Giám đốc Nguyễn Trọng Minh: Áp dụng công nghệ vào xử lý rác thải là xu hướng tất yếu
18/07/2023TN&MTChuyển đổi số là giải pháp tối ưu trong việc áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý quá trình thu gom, xử lý rác thải, góp phần tiết kiệm chi phí hoạt động, từ đó tăng nguồn thu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng gặp không ít khó khăn, bất cập khi triển khai, đặc biệt với những doanh nghiệp khởi nghiệp. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trọng Minh, Giám đốc (CEO) Công ty cổ phần Công nghệ Grac.
PV: Xin ông cho biết phần mềm quản lý chất thải rắn sinh hoạt Grac dành cho đối tượng nào và mang lại lợi ích gì?
Ông Nguyễn Trọng Minh: Hiện nay phần mềm quản lý chất thải rắn sinh hoạt Grac dành cho các tỉnh, thành phố, địa phương muốn chuyển đổi số về rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Chỉ cần 3-5 giây thì cán bộ hoặc lãnh đạo địa phương sẽ nắm cụ thể chi tiết một hộ gia đình hoặc chủ nguồn thải trên địa bàn về: Khối lượng rác thải phát sinh, giờ thu gom, tỷ lệ chủ nguồn thải, tỷ lệ phân loại rác tại nguồn, quản lý rác cồng kềnh, rác tái chế trên địa bàn,… Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc phòng, ban chuyên môn sẽ có đầy đủ dữ liệu quản lý và tham mưu cho lãnh đạo các hoạt động liên quan đến giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn,… Tôi tin khi áp dụng phần mềm Grac và các giải pháp phù hợp, các địa phương sẽ phân loại rác thành công theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
PV: Ông đến với lĩnh vực môi trường như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Minh: Tôi đến với ngành môi trường là có duyên. Thi đại học vào ngành hóa học, nhưng lại vào ngành môi trường, đây là may mắn. Bởi, khi vào ngành mình nhận thấy đây là ngành của tương lai, vừa có việc làm vừa có nhiều lợi ích cho môi trường và xã hội.
Ông Nguyễn Trọng Minh, CEO Công ty cổ phần Công nghệ Grac
PV: Ông có thể chia sẻ những khó khăn ban đầu khi khởi nghiệp từ lĩnh vực liên quan đến môi trường?
Ông Nguyễn Trọng Minh: Rất nhiều khó khăn, như về vốn, công nghệ, chính sách,… là những rào cản lớn. Đơn cử, nhiều khi đã chuẩn bị trước, nhưng chính sách triển khai chậm cũng khiến mình có chút nản lòng. Nhưng do, công ty tính trước xu hướng, nên đã có thành công ban đầu như hiện nay.
Thực tế, ban đầu (năm 2018) mình rất năng nổ. Bởi khi mình cung cấp giải pháp, công nghệ, ứng dụng phần mềm cho môi trường tốt hơn, và nghĩ sẽ tồn tại được vì thị trường chưa có ai làm như vậy. Nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác. Sau một thời gian, phải bỏ hết hoàn toàn và thực hiện từ đầu. Vì ban đầu, xác định đi theo hướng bảo vệ môi trường thì mình mới có thu nhập, có doanh số. Nhưng sau này, mới thấy đấy chưa phải định hướng phù hợp. Bởi, giúp khách hàng phát triển kinh tế đi kèm với vảo vệ môi trường mới là hướng đi đúng hơn.
Ví dụ, các công ty tạo ra doanh số, nhưng doanh số đó gắn với phát triển bền vững thì người ta sẵn sàng hợp tác hơn với việc cứ yêu cầu họ phải bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, nước thải,… mà không mang lại lợi ích kinh tế thì thị trường sẽ khó chấp nhận.
