Giám đốc Dương Quốc Lương: Tăng tốc, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ điều tra trắc địa và bản đồ trên biển
31/10/2024TN&MTTrung tâm Trắc địa và Bản đồ biển (Seamap) là một đơn vị trực thuộc Cục Đo đạc và Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ TN&MT). Những năm qua, Seamap đã có nhiều dấu ấn trong điều tra định vị dẫn đường, điều tra đo vẽ bản đồ địa hình dưới đáy biển ở khắp các vùng biển của Tổ quốc và được đánh giá là đơn vị tiên phong trong nỗ lực, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phóng viên Tạp chí TN&MT đã có cuộc trò chuyện với ông Dương Quốc Lương - Giám đốc Seamap về một số công việc và khối lượng điều tra phải hoàn thành còn lại trong năm 2024. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nội dung phỏng vấn dưới đây.
Giám đốc Dương Quốc Lương
PV: Xin ông cho biết đến thời điểm này Trung tâm đang thực hiện những dự án nào và tiến độ đã đạt được đến đâu thưa ông?
Giám đốc Dương Quốc Lương:
Với nhiệm vụ Chính phủ giao, Trung tâm đang thực hiện 2 dự án, đó là: (1) Dự án “Đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 khu vực thềm lục địa từ Ninh Thuận đến Kiên Giang phục vụ nhiệm vụ quản lý biển của các Bộ, ngành, địa phương liên quan” (gọi tắt là Dự án Ninh Thuận - Kiên Giang). (2) Dự án “Đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 khu vực còn lại thuộc Vịnh Bắc Bộ phục vụ nhiệm vụ quản lý biển của các Bộ, ngành, địa phương liên quan”.
Nói về dự án này, đến nay Trung tâm đã thực hiện được 23/43 đầu mảnh bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000. Dự án dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2025.
Hiện nay, các đơn vị trực thuộc Trung tâm đang tiến hành triển khai các công việc tại thực địa. Vì năm 2024, nhiệm vụ được triển khai muộn nên Trung tâm đang rất cố gắng tận dụng thời tiết tốt trên biển, tích cực đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thành khối lượng công việc theo yêu cầu.
Còn với các nhiệm vụ chuyên môn cấp Bộ, Trung tâm đã thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ đo đạc bản đồ trong điều tra, đánh giá hiện trạng, kiểm kê và đề xuất giải pháp bảo tồn, sử dụng bền vững khu vực đất ngập nước ven biển, ven đảo (thí điểm cho 3 vùng đại diện ven biển, ven đảo Việt Nam)”. Dự án do Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ chủ trì thực hiện, Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển là đơn vị phối hợp thực hiện dự án.
Năm 2024, Trung tâm đã tiến hành thực hiện các hạng mục, khối lượng thực hiện đến thời điểm hiện tại khoảng 50%, trong đó Quý III đạt khoảng 20% (Quý I và II đã được 30%). Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đang cố gắng tận dụng thời tiết tốt trên biển, tích cực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành khối lượng công việc theo yêu cầu. Còn với nhiệm vụ đặc thù, hằng năm Trung tâm vẫn thực hiện quản lý, vận hành các trạm DGPS Đồ Sơn, Vũng Tàu.
PV: Ra biển và thực hiện những nhiệm vụ điều tra, đo đạc biển là một nhiệm đặc thù, vậy trong quá trình thực hiện, Trung tâm đã gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?
Giám đốc Dương Quốc Lương:
Rất nhiều khó khăn mà chúng tôi đã phải nỗ lực để khắc phục!. Trước hết là nguồn nhân lực, lực lượng lao động tại Trung tâm ngày càng thiếu, các đơn vị sản xuất trực thuộc rất cần lao động có trình độ cao nhưng vẫn không tuyển dụng được do chế độ chính sách còn bất cập về việc trả lương cho người lao động đầu vào; cạnh tranh với bên ngoài trong việc giữ chân lao động có chuyên môn cao cũng phần nào gây khó khăn cho việc tuyển dụng tại đơn vị;
Hiện nay, đa số người lao động đều ở độ tuổi khá cao nên mức độ sáng tạo trong công việc còn có hạn chế, mặt khác do hạn chế về tin học, ngoại ngữ nên việc cập nhật kỹ thuật công nghệ mới của lực lượng kỹ thuật chưa đạt kết quả mong muốn, khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ mới.
