Hiện trạng và diễn biến chất lượng không khí tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018-2023
02/01/2024TN&MTTốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa gia tăng đáng kể của tỉnh Trà Vinh giai đoạn vừa qua là nguyên nhân tạo nên sức ép lớn đối với chất lượng môi trường không khí (CLMTKK) của tỉnh. Dựa trên kết quả quan trắc (KQQT) môi trường định kỳ và kết quả phân tích bổ sung từ năm 2018-2023, bài báo trình bày đánh giá hiện trạng và diễn biến CLMTKK của tỉnh Trà Vinh giai đoạn vừa qua. Kết quả đánh giá cho thấy CLMTKK của tỉnh trà Vinh còn khá tốt, chỉ vượt nhẹ ở giá trị độ ồn, bụi TSP, O3 tại một số thời điểm; khu vực giao thông - đô thị với hoạt động của các phương tiện cơ giới đường bộ là nguồn gây áp lực chính yếu đối với sự suy giảm, ô nhiễm không khí (ÔNKK). Kết quả này có ý nghĩa để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh đề xuất các giải pháp quản lý CLMTKK trong giai đoạn tiếp theo, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Đặt vấn đề
Quy trình lập Kế hoạch quản lý CLMTKK cấp tỉnh đã được Bộ TN&MT hướng dẫn tại Công văn số: 3051/BTNMT-TCMT ngày 07/6/2021. Theo đó, quy trình gồm 06 bước, trong đó, bước đầu tiên là đánh giá hiện trạng, diễn biến CLMTKK và công tác quản MTKK. Như vậy, việc đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh là nội dung quan trọng, làm cơ sở để đưa ra mục tiêu, và các giải pháp quản lý CLMTKK trong kế hoạch đề xuất. Trên cơ sở đó, bài báo này trình bày đánh giá hiện trạng và diễn biến CLMTKK của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018-2023 dựa trên KQQT định kỳ của tỉnh cũng như KQQT bổ sung của nghiên cứu trong năm 2022-2023. Mục tiêu của bài báo là đánh giá hiện trạng và diễn biến CLMTKK trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2023 theo năm, theo mùa và theo các khu vực tác động khác nhau trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Từ đó, làm cơ sở để đề xuất các giải pháp quản lý CLMTKK trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tiếp theo, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh.
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp lấy mẫu và phân tích mẫu không khí xung quanh (KKXQ)
Hiện trạng CLMTKK tỉnh Trà Vinh được đánh giá dựa trên số liệu quan trắc MTKK định kỳ 05 năm của tỉnh Trà Vinh từ năm 2018 - 2022 tại 29 vị trí quan trắc thuộc chương trình quan trắc của tỉnh, nhằm đánh giá CLMTKK của tỉnh Trà Vinh thuộc 06 khu vực khác nhau gồm: đô thị, giao thông, công nghiệp, bãi rác, nông thôn, du lịch. Với tần suất quan trắc 4 lần/năm đối với từ 17-27 vị trí môi trường tác động, và 12 lần/năm đối với 02 vị trí môi trường nền (khu vực nông thôn) qua các năm. Chỉ tiêu quan trắc chung tại các khu vực bao gồm: Độ ồn, TSP, SO2, NO2, CO, O3. Ngoài ra, theo hướng dẫn tại công văn số 3051/BTNMT-TCMT việc đánh giá CLMTKK theo các thông số: bao gồm cả 2 chỉ tiêu bụi PM10; PM2.5. Tuy nhiên chương trình quan trắc môi trường định kỳ của tỉnh thiếu 2 chỉ tiêu này. Do đó, nghiên cứu tiến hành lấy mẫu bổ sung tại 28 vị trí thuộc chương trình quan trắc của tỉnh để đánh giá bổ sung với thông số phân tích gồm: SO2; CO; NO2; O3; TSP; PM10; PM2.5; tiếng ồn. Tần suất 04 đợt: 02 đợt mùa mưa và 02 đợt mùa khô, từ tháng 11/2022 đến tháng 05/2023.
