Hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nilon tại Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất các giải pháp và cơ chế, chính sách
04/01/2022TN&MTHiện nay, các sản phẩm bằng nhựa và túi nilon đã trở thành những vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, nó được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi. Mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh thải ra từ 8.000 đến hơn 9.000 tấn rác, trong đó rác thải từ các sản phẩm nhựa và túi nilon chiếm từ 3-8%. Tác hại của nhựa và túi nilon đến môi trường và sức khỏe con người là rất lớn, tuy nhiên đến nay con người chưa thể dùng các loại vật liệu khác để thay thế hoàn toàn. Bài báo này đưa ra các phân tích về hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nilon tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chính sách pháp luật về các sản phẩm nhựa, túi nilon; đánh giá những tồn tại và phân tích các nguyên nhân. Trên cơ sở đó, đề xuất một số phương án nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về các sản phẩm nhựa, túi nilon.
Mở đầu
Ngày nay, việc sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm túi nhựa, túi nylon đã trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày của con người, và các nhà cung cấp, sản xuất hàng hoá chú trọng đến việc làm thế nào để người tiêu dùng mua hàng được thuận tiện. Đó là lý do túi nylon sử dụng rất phổ biến hiện nay. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những túi nylon đủ màu sác và kích cỡ ở khắp mọi nơi. Túi nylon có thể được sử dụng để đựng tất cả những vật dụng có thể như: quần áo, thức ăn, thức uống, đồ đạc,… Cứ tính trung bình mỗi ngày một gia đình có một người đi chợ mua sắm thức ăn thì có ít nhất vài cái túi nylon được mang về nhà
Hiện trạng sử dụng các sản phẩm túi nhựa, túi nylon tại TP. Hồ Chí Minh
Theo Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, năm 2018, trung bình mỗi ngày thành phố thải ra khoảng khoảng 8.900 tấn/ngày (năm 2017), đạt khoảng 9.115 tấn/ngày (9 tháng đầu năm 2018) và đạt khoảng 9.200 tấn/ngày (ước tính cho 3 tháng cuối năm 2018). Trong đó, khu vực nội thành: thu gom xử lý đạt 100% (bao gồm 95% thu gom trực tiếp tại các chủ nguồn thải (hộ gia đình, tổ chức, các trung tâm thương mại, …) và 5% thu gom tại các tuyến đường, các điểm hẹn, thùng rác công cộng và vớt rác trên kênh); khu vực ngoại thành: khoảng 85-90% được thu gom, xử lý từ các chủ nguồn thải.
Thành phố thực hiện chủ trương xử lý tập trung chất thải tại 02 Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, gồm (1) Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc - huyện Củ Chi (687 hecta) với Nhà máy xử lý CTRSH của Công ty Cổ phần Vietstar - công nghệ tái chế nhựa, làm compost, công suất 1.200 tấn/ngày; Nhà máy xử lý CTRSH của Công ty Cổ phần Tâm Sinh Nghĩa - công nghệ tái chế nhựa, làm phân vi sinh (compost) và đốt chất thải còn lại, công suất 1.000 tấn/ngày; Bãi chôn lấp số 3 (bãi chôn lấp dự phòng) của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố - công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công suất 2.000 tấn CTRSH/ngày; (2) Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước - huyện Bình Chánh (614 hecta) với Bãi chôn lấp CTRSH của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam - công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công suất tiếp nhận hiện nay 5.000 tấn/ngày.
Công nghệ xử lý của Thành phố hiện nay: Đốt, compost tái chế: Chiếm tỷ lệ 31%, bao gồm Công ty Cổ phần Tâm Sinh Nghĩa tiếp nhận xử lý compost và đốt 1.300 tấn/ngày (chiếm 15%) và Công ty Cổ phần Vietstar tiếp nhận xử lý 1.400 tấn/ngày làm Compost và tái chế (chiếm 16%). Chôn lấp: Chiếm tỷ lệ 69% (6.200 tấn/ngày), bao gồm Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) tiếp nhận 5.800 tấn/ngày và Bãi chôn lấp số 3 tiếp nhận xử lý 400 tấn/ngày.
