàn thanh niên để tiến hành lấy ý kiến từng hộ. Qua quá trình vận động và lấy ý kiến của nhân dân, có 1.060 hộ dân tham gia thực hiện Dự án, trong đó hội viên nông dân tham gia 622 hộ chiếm 58,67% hộ thực hiện dự án.
Còn tại xã Vinh Xuân, đã có 940 hộ dân tham gia thực hiện dự án, trong đó hội viên nông dân tham gia là 580 hộ chiếm 61% số hộ thực hiện mô hình. Vận động các hộ nông dân tham gia xây dựng mô hình mua các trang thiết bị như xây kệ, mua kệ để thùng 160 lít, mua sắm các thùng phân lại rác, xô rác…
Tổ chức tập huấn và tuyên truyền
Trung tâm Môi trường nông thôn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 6 lớp tập huấn cho 900 hội viên của hai xã thực hiện mô hình về nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng truyền thông và hướng dẫn phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại nguồn cho tuyên truyền viên cấp tỉnh. Tham gia lớp tập huấn các tuyên truyền viên được trang bị những kiến thức như: Thực trạng về tình trạng rác thải ở nông thôn (sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, chế biến…) nói chung, rác thải sinh hoạt nói riêng. Các giải pháp phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn; Hướng dẫn kỹ thuật phân loại, thu gom vận chuyển và dùng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải hữu cơ tại hộ; Vai trò trách nhiệm của cán bộ Hội và hội viên trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn.
Tập chuấn hướng dẫn kỹ thuật phân loại, thu gom vận chuyển và dùng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình
Chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hội viên tham gia xây dựng, cấp phát và thiết bị thực hiện mô hình
Từ ngày 7 - 14/8/2024, tại UBND xã Phú Diên và xã Vinh Xuân, Trung tâm Môi trường nông thôn đã phối hợp triển khai chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 900 hộ hội viên trực tiếp tham gia xây dựng mô hình. Trong các buổi tập huấn các học viên được TS. Nguyễn Hữu Giáp – Giảng viên học viện Nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật phân loại, thu gom vận chuyển và dùng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải hữu cơ tại hộ cụ thể như: Các bước thu gom, phân loại rác thải tại hộ; Quy trình xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón tại hộ gia đình bằng cách sử dụng thùng ủ rác hữu cơ 160 lít kết hợp với chế phẩm vi sinh.
Lãnh đạo Trung tâm Môi trường nông thôn chuyển giao thiết bị cho nông dân hai xã Phú Diên và Vinh Xuân
Trung ương Hội đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện, xã và đặc biệt là lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã cấp phát vật tư cho cá hộ nông dân tại hai xã tham gia dự án. Cán bộ chi Hội trưởng nhận thùng rác 240 lít và xe chở rác về lắp đặt tại các tuyến đường.
Trang thiết bị đã trang bị cho mô hình Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn, bao gồm: 2.000 thùng ủ rác hữu cơ 160 lít, 60 thùng rác 240 lít, 20 xe gom rác 500 lít, 4.040 gói chế phẩm sinh học xử lý rác thải sinh hoạt, 01 biển mô hình.
Một số kết quả đạt được
900 hộ tham gia dự án được tập huấn chuyển giao khoa học về phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình đã nâng cao nhận thức về thu gom, phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần giảm thiểu 60 – 70% lượng rác thải của các hộ.
