GS,TS. Phan Đình Tuấn: Sẽ phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm của mình để giải quyết vấn đề khoa học khó khăn nhất
05/02/2024TN&MTNgày 21/1, tại trụ sở Khu liên cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đã gặp mặt Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực miền Trung và miền Nam. Tại buổi gặp mặt, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đang công tác trong và ngoài Bộ đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, thiết thực đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu ý kiến đóng góp của GS.TS. Phan Đình Tuấn, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh.
GS.TS. Phan Đình Tuấn phát biểu tại buổi gặp mặt
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức gặp mặt Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khu vực phía Nam đã mang lại niềm động viên rất lớn, sự quan tâm kịp thời của Lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong Ngành, trong đó có đội ngũ các nhà khoa học.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực trong thực thi triển khai nhiệm vụ giảm phát thải bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa cam kết này gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Các tổ chức quốc tế đưa ra những định chế buộc chúng ta phải thực hiện như chuyển đổi xanh, nếu sử dụng năng lượng tái tạo hoặc nhiên liệu hoá thạch sẽ không được giúp đỡ và tài trợ. Đây là cái khó của nước ta cũng như những nước đang có trình độ phát triển thấp hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Vì vậy, các nhà khoa học cần có trách nhiệm đóng góp nhiều hơn vào thực hiện các nhiệm vụ nặng nề của ngành Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới.
Hiện nay nước ta đang khuyến khích và huy động sự đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào xử lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý xả thải. Trong quá trình thực hiện phát sinh những vấn đề mới, khó, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề giải quyết. Do đó, những nhà khoa học cần xây dựng và chuyển giao những công nghệ mới, đảm bảo doanh nghiệp có thể xử lý chất thải hoặc quản lý tài nguyên một cách có hiệu quả, như vậy mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ.
Với tinh thần như vậy, đội ngũ những nhà khoa học xin hứa với Bộ trưởng sẽ phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm của mình để giải quyết vấn đề khoa học khó khăn nhất, thiết thực nhất giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp có thể ứng dụng các công nghệ vào thực tiễn, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội, cũng như đảm bảo môi trường lành mạnh sạch sẽ.
Các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ cố gắng góp sức mình trong việc hiến kế cho Bộ thực hiện xây dựng chính sách ngày càng hoàn thiện hơn, đi vào cuộc sống, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội.
T.Q