Trong chất thải rắn sinh hoạt có các thành phần khác nhau (Bảng 1) như: Chất hữu cơ, Plastic, giấy, kim loại, thủy tinh,...
Bảng 1. Thành phần chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Người Việt Nam chúng ta đang tiêu dùng khoảng 30-40 kg nhựa/người/năm, với dân số hiện nay thì số lượng túi nylon được tiêu thụ mỗi năm ở nước ta là một con số không nhỏ. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 30 tấn nylon được sử dụng mỗi ngày trong các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và 34-60 tấn/ngày tương đương từ 5-9 triệu túi nylon/ngày từ các hộ dân. Và hầu như chúng đều được phát thải ra môi trường, trong đó khu vực phát sinh nhiều nhất là chợ chiếm 70%, kế đến là siêu thị 25% và cuối cùng là trung tâm thương mại 3%. Đây là những con số rất đáng báo động.
Gần đây, tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ rác thải là túi nylon và những cảnh báo về hiểm họa lâu dài cho môi trường đã khiến nhiều người bắt đầu chú ý đến việc làm sao giảm sử dụng túi nylon. Quỹ Tái chế chất thải TP. Hồ Chí Minh – Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức nhiều hội thảo liên quan như: “Đề xuất các giải pháp giảm thiểu sử dụng túi nylon tại TP. Hồ Chí Minh hướng đến xã hội tiêu thụ bền vững”. Quỹ Tái chế chất thải TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra kết quả khảo sát cho thấy người dân thành TP. Hồ Chí Minh đã quá phụ thuộc vào túi nylon khi 93% người đi mua hàng hoàn toàn không đem theo túi vì cho rằng khi mua hàng người bán hàng đã chuẩn bị sẵn túi nylon để đựng. Ngoài ra, 1/4 số này cho rằng sẽ rất bất tiện nếu phải lỉnh kỉnh xách theo túi từ nhà mỗi khi đi mua sắm.
Tình hình tiêu thụ túi nylon tại các siêu thị hiện nay rất phổ biến. Theo khảo sát tại hệ thống siêu thị Maximark, toàn hệ thống siêu thị này (gồm 3 siêu thị) tiêu thụ bình quân 10 tấn nylon/tháng. Nếu tính trung bình 1kg nylon khoảng 100 túi (bao bì của siêu thị thường dày), mỗi tháng hệ thống cho ra thị trường khoảng 1 triệu túi và một năm là khoảng 12 triệu túi nylon. Với bảy siêu thị của hệ thống Big C cũng tiêu tốn 20 tấn/tháng, tương đương 3 triệu túi nylon (150 túi/kg). Tình hình sử dụng túi nylon cũng tỉ lệ thuận với sức mua của khách hàng và qui mô tại các hệ thống siêu thị Co.op Mart, Citimart, Fivimart,...
Các giải pháp và cơ chế tái sử dụng các sản phẩm nhựa tái chế và sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường
Việt Nam trong những năm gần đây, các cơ quan QLNN từ trung ương đến địa phương, cũng như cộng đồng đã và đang rất quan tâm tới vấn đề chất thải túi nylon với nhiều sáng kiến được đưa ra áp dụng như: các chiến dịch truyền thông “nói không với túi nylon”, “ngày không túi nylon”. Tuy nhiên, nếu chỉ riêng những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân riêng lẻ chưa đủ sức mạnh để giảm thiểu tác hại do túi nylon gây ra. Điều quan trọng nhất là thái độ và hành động của cả cộng đồng đối với việc này.
