Hậu Giang: Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường
14/06/2023TN&MTCải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý nhà nước đã được tỉnh Hậu Giang đưa thành chiến lược phát triển quan trọng của tỉnh. Những hoạt động cụ thể về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính đã được tỉnh thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.
Những kết quả tích cực bước đầu
Trên lộ trình xây dựng và thực hiện chủ trương theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, cải cách hành chính (CCHC) và CĐS tỉnh Hậu Giang ban hành nhiều văn bản, quyết định, đề án, kế hoạch mang tính bản lề, mở đường cho việc đẩy mạnh quá trình ứng dụng công nghệ số, từng bước thực hiện CĐS, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số.
Trong số đó có thể kể đến các văn bản như: Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chính quyền điện tử, CCHC và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang; phê duyệt Đề án vị trí việc làm của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang; dự án xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2021; kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện CĐS,…
Tỉnh đã xác định 3 nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2020 - 2025, trong đó nhiệm vụ thứ ba nêu rõ: “Thực hiện CCHC mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện CĐS các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động KT-XH”. Các nghị quyết cao nhất trong lộ trình thực hiện mục tiêu nhiệm vụ trên đã được tỉnh Hậu Giang ban hành, như: Nghị quyết về xây dựng Chính quyền điện tử và CĐS tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Hậu Giang đạt được một số kết quả tích cực trong việc ứng dụng CNTT phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, bao gồm: Triển khai Cổng Dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử tại 18 sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã. Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 136; số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 1.260; số dịch vụ công trực tuyến đã tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia là 622.
Hệ thống quản lý văn bản cũng được triển khai tại 458 đơn vị trong tỉnh, với hơn 5.900 người tham gia. Hệ thống thư điện tử công vụ được sử dụng cho 10.524 tài khoản cán bộ công chức, viên chức và tài khoản cho hệ thống xác thực tập trung sử dụng cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Ứng dụng di động Hậu Giang (Hậu Giang App) cũng có số lượng lớn sử dụng, tải về 31.000 lượt với hơn 500 tài khoản cán bộ đăng nhập.
Cổng thông tin điện tử của tỉnh có lượt truy cập trung bình hàng ngày khá cao, 8.900 lượt. Hệ thống báo cáo KT-XH đang được triển khai thí điểm cho các sở, ban, ngành sử dụng. Hệ thống này đã kết nối với hệ thống báo cáo của Chính phủ và đang phối hợp các sở ngành xác định bộ chỉ tiêu để chuyển dữ liệu về hệ thống báo cáo của Chính phủ. Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng nâng cấp hạ tầng CNTT cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, mở rộng hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh đến cấp xã, xây dựng và nâng cấp các nền tảng dùng chung, mở rộng, nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến,…
Trong hoạt động giám sát, điều hành đô thị thông minh của mình, Hậu Giang tiếp tục nâng cấp, quản lý và vận hành Trung tâm Dữ liệu, Cổng Thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công, Quản lý văn bản, Hệ thống thư điện tử công vụ, Hệ thống ứng dụng di động Hậu Giang App,… triển khai ứng dụng nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia tại tỉnh Hậu Giang (PayGov), triển khai và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị về quy trình sử dụng biên lai điện tử trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Một cửa điện tử; Triển khai và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị quy trình xử lý thanh toán thực hiện nghĩa vụ đất đai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia,… và nhiều hoạt động khác.
Nỗ lực chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường
Thực hiện CĐS ngành TN&MT, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tất cả các văn bản đi, đến được cập nhật, xử lý trên môi trường mạng (trừ văn bản mật); 100% ý kiến chỉ đạo được theo dõi và xử lý trên môi trường mạng; 100% đơn thư và khiếu nại đủ điều kiện xử lý, giải quyết được cập nhật trong Hệ thống quản lý công tác tiếp dân và xử lý đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh. Cùng với đó, 100% dịch vụ công được đưa lên trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm thiết bị di động; 50% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm thiết bị di động.
Tỉnh Hậu Giang đề ra nhiều giải pháp như nghiên cứu, áp dụng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật bảo đảm xây dựng ngành TN&MT số. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng; tạo lập hành lang pháp lý để phát triển dịch vụ nội dung số về TN&MT.
Tỉnh đã có quy chế về Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hậu Giang đối với dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tổ chức, cá nhân điền các mẫu đơn trực tuyến, đính kèm các giấy tờ liên quan (được chứng thực điện tử từ bản chính) và gửi hồ sơ trực tuyến qua Hệ thống. Cán bộ tại Bộ phận Một cửa tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Hệ thống và gửi Phiếu hẹn trả kết quả qua Hệ thống.
Đến nay, về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực TN&MT, tỉnh Hậu Giang thực hiện kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục thủ tục “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận”, đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình và thống nhất mô hình, cách thức triển khai kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Về tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022 theo danh mục quy định, Hậu Giang đang rà soát, chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình với hai thủ tục: Đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do thay đổi về nghĩa vụ tài chính.
NGUYỄN HỒNG DÂN
Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang
Nguồn: Tạp chí TN&MT số Kỳ 2 tháng 5 năm 2023