Mô hình Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn được thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân kiểm tra và dân hưởng lợi” nên hiệu quả và tính bền vững cao. Tiến độ triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng thời gian và chất lượng công trình ghi trong hợp đồng. Số hộ nông dân được hưởng lợi từ dự án là 2.000 hộ nông dân trực tiếp và các hộ dân của xã Vinh Xuân và xã Phú Diên cùng hưởng lợi. Thùng rác 240 lít được lắp đặt trên tuyến đường tại 12 thôn và các khu công cộng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thuộc hai xã Vinh Xuân và Phú Diên. Các hộ nhận thùng rác đã chủ động phân loại, thu gom rác thải tại hộ gia đình. Toàn bộ rác thải hữu cơ được các hộ đưa vào thùng 160 lít của Dự án cung cấp và sử dụng chế phẩm vi sinh để phun vào rác thải trong thùng để tạo thành phân bón sử dụng trong việc chăm sóc cây trồng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các hộ gia đình. Trong 2 tháng đầu tiên, 9.400 hộ xã Vinh Xuân và 1.060 hộ xã Phú Diên thực hiện theo đúng hướng dẫn từ phân loại rác, lắp đạt các phụ kiện ủ rác sau đó tiến hành ủ, nhìn chung bước đầu những hộ tham gia thực hiện 85 - 100%, tuy nhiên bước sang tháng thứ 3 do hầu hết các hộ sử dụng hết chế phẩm sinh học, một số hộ khác sau khi ủ xong không có nhu cầu sử dụng phân và một số nguyên nhân khác nên số lượng thực hiện giảm dần. Hiện nay, tại xã Phú Diên đã có 225 hộ thực hiện thành công; xã Vinh xuân có 250 hộ thực hiện thành công.
Xe gom rác 500 lít giao Hội Nông dân xã phối hợp chi hội nông dân các thôn nhận xe để quản lý và sử dụng xe đúng mục đích. 100% trang thiết bị được đầu tư đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, chi tiêu hợp pháp, hợp lý theo đúng nội dung hoạt động của mô hình và dự toán kinh phí đã được phê duyệt.
Được biết, trong quá trình triển khai và thực hiện Dự án đã được sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung tâm Môi trường nông thôn, Hội Nông dân huyện, các cấp ủy, đảng chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ với các Ban, ngành ở địa phương. Đặc biệt là lãnh đạo Đảng ủy, UBND, UBMTTQ VN và HND của xã Phú Diên và Vinh Xuân đã vào cuộc nhiệt tình. Bên cạnh đó, sự nhiệt tình hưởng ứng của hội viên nông dân của 12 thôn trên địa bàn hai xã. Cán bộ Hội thường xuyên đến với hội viên hướng dẫn kỹ thuật ủ rác hữu cơ thành phân bón và động viên hội viên nông dân trong xã tích cực hưởng ứng trong phong trào xây dựng nông thôn mới và BVMT.
Bên cạnh đó, cũng có những khó khăn nhất định, nguồn hỗ trợ các chế phẩm sinh học có hạn nên có nhiều hộ sử dụng hết chế phẩm sinh học {2 gói chế phẩm/hộ} không tiếp tục mua chế phẩm sinh học để tiếp tục thực hiện, trên địa bàn huyện không có đơn vi cung ứng chế phẩm sinh học cũng gây khó khăn cho nhân dân tiếp tục thực hiện mô hình.
Việc thực hiện mô hình trong thời gian nắng nóng, thức ăn thừa khi ủ ở thùng phát sinh mùi hôi qua kiểm tra thực tế có nhiều giòi bọ nên một số hộ không tiếp tục thực hiện dự án.
Địa bàn xã Phú Diên có 4 thôn không làm nông nghiệp, trong đó 3 thôn đánh bắt thủy sản và 1 thôn phát triển dịch vụ, hầu hết các hộ trong thôn không có nhu cầu sử dụng phân từ nguồn ủ và một số hộ tại 2 xã nguồn rác hữu cơ trong gia đình thải ra hàng ngày ít nên việc dùy trì dự án gặp khó khăn. Hầu hết hộ tham gia tự động dừng việc ủ phân khi hết chế phẩm sinh học.
Việc đối ứng của các hộ trong viện mua kiềng sắt làm giá đỡ chưa được thực hiện đồng loạt. Địa phương không có đơn vị cung cấp chế phẩm vi sinh nên khó khăn trong việc duy trì dự án hiệu quả.
Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn Phạm Văn Thiện kiểm tra điểm thực hiện Dự án
Trong thời gian tới, đề nghị Huyện ủy, UBND huyện phú Vang quan tâm tạo điều kiện cấp kinh phí để Hội Nông dân xã Phú Diên và xã Vinh Xuân hỗ trợ thêm về chế phẩm ủ rác hữu cơ thành phân bón. Sau khi đánh giá mô hình có hiệu quả sẽ mở rộng tại nhiều thôn của các xã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong công tác BVMT, xử lý chất thải hữu cơ thành phân bón.
Tâm Đức