Thực tế, việc sử dụng túi nylon mang lại rất nhiều thuận lợi trong sinh hoạt hằng ngày của người dân, nên việc hạn chế nó cần phải bắt đầu từ ý thức của người dân. Để thực hiện được điều đó cần tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền. Song trên thực tế, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của túi nylon với môi trường nhằm hạn chế sử dụng chưa được triển khai một cách hệ thống trên phạm vi rộng. Các cơ quan chức năng chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ trong việc tuyên truyền hạn chế túi nylon, còn hoạt động của các tổ chức tình nguyện vì môi trường thì chỉ giới hạn trong một phạm vi khiêm tốn.
Năm 2011, khi Luật Thuế BVMT bắt đầu được áp dụng, sự nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường được đánh động, họ dần dần sử dụng tiết kiệm túi nylon vì giá túi nylon quá cao, 80.000 đ/kg. Khi đi chợ, người bán hạn chế việc cho túi nylon theo yêu cầu người đi chợ, mọi túi nylon được sử dụng tối đa hết sức chứa và việc cấp miễn phí túi nylon được hạn chế đến mức thấp nhất. Khi được thắc mắc hỏi thì người dân được các tiểu thương giải thích “vì Nhà nước đánh thuế BVMT nên túi nylon mắc lắm, phải xài cho tiết kiệm”. Nhờ vậy, mà sự tuyên truyền được thực hiện và nhận thức của người dân về hạn chế sử dụng túi nylon được nâng lên. Tuy nhiên, hiệu quả của việc thực thi Luật Thuế BVMT đối với túi nylon chỉ có tác dụng ban đầu, rồi sau đó, đâu lại vào đấy. Do đó, cần có chính sách thu thuế sử dụng túi nylon, gồm: Thuế tiêu dùng túi nylon sẽ được cộng vào giá thành túi nylon và người tiêu dùng phải trả khi mua hàng. Việc thu thuế túi nylon cần phải được thông qua trên phạm vi toàn quốc và cần phải có sự chuẩn bị về nhận thức cho người tiêu dùng và các thành phần kinh tế có liên quan trong xã hội. Loại thuế, mức thuế, đối tượng áp dụng thuế cần được nghiên cứu kỹ, tham khảo ý kiến cộng đồng và có lộ trình ban hành phù hợp.
Cần phải áp dụng đồng bộ và lâu dài nhiều giải pháp quản lý, bao gồm các giải pháp mang tính pháp lý, các giải pháp kinh tế, các giải pháp khuyến khích và tuyên truyền vừa ngắn hạn vừa dài hạn. Cụ thể là: Cấm phát không túi nylon tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố; Hạn chế sản xuất, mua bán và phân phối túi nylon trên địa bàn thành phố; Tính phí tiêu dùng túi nylon: tính trên đơn vị túi nylon được sản xuất, cộng vào giá thành túi nylon và người tiêu thụ (sử dụng túi nylon) phải trả; Tính phí thu gom và tái chế túi nylon: người sản xuất túi nylon phải trả và không được chuyển (một cách chính thức) sang người tiêu dùng thông qua giá sản phẩm.
Tất nhiên, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết. Nhà nước đặt hàng nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cho việc sản xuất các loại túi thân thiện với môi trường; có cơ chế tài chính khuyến khích doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm này. Quan trọng hơn cả là nên nghiên cứu buộc người sản xuất và tiêu dùng túi nylon có hại với môi trường phải trả phí môi trường.
