Gỡ vướng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khai thác đá hoa chế biến sâu
19/09/2023TN&MTĐể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, đề nghị xem xét những bất cập hiện nay trong quá trình khai thác đá hoa trắng để có những quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn nhằm ưu tiên cho doanh nghiệp đã và đang đầu tư dự án chế biến khoáng sản
Hàng năm các doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác đối với phần trữ lượng được cấp phép ngay khi giấy phép có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trước khi nhận giấy phép, doanh nghiệp không thể khai thác ngay hoặc đưa mỏ vào hoạt động bởi phải thực hiện thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng để được giao đất, cho thuê đất (có những dự án mất cả chục năm). Như vậy, kể cả khi không tổ chức khai thác được hoặc khai thác không đạt công suất cấp phép, doanh nghiệp vẫn phải nộp khoản tiền này, tạo áp lực, khó khăn tài chính đáng kể cho doanh nghiệp khi không có doanh thu mà vẫn phải nộp khoản tiền này vào ngân sách.
ảnh minh họa
Mặt khác, đối với đá khối liên quan đến tỷ lệ thu hồi thực tế từ kết quả khai thác so với tỷ lệ thu hồi được phê duyệt trữ lượng từ báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản, cụ thể: Tỷ lệ thu hồi đá khối (có khối tích >0,4 m3) khai thác được rất thấp (trung bình đạt 3-5%; có những mỏ không có sản phẩm thương mại) trong khi trữ lượng đá khối làm đá ốp lát được phê duyệt thường được xác định đạt 20-30% trên tổng khối của mỏ; điều này dẫn đến khối lượng đá tính tiền cấp quyền khai thác phải nộp cao gấp 5 đến 15 lần so với khối lượng đá khối thực tế khai thác được.
Như vậy, doanh nghiệp phải nộp một khoản tiền lớn (gấp từ 5 đến 15 lần) để được cấp quyền cho loại đá mà thực tế không có được. Đây là một gánh nặng tài chính khổng lồ cần phải được đánh giá rất nghiêm túc. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia xem xét thực trạng này trong khai thác đá hoa trắng tại Việt Nam.
Về giá tính thuế tài nguyên khoáng sản và phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, quy định hiện hành của pháp luật về thuế tài nguyên cũng như phí bảo vệ môi trường chưa làm rõ và đưa ra mức giá cho từng mỏ khoáng sản cụ thể căn cứ vào chất lượng (hàm lượng) và điều kiện địa chất, điều kiện khai thác, hạ tầng kỹ thuật của mỏ để xác định mức giá cho phù hợp với đặc điểm của từng mỏ là chưa phù hợp gây bất lợi cho các mỏ cho chất lượng thấp, điều kiện kỹ thuật khai thác khó khăn (chi phí đầu tư lớn). Như vậy, sẽ không thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư công nghệ khai thác, chế biến để thu hồi tối đa khoáng sản có chất lượng thấp, nhất là đối với khối lượng đá dư thừa do không đạt quy cách như hiện nay.
Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, đề nghị xem xét những bất cập hiện nay trong quá trình khai thác đá hoa trắng để có những quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn nhằm ưu tiên cho doanh nghiệp đã và đang đầu tư dự án chế biến khoáng sản (nhất là Nhà máy chế biến hoạt động ổn định từ 3-5 năm).
Tống Minh Hiểu
Đại diện Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An