Giảm lệ phí trước bạ ô tô: Nỗi lo vi phạm cam kết và đi ngược xu hướng
01/07/2024TN&MTĐề xuất tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ ô tô, nhưng Bộ Tài chính cũng lo về vi phạm cam kết quốc tế. Ngoài ra, theo các chuyên gia, thúc đẩy tiêu thụ xe chạy xăng, dầu đang đi ngược xu hướng Net Zero.
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, cơ quan liên quan xin ý kiến về việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1/8/2024 đến hết 31/1/2025.
Dù đề xuất giảm mức thu lệ phí trước bạ với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, nhưng Bộ Tài chính vẫn chia sẻ nhiều băn khoăn, trong đó có nỗi lo về tác động đối với cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo đó, chính sách thuế, phí, lệ phí hiện được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.
Việc thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng đến thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và các FTA.
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Cơ quan này cho biết: Trong giai đoạn áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 70 năm 2020, Nghị định số 103 năm 2021, Nghị định số 41 năm 2023, các nước có lợi ích xuất khẩu ô tô vào Việt Nam đã phản ánh việc Việt Nam đối xử không công bằng giữa ô tô sản xuất trong nước với ô tô nhập khẩu, vi phạm nguyên tắc cơ bản của WTO. Các đối tác này nhiều lần đề xuất gặp lãnh đạo Bộ Tài chính để trao đổi về nội dung này.
Đồng thời, chính sách này cũng đã được Ban Thư ký WTO đề cập đến trong quá trình rà soát chính sách thương mại WTO lần hai của Việt Nam năm 2021.
Qua đánh giá tổng kết của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chưa có quốc gia nào khởi kiện đối với việc áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước của Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho hay thời gian qua, Việt Nam đã nhận được nhiều yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu từ quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.
Bộ Tài chính cho biết, phía Việt Nam đã giải thích lý do ban hành biện pháp này là để giúp các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước vượt qua khó khăn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Đây là biện pháp tạm thời, chỉ thực hiện trong 6 tháng và hết hiệu lực vào tháng 12/2023.
Phía Việt Nam cũng thông tin, từ khi gia nhập WTO, Việt Nam chưa từng ban hành chính sách nào tương tự, nhưng đây là tình huống ngoại lệ.
Đối với việc tiếp tục gia hạn thực hiện chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính thẳng thắn nhìn nhận biện pháp này được đánh giá là vi phạm cam kết về hàng hóa giữa các quốc gia với nhau, không thuộc trường hợp tranh chấp giữa nhà đầu tư và một quốc gia. Theo đó, khả năng khiếu nại, khiếu kiện là có thể xảy ra nhưng được đánh giá là không quá căng thẳng. Việc khiếu kiện chỉ nhằm mục đích chấm dứt các biện pháp đang được áp dụng.
Trên thực tế, khi thực hiện giảm lệ phí trước bạ, Việt Nam chỉ nhận được yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc giảm lệ phí trước bạ giúp doanh số các loại xe xăng, xe chạy dầu trong nước tăng là tất yếu. Song điều này có khả năng đi ngược với xu hướng "xanh hóa" phương tiện giao thông đã được đề ra.
Điều này cũng được thể hiện tại Báo cáo "Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến Phát thải ròng bằng không" (EOR-NZ) do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) kết hợp cùng Cục Năng lượng Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch vừa phát hành.
Tại báo cáo này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra kịch bản liên quan đến Giao thông xanh. Báo cáo đánh giá: Các thành phố lớn của Việt Nam đang phải đối mặt với tỷ lệ ô nhiễm không khí cao đáng báo động và có tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe cộng đồng. Ngành giao thông vận tải cùng với các ngành kinh tế khác đóng góp đáng kể vào tình trạng này. Các tiêu chuẩn hiệu suất cao hơn, bộ lọc bụi mịn và điện hóa, cùng nhiều giải pháp khác, có thể góp phần giảm thiểu những tác động nói trên.
Trong khi đó, Chiến lược Giao thông xanh (Quyết định 876/QĐ-TTg, 2022) đặt ra các chỉ tiêu quan trọng để phát triển ngành giao thông vận tải hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Các chỉ tiêu này bao gồm tăng tỷ trọng phương thức vận tải sử dụng điện và năng lượng xanh, bắt đầu từ năm 2025, cũng như kế hoạch chuyển dịch nhu cầu vận tải sang phương thức công cộng tại các đô thị chính.
Các thông điệp và khuyến nghị chính của báo cáo là Việt Nam cần nhanh chóng điện hóa các phương tiện vận tải hạng nhẹ và sử dụng nhiên liệu tái tạo trong các phân khúc vận tải hạng nặng để giảm tác động đến khí hậu và môi trường một cách hiệu quả về chi phí.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi nhìn mức độ ô nhiễm ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra một phần nguyên nhân đến từ giao thông.
Chuyên gia này cũng kêu gọi sự đồng lòng trong phát triển "xe xanh". "Trước hết là từ Chính phủ, tại sao Chính phủ không đề ra một chương trình cho mình là đến năm bao nhiêu tất cả xe công phải dùng xe xanh, xe dùng điện chứ không dùng xe khác nữa", bà Lan gợi ý.
Việc giảm lệ phí trước bạ đối với xe xăng sản xuất, lắp ráp trong nước liên tục trong những năm gần đây đang gây lo ngại đi ngược với các khuyến nghị kể trên.
Theo vietnamnet.vn