Phương pháp xử lý số liệu
Sử dụng phần mềm Excel 2019, phần mềm thống kê R 4.2.1 để phân tích xử lý số liệu. Các thông tin dữ liệu mô tả bao gồm: (1) n: số mẫu quan trắc; (2) số liệu tuân theo phân phối chuẩn giá trị trung bình sẽ được biểu diễn bằng: Trung bình (mean) ± độ lệch chuẩn (std); (3) số liệu không tuân theo phân phối chuẩn, giá trị trung bình được biểu diễn bằng: trung vị - median (q1: tứ phân vị thứ nhất - q3: điểm tứ phân vị thứ 3),…; Kiểm định phân phối chuẩn bằng hàm Shapiro-Wilk Test; cũng như phân tích sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p ≤ 0,05) bằng các phương pháp Anova, T-test, Kruskal-Wallis, Wilcoxon.
Kết quả và thảo luận
Độ ồn
Độ ồn trong KKXQ tỉnh Trà Vinh từ năm 2018-2023 dao động với giá trị từ 42,2 - 80,3 dBA, trung bình 62 ± 6,8 dBA (n=658), có 11,7% số mẫu quan trắc vượt giới hạn cho phép QCVN 26:2010/BTNMT (70 dBA). Phân tích thống kê cho thấy có sự khác biệt mang ý nghĩa (p ≤ 0,05) của giá trị độ ồn giữa năm 2023 và các năm còn lại: giá trị độ ồn thấp nhất tại năm 2023 (57,7 ± 5,2 dBA, n=56), các năm còn lại giá trị trung bình độ ồn đều >61 dBA. Giá trị trung bình độ ồn thấp nhất (<59 dBA) tại các khu vực ít xe cộ qua lại (nông thôn, làng nghề, du lịch, bãi rác) và có sự khác biệt (p ≤ 0,05) với các khu vực có hoạt động giao thông đường bộ nhiều (giao thông, đô thị, công nghiệp), trong đó: cao nhất tại khu vực giao thông (67,3 ± 4,8 dBA, n= 163); 02 khu vực còn lại có giá trị >62 dBA. Theo mùa, giá trị độ ồn không có sự chênh lệch nhiều: Vào mùa khô là 61,7 ± 6,8 dBA (n=326) và mùa mưa là 62,2 ± 6,8 dBA (n=332).
Tổng bụi lơ lửng (TSP)
Nồng độ TSP trung bình 1 giờ trong KKXQ tỉnh Trà Vinh từ năm 2018-2023 dao động trong khoảng 20 - 1.190 µg/m3, giá trị trung bình (trung vị) là 99 µg/m3 (70 - 147,8 µg/m3) (n=658), chỉ có 1,4% số mẫu quan trắc vượt QCVN 05:2013/BTNMT (300 µg/m3). Phân tích thống kê cho thấy có sự khác biệt về nồng độ TSP trong không khí tại các năm và khu vực quan trắc (p ≤ 0,05): Xét theo năm, giá trị trung bình nồng độ TSP cao nhất ở năm 2020 và 2021 (trung vị: 129 µg/m3) có sự khác biệt với các năm còn lại (<100 µg/m3); Xét theo khu vực: Nồng độ TSP đạt cao nhất tại khu vực giao thông 123 µg/m3 (90-172 µg/m3, n=163) có sự khác biệt so với khu vực còn lại (bãi rác, công nghiệp, du lịch, nông thôn, làng nghề) với giá trị trung vị <100 µg/m3, giá trị TSP tại khu vực đô thị xếp thứ hai với 101,5 µg/m3 (80-148,7 µg/m3, n= 108). Nồng độ bụi TSP vào mùa khô và mưa có sự khác biệt không đáng kể, với giá trị trung vị là 99 µg/m3 vào mùa khô, và 100 µg/m3 vào mùa mưa.
Nồng độ bụi PM10
Diễn biến nồng độ bụi PM10 trong KKXQ tỉnh Trà Vinh được đánh giá thông qua KQQT bổ sung qua 4 đợt ở 2 mùa (mưa và khô) từ năm 2022-2023. KQQT cho thấy: giá trị nồng độ bụi PM10 tỉnh Trà Vinh dao động từ 12,3 - 82,4 µg/m3, trung bình 36,4 ± 14,2 µg/m3 (n=112), tất cả các mẫu quan trắc đều đạt giới hạn cho phép nồng độ bụi PM10 trong KKXQ trung bình 24 giờ theo QCVN 05:2013/BTNMT (150 µg/m3).
