Hà Nội sẽ phân vùng phát thải để hạn chế xe máy hoạt động, tiến tới dừng hẳn
29/10/2024TN&MTTP Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng ở các quận vào năm 2030 theo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội từ năm 2017. Cùng với đó, thành phố sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải.
Nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024 và giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn Hà Nội. Theo dự thảo, vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí. TP Hà Nội đưa ra 5 tiêu chí để xác định vùng phát thải thấp, gồm: khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và mật độ dân cư cao; khu vực đang ô nhiễm không khí vì nguồn phát thải giao thông; khu vực có hạ tầng đáp ứng được phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông phù hợp, thuận tiện, khoa học; khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện; khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.
Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do có quá nhiều xe máy lưu thông
Trên cơ sở các tiêu chí trên, TP Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng ở các quận vào năm 2030 theo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội từ năm 2017. Cùng với đó, thành phố sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải. Thống kê của Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 8 triệu phương tiện ô tô và xe máy, trong đó gần 1,5 triệu ô tô; tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của Hà Nội là 4,5%/năm, riêng ô tô khoảng 10%.
Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm không khí đang là vấn đề đáng lo ngại của TP Hà Nội khi nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội cao khoảng 50 μg/m3 (gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 5 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới). Trong đó, giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất, chiếm từ 58 - 74% nồng độ bụi mịn PM2.5. Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy nếu nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng thêm 10 μg/m3 thì tỷ lệ ung thư phổi sẽ tăng đến 36%. Bụi mịn PM2.5 xâm nhập vào cơ thể qua hệ thống hô hấp khi con người hít thở, các hạt bụi mịn sẽ đi vào cơ thể, ảnh hưởng tới các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu làm tăng nguy cơ phát bệnh ở hệ thống hô hấp, tim mạch.
Theo sggp.org.vn