Giúp phụ nữ phát triển sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu sau ảnh hưởng của Covid-19
28/02/2022TN&MTNgày 28/2, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức đối thoại chính sách về “Hỗ trợ phụ nữ tái phát triển sinh kế thích, ứng biến đổi khí hậu sau ảnh hưởng dịch Covid-19” tại Hà Nội.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe phát biểu tại Đối thoại.
Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay do các cơ quan Liên hợp quốc ở Việt Nam tổ chức với chủ đề toàn cầu “Bình đẳng hôm nay, vì một ngày mai bền vững”.
Chủ đề toàn cầu năm 2022 nhằm ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới, những người đang đứng đầu trong công tác thích ứng, giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm xây dựng một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người.
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, nhấn mạnh: “Vẫn còn những định kiến giới đối với vai trò, năng lực và đóng góp của phụ nữ trong các hoạt động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong gia đình, cộng đồng, có mối quan hệ gần gũi với những người xung quanh, cũng có khả năng tạo ra nguồn lực để thích ứng và giảm nhẹ thiên tai. Chính vì vậy, phụ nữ cần được trao quyền để đáp ứng nhu cầu riêng của họ giúp bản thân, gia đình và cộng đồng đối phó với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra”.
Chia sẻ tại sự kiện, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Ann Mawe cho biết, đất nước này là quốc gia đầu tiên theo đuổi “Chính sách đối ngoại nữ quyền”. Chính sách này đã chuyển đổi sang một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết bất bình đẳng và tập trung vào nâng cao quyền, sự đại diện và nguồn lực cho phụ nữ và trẻ em gái toàn cầu. Chính phủ Thụy Điển gần đây đã công bố tăng gấp đôi đóng góp tài chính cho biến đổi khí hậu lên 1,75 tỷ USD vào năm 2025, đưa nước này trở thành một trong những nước đóng góp cao nhất cho tài chính khí hậu so với bình quân đầu người.
Bà Ann Mawe cũng nhấn mạnh “Biến đổi khí hậu là một thách thức trong thời đại của chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta là tạo ra một cộng đồng thích ứng, để họ không chỉ phục hồi sau thiên tai, mà cũng là một cách để bảo đảm rằng, bất bình đẳng giới không trầm trọng thêm”.
“Để có hiệu quả nhất, các chính sách và chương trình về khí hậu, môi trường và rủi ro thiên tai phải đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của việc ra quyết định. Bảo đảm lồng ghép giới vào các chính sách và chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai, khí hậu và môi trường thông qua thực hiện phương pháp tiếp cận toàn chính phủ, có sự tham gia của các bộ quản lý ngành, bộ máy bình đẳng giới quốc gia, các nghị sĩ, lãnh đạo các thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức và đầu mối kỹ thuật chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu, môi trường và giảm nhẹ rủi ro thiên tai”, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, cho hay.
Đối thoại chính sách có sự tham gia của các khách mời từ nhiều cơ quan như: Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…
Hơn 100 đại biểu tham dự trực tuyến từ các địa phương đã đặt ra nhiều câu hỏi cho các khách mời. Các vấn đề được hỏi xoay quanh các khó khăn thách thức mà phụ nữ gặp phải trong quá trình phát triển sinh kế thích ứng với biến đồi khí hậu. Cụ thể như: tiếp cận kỹ thuật và công nghệ, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiếp cận vốn để đầu tư công nghệ máy móc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, các chương trình đào tạo nghề và tạo việc làm xanh cho phụ nữ, các chính sách và chương trình về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu ưu tiên cho phụ nữ.
Kết quả trao đổi thảo luận của đối thoại sẽ góp phần thúc đẩy đề xuất các chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Hoạt động này trong khuôn khổ dự án “EmPower: Tăng cường bình đẳng giới và quyền con người thông qua các hoạt động biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai”, do Cơ quan Hợp tác và phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ.
Theo nhandan.vn