Hà Nội: Khắc phục hậu quả sau bão số 3 Yagi
08/09/2024TN&MTTheo thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, tối 7/9 là thời điểm bão số 3 tác động mạnh nhất vào đất liền. Lúc 20 giờ, vị trí tâm bão số 3 khoảng 21,0 độ vĩ bắc; 105,8 độ kinh đông, trên đất liền Thủ đô Hà Nội. Sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 kèm theo giông lốc, mưa lớn khiến cây tại nhiều khu vực của Hà Nội bị quật đổ. Lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả của bão số 3 ngay trong đêm.
Từ 6h30, ngày 8/9, phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã đi thực tế tại một số tuyến phố trên địa bàn TP. Hà Nội để ghi nhận những hình ảnh sau cơn bão đi qua.
Cơn bão đã gây ra nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân
Cây đổ chắn ngang đường ngay đầu đường Phùng Hưng - Trần Phú, Hà Đông
Cây đổ trên đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy
Khắc phục hậu quả sau bão số 3 Yagi
Khu vực phố Lê Lai và Đinh Tiên Hoàng cây đổ chắn hết đường đi
Cây xanh và biển tên phố bị gió bão quật đổ
Nhiều quầy bánh trung thu trên vỉa hè Hà Nội cũng bị gió bão đánh sập hoàn toàn
Bão số 3 Yagi cũng gây tình trạng ngập úng tại một số nơi
Cảnh tượng hoang tàn, nhiều tuyến đường tắc nghẽn do cây cối gãy đổ, các công trình công cộng bị hư hại
Khung cảnh tan hoang tại đoạn đường trước sân vận động Mỹ Đình
Khung bảng quảng cáo bị giật đổ trên đường Tràng Tiền
Cây đổ chắn ngang đầu ô tô tại đường Tô Hiệu, Hà Đông
Xót xa cây đổ đè lên ô tô trong bão
Cây đổ chắn ngang nút giao Quang Trung đường vào chợ Vồ, quận Hà Đông
Cây đổ chắn ngang phố Nguyễn Viết Xuân, Hà Đông
Hàng cây hai bên đường vốn xanh rợp bóng mát giờ đây đã trở nên hoang tàn
Lực lượng chức năng thu dọn một số cây xà cừ rất lớn bị đổ ngang ra đường Chu Văn An, quận Hà Đông
Lực lượng chức năng dọn cây xanh bị đổ tại phường Phúc La, Hà Đông
Khẩn trương đánh giá thiệt hại, khắc phục hậu quả sau bão số 3
Đêm ngày 7/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp giao ban thứ 4 trong ngày của Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3, nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về công tác thống kê thiệt hại, triển khai biện pháp khắc phục hậu quả sau bão.
Tại thời điểm đêm qua, vị trí tâm bão số 3 ở phía bắc Hà Nội với sức gió cấp 8, giật cấp 10 và tiếp tục đi về hướng tây qua Vĩnh Phúc, Phú Thọ, suy yếu nhanh với sức gió cấp 6-7; gió mạnh ở Hà Nội không còn nữa, gió chỉ ở mức cấp 4-5, mưa giảm nhiều. Đến 2h sáng 8/9, bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Các tỉnh Bắc Bộ đang có mưa khoảng 200 mm, nhưng khu vực tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng sẽ giảm nhanh. Mưa sẽ kéo dài ở các tỉnh đồng bằng, trung du, miền núi phía bắc ít nhất đến hết ngày 8/9, riêng các tỉnh phía tây Bắc Bộ (Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình) thì mưa có thể kéo dài sang ngày 9/9.
Sóng biển khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng phổ biến mức 2-4 m, gió cấp 7, giật cấp 8-9, đến hôm nay (8/9), gió và sóng sẽ giảm để triển khai các phương tiện tìm kiếm, cứu nạn tàu, thuyền, người bị mất tích trên biển.
Các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đã báo cáo Sở Chỉ huy tiền phương về tình hình mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3, các biện pháp phòng chống bão đã triển khai, một số thiệt hại về cây cối, nhà cửa, cây trồng nông nghiệp…
Theo báo cáo nhanh của thành phố Hà Nội, bão số 3 làm 3 người chết, 8 người bị thương; 19 nhà, ki-ốt bị tốc mái; hư hỏng 7 xe ô tô; hàng nghìn cây gãy đổ; ngập 1.700 ha lúa…
Sau khi nghe báo cáo của các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn sau hoàn lưu bão số 3.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, đến thời điểm này có thể khẳng định bão số 3 đã suy yếu nhanh, các địa phương phải khẩn trương triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả. Các tỉnh như Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, thành phố Hải Phòng phải khẩn trương nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền bị trôi dạt, chìm trong bão, người mất tích.
Các địa phương phải huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương dọn dẹp, thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.
Phó Thủ tướng nhắc nhở các địa phương tiếp tục bám sát thông tin dự báo về lũ, bản đồ nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo hoạt động vận hành các hồ chứa, không để lũ chồng lũ.
Sỹ Tùng