Hà Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thi hành Luật Đất đai 2024
13/09/2024TN&MTCác cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng, trong việc “tiên phong” tuyên truyền, “dẫn đường” hướng dẫn người dân. Đặc biệt, là đưa những chỉ đạo, những câu trả lời của các cơ quan chức năng về Luật Đất đai đến với người dân. Là “cầu nối” giữa người dân với cơ quan chức năng trong việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024,… đó là những chia sẻ của ông Phạm Chí Thống, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường xoay quanh vấn đề triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn.
Ông Phạm Chí Thống, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam
PV: Xin ông cho biết công tác tuyên truyền, thi hành Luật Đất đai 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện nay được triển khai như thế nào?
Ông Phạm Chí Thống: Khi có kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền Luật Đất đai 2024 qua nhiều hình thức.
Đặc biệt, chúng tôi đã tổ chức hội nghị mời Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường về triển khai 02 ngày. Hội nghị này được truyền hình trực tiếp và trực tuyến ở tất cả các điểm cầu của các xã, phường, thị xã, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, chúng tôi trả lời câu hỏi trên báo, đài phát thanh, truyền hình của tỉnh. Nhằm mục đích cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Hà Nam biết được tầm quan trọng và những điểm mới của Luật Đất đai 2024. Và tuyên truyền cho người dân biết được quyền và lợi ích của mình như thế nào trong Luật Đất đai mới đã có hiệu lực.
PV: Những vướng mắc về đất đai trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được Luật Đất đai 2024 tháo gỡ như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Chí Thống: Luật Đất đai 2024 đi vào thực tiễn cuộc sống đã tháo gỡ những khó khăn về đất đai như: Trước đây, Luật Đất đai 2013, những trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ và lấn chiếm trước ngày 01/7/2004 thì được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng Luật Đất đai 2024 kéo dài 10 năm, tức là các trường hợp lấn chiếm nhưng phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp, ranh giới rõ ràng trước ngày 01/7/2014 thì được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó, sẽ giải quyết được những thửa đất mà trước đây chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa có giấy tờ và xác định tính ổn định để xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Việc cấp giấy chứng nhận đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện mà chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân thì Luật Đất đai mới và những Nghị định về đất đai đã chi phối được những vướng mắc đó.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai đồng loạt việc rà soát, phân loại và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ dân cấp lần đầu và những hộ dân trước đây chưa đủ điều kiện, nhưng hiện nay đã được Luật Đất đai 2024 và các Nghị định đã tháo gỡ vướng mắc.
Vấn đề liên quan đến bồi thường hỗ trợ tái định cư, người dân rất mong chờ Luật Đất đai 2024 vì nó đảm bảo quyền lợi mà trước đây một số văn bản cũng như Luật Đất đai 2013 chưa chi phối hết được những tồn tại cũng như vướng mắc khi triển khai thực hiện về đất đai. Nhưng đối với Luật Đất đai 2024 và các Nghị định về đất đai đã quy định rất cụ thể và mong muốn của người dân về giá đất sát với giá thị trường để khi bồi thường tái định cư, người dân có đủ điều kiện ra nơi ở mới tốt hơn nơi cũ.
Và còn nhiều quyền lợi khác liên quan đến quản lý đất đai cũng như quyền lợi hợp pháp của người dân trong quá trình sử dụng đất mà lịch sử để lại chưa giải quyết được vấn đề này,… thì Luật Đất đai 2024 đã cơ bản giải quyết được những tồn tại nêu trên tại tỉnh Hà Nam.
PV: Vậy xin ông cho biết, việc ban hành Khung giá đất tại Hà Nam được triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Chí Thống: Về quy định của Luật, Nghị định cũng như các chủ trương khi xây dựng bảng giá đất phải sát với giá thị trường là mục tiêu đầu tiêu và tùy tình hình thực tế tại các địa phương.
Đối với tỉnh Hà Nam hiện tại vẫn sử dụng bảng giá đất cũ, giai đoạn 2020-2024 và có hệ số. Do vậy, khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư cũng chỉ cơ bản và chưa tiệm cận được giá thị trường. Nhưng, hiện tại chúng tôi đang xây dựng kế hoạch năm 2025 xây dựng bản giá đất cơ bản và tương đối với giá thị trường.
Mặt khác, theo Luật Đất đai 2024, từ 01/01/2026, mới thực hiện bảng giá đất theo Luật Đất đai mới. Chính vì vậy, hiện tại chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để năm 2025 xây dựng bảng giá đất hàng năm đáp ứng được nhu cầu thực tế và thị trường từng địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
PV: Luật Đất đai 2024 đi vào thực hiện từ 01/8/2024 đã tác động như thế nào đến thu hút đầu với các dự án kinh tế trên địa bàn như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Chí Thống: Từ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, với quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Nam quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành và trực tiếp sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam khẩn trương tham mưu các văn bản, quy định cho tỉnh để kịp thời ban hành thực hiện thu hút đầu tư.
Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung tham mưu cho UBND tỉnh Hà Nam ban hành 10 quyết định về đất đai. Trong đó, có công tác giải phóng mặt bằng được tỉnh Hà Nam triển khai tốt hơn và thu hút đầu tư nhanh nhất có thể.
Đối với Hà Nam, thời gian qua, các nhà đầu tư hết sức quan tâm. Bởi vì, sự quyết liệt của UBND tỉnh trong việc tăng cường các chính sách sát với thực tế. Song song với đó là, bám sát Luật Đất đai 2024 để thu hút đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư trên toàn quốc đến đầu tư tại Hà Nam.
Đặc biệt, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của Hà Nam nhiều dự án còn nhanh trước thời hạn. Chính vì vậy, tạo được động lực cho các nhà đầu tư tìm đến.
PV: Theo ông, vai trò của các cơ quan báo chí trong việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 như thế nào?
Ông Phạm Chí Thống: Theo quan điểm cá nhân tôi, Luật Đất đai 2024 mở ra nhiều quyền lợi của người sử dụng đất và đảm bảo tính công khai, minh bạch hơn, tháo gỡ những vướng mắc mà Luật Đất đai 2013 chưa cụ thể hoá được.
Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai, các cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng, trong việc “tiên phong” tuyên truyền, “dẫn đường” hướng dẫn người dân. Đặc biệt, là đưa những chỉ đạo, những câu trả lời của các cơ quan chức năng về Luật Đất đai đến với người dân. Là “cầu nối” giữa người dân với cơ quan chức năng trong việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024.
Từ đó, các ngành, các cấp biết được tầm quan trọng và hiểu được Luật Đất đai; người dân biết được quyền lợi của mình khi thực hiện Luật Đất đai 2024.
PV: Vậy, ông có khuyến nghị gì để Luật Đất đai 2024 đi vào cuộc sống phát huy được hiệu quả cao nhất trên địa bàn tỉnh Hà Nam?
Ông Phạm Chí Thống: Hiện tại, Luật Đất đai 2024 đang được triển khai một cách đồng loạt. Các cấp, các ngành, người sử dụng đất rất quan tâm đến vấn đề này.
Để Luật Đất đai và các Nghị định đi vào cuộc sống hiệu quả nhất, mong muốn của tôi là các cơ quan, ban, ngành, các cấp, người sử dụng đất hiểu đúng về bản chất của Luật Đất đai 2024. Lúc đó, Luật Đất đai 2024 mới phát huy hiệu quả và đúng như mong muốn của cơ quan xây dựng, ban hành Luật Đất đai 2024 và các nghị định hướng dẫn chi tiết về Luật Đất đai.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nhất Nam