Phân tích thống kê cho thấy chỉ có sự khác biệt mang ý nghĩa (p ≤ 0,05) của giá trị nồng độ bụi PM10 giữa các khu vực quan trắc. Nồng độ bụi PM10 cao nhất tại khu vực giao thông (44,7 ± 15,5 µg/m3, n=28), đô thị (40,1 ± 9,7 µg/m3, n=24) có sự khác biệt so với khu vực nông thôn và du lịch (lần lượt là 25,4 và 27,7 µg/m3, n=8); Các khu vực còn lại giá trị trung bình PM10 dao động từ 31,4 - 34 µg/m3. Giữa 02 năm quan trắc nồng độ bụi PM10 có sự khác biệt không nhiều: Năm 2022 là 38,9 ± 16,4 µg/m3 (n=56), đến năm 2023 giảm nhẹ xuống còn 34 ± 11,3 µg/m3 (n=56). KQQT cũng cho thấy, sự chênh lệch giữa 2 mùa là không đáng kể: Trung bình mùa khô là 37,6 ± 13,4 µg/m3 (n=56) và mùa mưa là 35,3 ± 15 µg/m3 (n=56).
Nồng độ bụi PM2.5
Tương tự nồng độ bụi PM10, diễn biến nồng độ bụi PM2.5 trong KKXQ tỉnh Trà Vinh cũng được đánh giá thông qua KQQT bổ sung qua 4 đợt quan trắc từ năm 2022-2023. KQQT cho thấy: Giá trị nồng độ bụi PM2.5 tỉnh Trà Vinh dao động từ 4,5 – 39,6 µg/m3, trung bình 17,8 ± 8 µg/m3 (n=112), tất cả các mẫu quan trắc đều đạt giới hạn cho phép nồng độ bụi PM2.5 trong KKXQ trung bình 24 giờ theo QCVN 05:2013/BTNMT (50 µg/m3).
Phân tích thống kê cho thấy: Chỉ có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê (p ≤ 0,05) của giá trị nồng độ bụi PM2.5 trong KKXQ giữa các khu vực quan trắc. Nồng độ bụi PM2.5 cao nhất tại vị trí khu vực giao thông (22,7 ± 8,4 µg/m3, n=28), đô thị (19,7 ± 7,2 µg/m3, n=24) có sự khác biệt so với khu vực nông thôn và làng nghề (lần lượt là 11 và 13,6 µg/m3, n=8-12); Các khu vực còn lại có giá trị trung bình nồng độ PM2.5 dao động trong khoảng từ 14,2 - 17,5 µg/m3. Giữa 02 năm quan trắc nồng độ bụi PM2.5 có sự khác biệt không nhiều: năm 2022 là 19,4 ± 8,8 µg/m3 (n=56), đến năm 2023 giảm nhẹ xuống còn 16,2 ± 6,9 µg/m3 (n=56). Sự chênh lệch nồng độ bụi PM2.5 giữa 2 mùa không đáng kể: Trung bình mùa khô là 18,9 ± 8,3 µg/m3 (n=56) và mùa mưa là 16,8 ± 7,7 µg/m3 (n=56).
Nồng độ khí SO2
Nồng độ SO2 trung bình 1 giờ trong KKXQ tỉnh Trà Vinh từ năm 2018-2023 dao động trong khoảng không phát hiện (KPH) (<16 µg/m3) - 319 µg/m3, giá trị trung bình 28,7 ± 33,4 µg/m3 (n=658), tất cả các mẫu quan trắc đều nhỏ hơn và nằm trong giới hạn cho phép về nồng độ SO2 trung bình 1 giờ theo QCVN 05:2013/BTNMT (350 µg/m3).