Trong khi biện pháp tuyên truyền về tác hại của túi ni-lông đến cộng đồng còn chưa thu được những kết quả khả quan, việc cấm sản xuất và tiêu dùng túi ni-lông chưa khả thi trong điều kiện hiện tại, kế hoạch đánh thuế mặt hàng này hứa hẹn mang lại những hiệu quả thiết thực trong việc giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời lại có thêm nguồn thu ngân sách để cải thiện và BVMT
Sự tiện lợi của túi nylon đã ăn vào nếp sống của con người và trở nên không thể thiếu trong đời sống mỗi người dân. Việc tăng giá túi nylon cũng chỉ làm giảm bớt sự tiêu thụ và thải túi nylon ra môi trường bên ngoài trong một giai đoạn nhất định. Và xác định rõ một điều là người dân không thể không sử dụng túi nylon nên họ sẵn sang bỏ ra một khoảng chi phí để có được túi nylon sử dụng. Do đó việc đánh thuế môi trường cũng cần phải xem xét lại hiệu quả thực sự của nó.
Tìm kiếm các sản phẩm thay thế túi nylon
Trong bối cảnh các giải pháp hạn chế sử dụng túi nylon còn gây nhiều tranh cãi về tính khả thi, việc tìm kiếm một loại túi có thể thay thế túi nylon là hy vọng với tất cả những người có trách nhiệm với môi trường. Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì không ÔNMT đã bắt đầu vào cuộc. Cuối năm 2005, Công ty cổ phần văn hóa Tân Bình đã đầu tư sản xuất bao bì nhựa tự hủy theo công nghệ hiện đại của Canada. Sau đó không lâu, Công ty Phú Hòa (Bến Tre) cũng chính thức ra mắt các sản phẩm bao bì không gây ÔNMT tận dụng từ nguồn phế liệu bã mía, xơ dừa bỏ lại sau thu hoạch. Năm 2008, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phúc Lê Gia (TP. Hồ Chí Minh) cũng giới thiệu loại túi nhựa sản xuất theo công nghệ tự phân hủy sinh học Biocom. Mới đây nhất, Công ty TNHH thương mại và sản xuất nhựa Tiến Thành cũng ra mắt loại bao bì sản xuất từ bột bắp, không gây ÔNMT.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng, giá thành, cũng như ý nghĩa môi trường của các sản phẩm này. Mặt khác, chi phí sản xuất loại túi tự phân huỷ thường cao gấp nhiều lần so với túi nylon trong khi Chính phủ chưa có một sự hỗ trợ nào cho các doanh nghiệp. Với những khó khăn như vậy, người sản xuất túi thân thiện môi trường khó lòng cạnh tranh với túi nylon, còn người dân không thể tự giác ủng hộ trong điều hiện kinh tế còn eo hẹp. Tuy nhiên, trước những tín hiệu vui về sản phẩm thay thế túi ni-lông, vẫn còn rất nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng, giá thành, cũng như ý nghĩa môi trường của các sản phẩm này.
Hiện nay chúng ta chưa có quy chuẩn nào về chất lượng của các loại túi tự phân huỷ. Nhiều loại túi được quảng bá là có khả năng phân huỷ nhưng thực tế, theo ý kiến của các nhà khoa học, đó không phải là khả năng phân hủy sinh học. Những chiếc túi này chỉ có khả năng tự vỡ vụn thành những mảnh nhỏ, phát tán trong môi trường sau một thời gian bị tác động của loại hoá chất dùng trong sản phẩm. Điều này, khiến một số túi tự huỷ hiện nay trên thị trường Việt Nam gây hại cho môi trường nhiều hơn là bảo vệ môi trường. Do không bị phân huỷ sinh học, những túi tự huỷ kiểu này sẽ để lại trong đất những mảnh vụn, kìm hãm sự phát triển của các loại vi sinh vật, khiến đất chóng bạc mầu, không tơi xốp và thoái hoá. Đồng thời, do đã bị phân hoá, các mảnh nhỏ túi ni-lông sẽ càng khó thu hồi hơn.
Mặt khác, chi phí sản xuất loại túi tự phân hủy thường cao gấp nhiều lần so với túi ni-lông trong khi Chính phủ chưa có một sự hỗ trợ nào cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Hiện nay, giá thành của các loại túi, bao bì ni-lông tự hủy thường cao hơn sản phẩm thông thường. Với giá thành như vậy thật khó để người sản xuất túi thân thiện môi trường cạnh tranh với túi ni-lông và cũng khó để người dân tự giác ủng hộ trong điều hiện kinh tế còn eo hẹp.
