Giải pháp xây dựng TP. Huế trở thành đô thị xanh quốc gia
20/10/2024TN&MTNhằm tiếp tục tìm kiếm các mô hình, giải pháp nghiên cứu thúc đẩy phát triển Huế trở thành thành phố xe đạp đặc trưng, đầu tiên của cả nước và trở thành thành phố xanh quốc gia, mới đây Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế (HueIDS) phối hợp với Viện Friedirch Naumann Foundation (FNF, CHLB Đức) tổ chức Hội thảo “Tham vấn các mô hình, giải pháp hướng đến xây dựng TP. Huế xanh, thông minh”.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Thu Trang, Cán bộ Quản lý dự án Viện FNF cho biết, những năm qua, FNF và HueIDS đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, nghiên cứu đề xuất ý tưởng và giải pháp thực tế cho sự phát triển của TP. Huế liên quan tới mô hình thành phố thông minh, thân thiện với môi trường. Chúng tôi tin rằng, với các mục tiêu bền vững, Huế hoàn toàn có thể trở thành biểu tượng của đô thị xanh quốc gia.
Hội thảo “Tham vấn các mô hình, giải pháp hướng đến xây dựng TP. Huế xanh, thông minh”
Năm 2024, FNF đã và đang đồng hành với HueIDS trong hai nghiên cứu. Một là, mô hình xe đạp chia sẻ trong khu vực thành nội Huế, không chỉ giúp cải thiện giao thông mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, mô hình này có tiềm năng phát triển phục vụ du lịch, giúp du khách dễ dàng khám phá các di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên của Huế theo cách thân thiện với môi trường. Hai là, nghiên cứu về tiêu thụ thực phẩm và năng lượng bền vững, nhằm hướng tới một đô thị xanh thực thụ, giúp Thừa Thiên - Huế tiến gần hơn tới các tiêu chuẩn đô thị xanh quốc gia.
“Trong Hội thảo lần này, FNF rất hân hạnh giới thiệu sự tham gia của chuyên gia đến từ Hàn Quốc - những người đã thành công trong các dự án đô thị thông minh và bền vững tại các thành phố như Jeonju, Jeju và Iksan. FNF cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Huế trong hành trình xây dựng thành phố xanh, thông minh. Hy vọng, với sự chung tay của các cơ quan ban ngành, các tổ chức và người dân, Huế sẽ sớm trở thành một hình mẫu thành công, góp phần phát triển bền vững cho toàn khu vực miền Trung Việt Nam”, bà Trang chia sẻ!.
Với các mục tiêu bền vững, Huế hoàn toàn có thể trở thành biểu tượng của đô thị xanh quốc gia
Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong thời gian qua, hạ tầng giao thông hai bờ sông Hương, đặc biệt ở khu đô thị mới đã thay đổi khi kẻ vạch sơn xanh giành cho người đi xe đạp. Hiện tỉnh cũng kêu gọi mọi người bình chọn Thừa Thiên – Huế là thành phố xanh trong chiến dịch “We love cities”. Hi vọng Hội thảo hôm nay có những ý kiến, tham vấn, ý tưởng để xây dựng các chính sách tốt, hạ tầng tốt, làm sao để người dân đi xe đạp, các phương tiện công cộng, thân thiện môi trường,… được cảm thấy thoải mái, vui vẻ. thuận lợi hơn.
Tại Hội thảo, nhiều tham luận liên quan đã được trình bày, như “Thực trạng phát triển xe đạp chia sẻ và các mô hình giao thông xanh tại tỉnh Thừa Thiên - Huế” (TS. Đặng Minh Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế); “Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về giao thông chia sẻ - hướng tới giao thông xanh và thông minh” (ông Kuk Cho - Trưởng phòng cơ sở hạ tầng giao thông tại Công ty LX); “Đề xuất giải pháp giao thông xanh và dự án Clean & Green Smart Hue City tại Thừa Thiên - Huế (ông Ted Kim – Giám đốc Công ty TNHH Việt Personal Mobility); “Kinh nghiệm xây dựng thành phố xanh tại thành phố Cần Thơ” (ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội thành phố Cần Thơ); “Chương trình Thành phố Xanh Quốc tế tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (ông Trần Anh Tuấn, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế).
Các đại biểu cũng đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, cho nhiều ý kiến để tiếp cận được nhiều chính sách, những định hướng, mô hình, kế hoạch hành động trong và ngoài nước để thực hiện triển khai xây dựng Huế trở thành thành phố xanh và thành phố xe đạp, để Thừa Thiên - Huế từng bước tiếp cận được những định hướng, kế hoạch hành động đó một cách rõ hơn.
Hoàng Anh