Phân tích thống kê cho thấy nồng độ SO2 có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê (p ≤ 0,05) giữa các năm và tại các khu vực quan trắc. Xét theo năm, giá trị trung bình nồng độ SO2 đạt cao nhất trong năm 2023 (83,0 ± 20,6 µg/m3, n=56), các năm còn lại nồng độ SO2 dao động từ ngưỡng KPH – 34,8 µg/m3. Tại khu vực đô thị và giao thông, nồng độ SO2 đạt giá trị cao nhất lần lượt là: 34,7 ± 37,5 µg/m3 (n=108) và 34,4 ± 43,8 µg/m3 (n=163), có sự khác biệt so với khu vực nông thôn 17,3 ± 16,7 µg/m3 (n=126); Các khu vực còn lại, giá trị SO2 dao động từ 25,2-32,1 µg/m3. Xét theo mùa, nồng độ SO2 có sự chênh lệch không đáng kể: giá trị mùa khô là 28,6 ± 32,2 µg/m3, và mùa mưa là 28,8 ± 34,6 µg/m3.
Nồng độ khí NO2
Nồng độ NO2 trung bình 1 giờ trong KKXQ tỉnh Trà Vinh từ năm 2018-2023, dao động trong khoảng KPH (<4 µg/m3) - 181,2 µg/m3, giá trị trung bình (trung vị) là 8,5 µg/m3 (<4 -21 µg/m3) (n=658), tất cả các mẫu quan trắc đều nhỏ hơn và nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT (200 µg/m3). Nồng độ NO2 có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê (p ≤ 0,05) xét theo năm và mùa quan trắc. Giá trị trung vị nồng độ NO2 đạt cao nhất trong năm 2023 (75,4 µg/m3 (59 - 94,6 µg/m3), n=56); các năm 2018-2022 giá trị trung bình NO2 khá thấp trong khoảng <4 - 18,5 µg/m3 (n=92-184). Vào mùa khô nồng độ NO2 chênh lệch không đáng kể so với mùa mưa, giá trị 2 mùa lần lượt là 9 µg/m3 (<4 - 18,8 µg/m3) và 8 µg/m3 (<4 - 21 µg/m3). Nồng độ NO2 so sánh giữa các vị trí quan trắc tỉnh Trà Vinh có sự khác biệt không nhiều, giá trị trung vị cao nhất tại khu vực giao thông với 11 µg/m3 (6 - 24 µg/m3) (n=163), các khu vực còn lại có giá trị trung vị dao động trong khoảng KPH - 10 µg/m3.
Nồng độ khí CO
Nồng độ CO trung bình 1 giờ trong KKXQ tỉnh Trà Vinh từ năm 2018-2023 dao động trong khoảng KPH (<3.000 µg/m3) - 14.975 µg/m3, giá trị trung bình là 4.564 ± 1.762 µg/m3 (n=658), tất cả các mẫu quan trắc đều nhỏ hơn rất nhiều và nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT (30.000 µg/m3). Nồng độ CO có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê (p ≤ 0,05) giữa các năm và 2 mùa quan trắc. Giá trị trung bình nồng độ CO đạt cao nhất trong năm 2021 (5.743 ± 2.290 µg/m3, n=110); các năm còn lại có giá trị trung bình CO khá thấp trong khoảng <4.600 µg/m3 (n=56-184). Vào mùa khô nồng độ CO là 4.749 ± 1.929 µg/m3 (n=326), đến mùa mưa nồng độ giảm nhẹ còn 4.381 ± 1.563 µg/m3 (n=332). Giữa các khu vực quan trắc nồng độ CO có sự khác biệt không nhiều, giá trị trung bình dao động trong khoảng từ 4.237 - 4.810 µg/m3, cao nhất tại khu vực giao thông, và thấp nhất tại khu vực nông thôn.
Nồng độ khí O3
Nồng độ O3 trung bình 1 giờ trong KKXQ tỉnh Trà Vinh từ năm 2018-2023 dao động trong khoảng KPH (<8 µg/m3) - 618 µg/m3, giá trị trung bình (trung vị) là 14 µg/m3 (<8 - 24,5 µg/m3) (n=658), có 0,61% mẫu quan trắc vượt giới hạn cho phép về nồng độ O3 trung bình 1 giờ theo QCVN 05:2013/BTNMT (200 µg/m3).