Thiết nghĩ, đã đến lúc nhà nước cần coi chính sách ưu đãi để khuyến khích những doanh nghiệp sản xuất ni-lông thân thiện môi trường như một sách lược để bảo vệ môi trường. Như vậy, việc nghiên cứu, sản xuất loại túi này mới mong áp dụng đại trà ra thị trường với giá cả chấp nhận được.
Phân loại, thu hồi rác thải nylon để tái chế
Ngoài những giải pháp trên, phân loại, thu hồi rác thải nylon để tái chế cũng được coi là một giải pháp hiệu quả. Việc thu hồi rác tuy nhiên là một công việc cần thời gian, công sức và sự đồng lòng của cộng đồng. Chúng ta nên đẩy mạnh áp dụng việc phân loại rác ngay tại nơi xả rác như tại gia đình, tại nơi công cộng. Điều này có thể khó khăn ban đầu do thói quen và ý thức của người dân nhưng cùng với tuyên truyền và giáo dục ý thức môi trường, việc phân loại để tái chế rác thải có thể là một trong những giải pháp khả thi và hiệu quả nhất trong điều kiện hiện tại.
Hiện nay, ở TP. Hồ Chí Minh việc phân loại rác thải mới là một hoạt động thí điểm, mật độ thùng rác ở những nơi công cộng còn thưa thớt và chưa có phân loại. Các hoạt động thu gom rác thải nhựa chỉ là những hoạt động tự phát, riêng lẻ, thiếu quản lý. Điều này gây khó khăn cho việc thu hồi và tái chế rác thải nhựa.
Bên cạnh đó, cũng cần kêu gọi ý thức của các doanh nghiệp sản xuất túi ni-lông và tiến tới luật hoá nghĩa vụ của các doanh nghiệp này trong việc thu hồi, tái chế hoặc xử lý chất thải của các sản phẩm mà họ sản xuất. Hiện na, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này chưa phải chịu bất kỳ sức ép nào về trách nhiệm thu hồi và xử lý các sản phẩm qua sử dụng. Có lẽ đã đến lúc nhà nước nên ban hành quy định buộc người sản xuất loại chất thải này phải thu hồi và chịu chi phí xử lý.
Đầu tư công nghệ hiện đại để biến túi nylon thành sản phẩm hữu ích. Dùng túi nylon làm nguyên liệu cho công nghiệp xây dựng dùng trực tiếp hoặc trộn với các nguyên liệu khác để sản xuất bê tông chân đê, gạch lát đường, hay làm gạch,
Kết luận
Túi nylon ngoài những tiện lợi của nó còn có những tác động xấu đến môi trường sống. Qua những tác hại nêu trên chúng ta cần phải áp dụng triệt để những giải pháp để nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng túi nylon của người tiêu dùng. Để làm được điều này cần có sự phối hợp của người sản xuất, người tiêu dùng và chính phủ. Trong đó chính phủ đóng vai trò điều tiết của mình, cần phải có những biện pháp kinh tế cũng như hành chánh, pháp luật để khắc phục và hạn chế việc sử dụng túi nylon cũng như việc quản lý các cơ sở sản xuất túi nylon và việc nâng cao ý thức tự giác của người dân đến môi trường sống.
Tài liệu tham khảo
[1] Sở TNMT TP.HCM - Phòng QLCTR, Phiếu thu thập thông tin phục vụ Báo cáo công tác BVMT năm 2018.
[2] Chi cục BVMT TP.HCM, Phiếu thu thập thông tin phục vụ Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2018.
[3] TP. Hồ Chí Minh, Quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050 (chinhphu.vn).
TS. NGUYỄN VĂN HỒNG
Phân viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu