Giảm thiểu tác hại thiên tai thời tiết, bảo đảm an toàn cho người dân vùng bão, lũ
06/01/2022TN&MTViệt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai trên thế giới. Thiệt hại nghiêm trọng nhất thường xảy ra do lũ lụt, đặc biệt là khi có sự kết hợp với các cơn bão. Bão làm nâng cao mực nước biển và gây ra hiện tượng nước dâng ở vùng cửa sông, làm ngập lụt khu vực đất nông nghiệp. Với vận tốc gió cao, các cơn bão phá huỷ nhà cửa và sóng lớn phá hoại đê biển bảo vệ các vùng đất bên trong. Mưa với cường độ cao, kết hợp với bão gây nên lũ quét, sạt lở đất, xuất hiện một cách đột ngột ở các khu định cư và thường xuyên gây ngập các vùng đất thấp. Trước tình hình đó, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương các cấp đã chủ động, tăng cường các giải pháp phòng chống hiệu quả.
Ảnh minh họa.
Diễn biến KTTV trong năm 2020 rất phức tạp, khó lường đã gây nhiều thiệt hại về người và của cả trên đất liền và trên biển, đặc biệt trong thiên tai bão chồng bão, lũ chồng lũ tại khu vực miền Trung. Trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện 13 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong đó có 7 cơn và 1 ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Trong đó, cơn bão số 9 (Molave) là 1 trong 2 cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ đã gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14 ở Quảng Trị. Trên cả nước đã xảy ra 19 đợt mưa lớn trên diện rộng, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung với lượng mưa phổ biến từ 1.000 - 2.000 mm, nhiều nơi mưa trên 3.000 mm,… Đặc biệt, đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế; 82 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với RRTT cấp 4 (tại Mường Tè, Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5.3); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long,…
Trước tình hình BĐKH, thiên tai thời tiết ngày càng khắc nghiệt, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, công tác PCTT đã đạt được nhiều kết quả, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Hệ thống văn bản QPPL PCTT đã từng bước được được bổ sung, hoàn thiện tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực quản lý và chỉ đạo điều hành hoạt động; tổ chức bộ máy được kiện toàn, phát huy vai trò tham mưu giúp Ban Chỉ đạo, Chính phủ QLNN về PCTT; hệ thống công trình PCTT, nhất là các công trình đê điều, hồ đập, thủy lợi, khu trú tránh bão đã được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn nên đã nâng cao năng lực ứng phó trong PCTT; công tác chỉ đạo, chỉ huy, tham mưu ứng phó, khắc phục hậu quả đã được quan tâm thích đáng nhất là các đợt thiên tai lớn, đã có các giải pháp nhanh chóng, kịp thời chính xác.
Thảo luận ở hội trường về KT-XH, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh tập trung nhiệm vụ phát triển KT-XH thì việc phải giảm thiểu những tác hại do thiên tai, ảnh hưởng bất lợi lớn đến phát triển KT-XH và bảo đảm an toàn sinh mạng của người dân là một yêu cầu cấp thiết và lâu dài. Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, cần chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng chống thiên tai (PCTT) như quy định về điều tra cơ bản, PCTT đối với các yếu tố tác động của BĐKH đến diễn biến thiên tai. Bảo đảm nguyên tắc cơ bản trong PCTT, trong việc lồng ghép nội dung PCTT trong quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành theo Luật PCTT năm 2013 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều năm 2020. Trên cơ sở điều tra cơ bản PCTT, cập nhật, phân vùng rủi ro thiên tai; lập bản đồ cảnh báo thiên tai, thực hiện việc quy hoạch, bố trí lại dân cư gắn với quy hoạch vùng sản xuất đối với các hộ dân vùng có nguy cơ ngập lũ, sạt lở núi và bờ biển, chịu tác hại do nước biển dâng và gắn với chính sách hỗ trợ về nhà ở, việc làm, đất sản xuất để bảo đảm ổn định lâu dài về an toàn tính mạng và sản xuất, hạn chế thiệt hại hằng năm. Đề nghị Quốc hội quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí cho các tỉnh để xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho việc di dời dân từ những vùng có nguy cơ sạt lở núi, bờ sông, bờ biển, lũ ống, lũ quét,... Tăng cường nguồn lực về phương tiện, thiết bị, lực lượng chuyên nghiệp bảo đảm các yêu cầu cơ bản trong công tác PCTT, ứng phó với sự cố thiên tai. Hoàn thiện và thực hiện hiệu quả kế hoạch thực hiện chương trình cập nhật, phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước biển dâng, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn theo Quyết định số 2441/QĐ-BTNMT ngày 23/9/2019.
Trung tuần tháng 11/2020, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tổ chức lực lượng PCTT, tìm kiếm cứu nạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, quân đội và công an luôn là lực lượng lòng cốt trong ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bên cạnh đó có sự tham gia tích cực của lực lượng của các bộ, ngành như lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải, kiểm ngư và các lực lượng khác (tàu thuyền của dân). Đặc biệt, lực lượng tại chỗ ở địa phương. Thời gian qua, các lực lượng PCTT, tìm kiếm cứu nạn của trung ương và địa phương đã tập trung quyết liệt để ứng phó với thiên tai, bão lũ, và đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân. Tuy nhiên, công tác cứu hộ - cứu nạn (CH-CN) còn nhiều hạn chế, như đại biểu và cử tri đã nêu. Phó Thủ tướng nêu một số nguyên nhân: Do tính chuyên nghiệp của các lực lượng ứng phó thiên tai, CH-CN còn hạn chế. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và cứu hộ cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt khi có tình huống phức tạp, ở vùng sâu, vùng xa. Về nhiệm vụ thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác PCTT, CH-CN, bổ sung những gì còn bất hợp lý, chưa phù hợp. Yêu cầu phải có lực lượng PCTT, ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp và có trang thiết bị hiện đại để ứng phó có hiệu quả với mọi loại hình thiên tai, sự cố xảy ra. Do đó, cần tập trung củng cố lực lượng PCTT, tìm kiếm cứu nạn các cấp, trong đó hoàn thành việc xây dựng lực lượng xung kích ở cơ sở có tính chuyên nghiệp, báo cáo Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. Phải đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và đặc điểm thiên tai của từng vùng, từng địa phương. Trong đó, tập trung bổ sung sớm các máy bay trực thăng chuyên dùng cho công tác cứu nạn (máy bay trực thăng phải bay được trong điều kiện gió lớn, địa hình phức tạp); bổ sung các tàu cứu hộ, cứu nạn, nhất là các tàu cứu hộ cứu nạn xa bờ và các trang bị, phương tiện chuyên dùng hiện đại khác. Bổ sung trang thiết bị theo dõi, giám sát, phân tích, cảnh báo thiên tai (hệ thống cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất, theo dõi vận hành hồ chứa,…). Thường xuyên tổ chức diễn tập ứng phó cho các lực lượng và người dân với các loại hình thiên tai, sự cố khác nhau; khẩn trương xây dựng trung tâm điều hành quốc gia về PCTT.
Để giảm thiệt hại, phải coi PCTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong PCTT. Chú trọng quan tâm đến công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả, muốn giảm thiệt hại thì phải xác định vai trò của con người là trọng tâm. Thực hiện các giải pháp tổng hợp, đồng bộ, theo hệ thống liên khu vực, liên vùng, liên ngành, đặc biệt là ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ kết hợp với việc kế thừa những kinh nghiệm truyền thống. Nội dung PCTT phải được đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của các ngành, địa phương để giảm thiểu rủi ro. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; kết hợp giải pháp công trình, phi công trình, khôi phục và nâng cấp trong thiên tai tốt hơn; thực thi các cam kết quốc tế và Việt Nam đối với lĩnh vực này.
NGUYỄN MẪN
Tổng cục Khí tượng Thủy văn