Phân tích thống kê cho thấy chỉ có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê (p ≤ 0,05) giữa các năm quan trắc. Giá trị trung vị của nồng độ O3 đạt cao nhất trong ở năm 2023 (20,1 µg/m3 (15,9-24,5 µg/m3), n=56), và thấp nhất trong năm 2019 với giá trị trung vị nằm trong ngưỡng KPH (<8 - 54,3 µg/m3) (n=92); các năm còn lại, giá trị trung vị O3 dao động trong khoảng từ 11,7 - 16 µg/m3. Nồng độ O3 chênh lệch không đáng kể giữa 2 mùa: mùa khô có giá trị là 15 µg/m3 (<8 - 24 µg/m3, n=326), và mùa mưa là 14 µg/m3 (<8 - 24,8 µg/m3, n=332). Nồng độ O3 so sánh giữa các khu vực quan trắc có sự khác biệt không nhiều: giá trị cao nhất tại khu vực làng nghề với 17 µg/m3 (9,4 - 22,5 µg/m3, n=42) và thấp nhất tại khu vực bãi rác và khu vực công nghiệp với giá trị trung vị lần lượt là 13 µg/m3 (<8 - 25,8 µg/m3, n=71) và 13 µg/m3 (<8 - 23,5 µg/m3, n=105), các khu vực còn lại có giá trị dao động từ 14 - 15,8 µg/m3.
Kết luận
Nhìn chung CLMTKK tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018-2023 còn khá tốt, chỉ vượt nhẹ giá trị độ ồn (11,7%), bụi TSP (1,4%) và O3 (0,6%) tại một số thời điểm so với QCVN 05:2013/BTNMT và QCVN 26:2010/BTNMT. Khu vực giao thông là khu vực có các thông số ô nhiễm trong không khí (Độ ồn, bụi, SO2, NO2, CO) cao nhất so với các khu vực khác. Và khu vực nông thôn là khu vực có các thông số ô nhiễm trong không khí thấp nhất. Phân tích thống kê cho thấy sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê giữa các khu vực (p ≤ 0,05) chủ yếu giữa khu vực giao thông - đô thị và khu vực nông thôn - du lịch, điều này chứng tỏ các hoạt động của phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô, vận tải,...) là nguồn gây áp lực chính yếu đối với sự suy giảm, ÔNKK tại tỉnh. Theo thời gian, nhìn chung chất lượng không khí có xu hướng giảm dần tại các chỉ tiêu bụi trong những năm trở lại đây, các chỉ tiêu còn lại tăng nhẹ trong năm 2023. Phân tích thống kê cho thấy chỉ có sự khác biệt (p ≤ 0,05) của thông số NO2, CO giữa 2 mùa mưa và khô, tuy vậy hầu hết giá trị các thông số ô nhiễm giữa 2 mùa chênh lệch không đáng kể.
Lời cảm ơn
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Sở TN&MT tỉnh Trà Vinh trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Kế hoạch quản lý CLMTKK trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”.
Tài liện tham khảo
1. Bộ TN&MT (2021), Công văn số: 3051/BTNMT-TCMT ngày 07/06/2021 Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, Tổng cục Môi trường, chủ biên, Việt Nam;
2. Bộ TN&MT (2022), Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2021: Môi trường không khí - thực trạng và giải pháp, Hà Nội;
3. Bùi Hoàng Ngọc, Phan Thị Liệu, Nguyễn Minh Hà (2022), "Mối quan hệ giữa tỷ lệ đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế, phát triển nông nghiệp và lượng khí thái CO2 ở Việt Nam", Những vấn đề kinh tế và Chính trị thế giới(3), tr. 60-71;
4. Sở TN&MT tỉnh Trà Vinh (2018-2022), Báo cáo tổng hợp KQQT môi trường tỉnh Trà Vinh các năm 2018-2022, Trà Vinh;
5. UBND tỉnh Trà Vinh (2023), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Trà Vinh.
LÊ VIỆT THẮNG
Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 20 (Kỳ 2 tháng 10) năm 2023