Về dòng vốn, công ty nào cũng vậy điều này rất quan trọng. Nếu ngay ban đầu dòng vốn tốt thì công ty sẽ tuyển được đội ngũ nhân sự hùng hậu, hạ tầng tốt hơn nhiều. Lúc đó, tâm lý thực hiện các dự án sẽ tốt hơn.
Hiện tại, bên Grac cũng như các công ty khác đang bị ảnh hưởng bởi sự khó khăn của nền kinh tế nên các doanh nghiệp phải co cụm lại, lựa chọn cái nào ưu tiên hàng đầu mới làm. Công ty cũng có những kế hoạch cho 6 tháng cuối năm nay hoặc 6 tháng đầu năm tới sẽ tăng doanh thu lên gấp 3 đến 5 lần.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 2 thành phố lớn ở nước ta, với 10 triệu dân như hiện nay thì dữ liệu đẩy lên phần mềm Grac rất lớn, việc này công ty vẫn làm được. Tuy nhiên, có bất cập lớn là phải bắt đầu từ con số không. Tức là mình quản lý từ tổ dân phố, phường và tăng lên dần. Nhưng, dữ liệu này hầu hết trên bản giấy và để đẩy hết hồ sơ này lên phần mềm cần có thời gian và công sức.
Trong khi lượng nhân viên hiện chỉ có 20 người. Muốn hoàn thành khối lượng công việc như hiện nay, công ty phải tăng lên 1,5 lần số nhân viên. Do vậy, hiện tại mỗi người đang nỗ lực hết sức để hoàn thành công việc chung.
PV: Đâu là động lực để ông và công ty vượt qua những giai đoạn khó khăn?
Ông Nguyễn Trọng Minh: Khi học môi trường (Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh), chuyên làm mảng tư vấn và đào tạo. Chủ yếu khách hàng là các doanh nghiệp, hầu như họ chỉ làm theo yêu cầu của pháp luật và chưa tự nguyện trong vấn đề bảo vệ môi trường. Nhưng khi chuyên về phần mềm Grac, mình được tiếp xúc với nhiều người dân và thấy họ rất năng nổ, nhiệt tình trong bảo vệ môi trường. Xuất phát từ cái tâm của người dân và khi mình phục vụ cho những người có tâm tình nguyện bảo vệ môi trường thì tạo cho mình nhiều động lực, tâm huyết hơn với nghề.
PV: Và những thuận lợi khi nghiên cứu áp dụng công nghệ số vào vấn đề rác thải thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Minh: Mình có thuận lợi là khi chuyển đổi số, nhà nước, các sở, ban ngành rất quan tâm. Đặc biệt, khi tiếp cận với phần mềm, lãnh đạo các quận, huyện, đặc biệt là lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rất ưng và cởi mởi trong vấn đề này. Đây là động lực để công ty phấn đấu nhiều hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ của mình và công ty phấn đấu đến năm 2025 sẽ phủ phầm mềm đến hết Việt Nam.
PV: Triết lý và giá trị cốt lõi của công ty là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Minh: Bạn có bảo vệ môi trường như thế nào đi chăng nữa, nhưng không có lợi nhuận kinh tế thì sẽ thất bại nhanh chóng. Ngay từ khi thành lập, công ty đã có doanh thu, tuy nhiên, chi phí cho đầu tư mới đang nhiều hơn nên dẫn đến công ty vẫn bị lỗ. Tuy nhiên, động lực khiến cho công ty có sức bền như hiện nay, đầu tiên là một số nhà đầu tư, họ đang dần quan tâm đến lĩnh vực phát triển bền vững và tác động xã hội. Và lĩnh vực công ty đi đang là xu hướng phát triển của xã hội.
Giá trị cốt lõi của Grac là: Minh bạch, sống xanh, thấu hiểu. Ba giá trị này sẽ giúp cho công ty cải tiến liên tục để tiếp tục phát triển. Muốn đi xa hãy đi cùng nhau và công ty sẽ kết hợp với các nhóm ứng dụng khác để kết nối với người dân trên toàn quốc.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nhất Nam