Mấy năm gần đây, Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn, một trong số đó là vấn đề chế độ chính sách. Kinh phí cấp hằng năm rất ít, không đảm bảo tiến độ Dự án.
Ví dụ, dự án Ninh Thuận đến Kiên Giang được điều chỉnh thực hiện trong giai đoạn 2015-2030. Tuy nhiên, do kinh phí cấp hằng năm không đủ, nên dự án đã bị chậm tiến độ. Đơn vị chưa được cấp kinh phí thực hiện từ năm 2023 do chưa được phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện.
Hiện tại Dự án Vịnh Bắc Bộ, kinh phí cấp hàng năm ít không phù hợp với kế hoạch, dẫn đến khó đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ theo lộ trình.
Nhiệm vụ quản lý Trạm GPS Đồ Sơn, Vũng Tàu, kinh phí hằng năm do Nhà nước cấp không đủ theo nhu cầu cần thiết để vận hành trạm. Việc bảo trì, sửa chữa trạm không được thực hiện do không có kinh phí dẫn đến nhà trạm và các thiết bị đều xuống cấp, hỏng hóc. Năm 2024 kinh phí tiếp tục cắt giảm so với các năm trước, dẫn đến đơn vị rất thiếu kinh phí duy trì việc quản lý 02 Trạm.
Thực tế hiện nay việc tăng lương cơ sở dẫn đến việc cào bằng thu nhập, không khuyến khích được người trẻ làm việc. Ngoài ra, tăng chi phí, giảm lợi nhuận, giảm quỹ bổ sung thu nhập, hoặc không có dẫn đến việc điều tiết thu nhập đúng người, đúng việc, thu nhập theo đóng góp hiệu quả không cao.
Bên cạnh đó, doanh thu giảm, chi phí tăng, máy móc không theo kịp công nghệ hiện đại, khó khăn trong việc tìm kiếm nhiệm vụ tự khai thác. Chế độ tiền lương thấp cùng với việc đầu tư máy móc không theo kịp yêu cầu thị trường (đòi hỏi các thiết bị, nhân lực trình độ cao) càng làm cho việc khai thác nhiệm vụ tự khai thác trở nên khó khăn.
Do đặc thù công việc, máy móc thiết bị đi biển nhanh hỏng, kinh phí tái đầu tư ít dần, chi phí tăng dần qua các năm, lợi nhuận giảm dẫn đến các khoản đầu tư, thu nhập của người lao động giảm sút.
Thời tiết trên biển cuối năm thường có giông, lốc, và bão thường xuyên, nên ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thi công, đến an toàn của người lao động sản xuất trên biển cũng như các thiết bị của các dự án, nhiệm vụ.
PV: Vậy ông có đề xuất gì với lãnh đạo Cục Đo đạc và Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam;lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường để trong thời gian tới Trung tâm có điều kiện hoạt động tốt hơn nhiệm vụ đặc thù trên biển?
Ông Dương Quốc Lương:
Để đảm bảo đúng theo tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt, chúng tôi mong muốn và đề nghị Bộ TN&MT quan tâm cấp đủ kinh phí thực hiện hằng năm, tránh phải trình Chính phủ cũng như các Bộ, ngành liên quan để xin điều chỉnh thời gian nhiều lần.
Chúng tôi cũng đề nghị Bộ cấp đủ kinh phí theo dự toán đã duyệt cho nhiệm vụ đặc thù Quản lý 02 Trạm GPS Đồ Sơn, Vũng Tàu. Cấp kinh phí cho nhiệm vụ chuyên môn đúng theo tiến độ được duyệt.
Ngoài ra, đề nghị Bộ TN&MT xem xét sớm thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018, có cơ chế phù hợp để người lao động yên tâm làm việc, thu nhập đủ bù đắp sinh hoạt phí và có tích lũy.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.
Diệp Anh (thực hiện)