
Giải pháp khai thác cát bền vững
24/05/2022TN&MTĐồng bằng sông cửu Long là trung tâm nông nghiệp và vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam với hơn 17 triệu người, 12 tỉnh và 1 thành phố. Về kinh tế chiếm 40% sản lượng nông nghiệp, >50% nông nghiệp xuất khẩu, 52% sản lượng lúa gạo, 65 % sản lượng trái cây và 60% sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Môi trường đa dạng là nơi sinh sống của nhiều loài quý hiếm, đặc biệt là các loài chim, như sếu đầu đỏ (Grus antigone), và cá, như cá da trơn khổng lồ Mekong (Pangasianodon gigas). Việc khai thác cát đã ảnh hưởng đến sự phát triển không bền vững ở khu vực ĐBSCL. Nghiên cứu của các nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp cơ bản để quản lý khai thác cát vùng ĐBSCL theo hướng bền vững.
Thứ nhất, việc phát triển ngân hàng cát khu vực ĐBSCL để cung cấp cơ sở khoa học cho việc quản lý khai thác cát là hết sức cần thiết. Quản lý khai thác cát một cách bền vững là một giải pháp thuận thiên để giúp ĐBSCL giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, giảm thiểu tác dụng tiêu cực lên địa mạo của đồng bằng, sinh kế của người dân, an ninh lương thực, đa dạng sinh học và hệ sinh thái do thiếu trầm tích từ thượng nguồn và khai thác cát quá mức ở Đồng bằng. Tuy nhiên, việc quản lý khai thác cát chỉ bền vững khi việc cấp phép khai thác cát thay vì dựa trên kết quả đo đạc trữ lượng cát có ở đáy sông, thì cần phải dựa trên ngân hàng cát. Ngân hàng cát là cân bằng thay đổi theo thời gian giữa lượng cát đổ về đồng bằng từ thượng nguồn, lượng cát có ở đáy sông, lượng cát khai thác (cả hợp pháp và bất hợp pháp), và lượng cát đổ ra biển. Kết quả tính toán ngân hàng cát cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách biết được lượng cát có thể khai thác và vị trí khai thác mà không gây ra các ảnh hưởng tiêu cực.
Ảnh minh họa
Thứ hai, theo các nhà nghiên cứu xây dựng kế hoạch phục hồi hình thái sông ở khu vực ĐBSCL là giải pháp quan trọng. Đã có rất nhiều dự án được thực hiện bằng nhiều nguồn vốn khác nhau để giải quyết vấn đề xói lở lòng và bờ sông ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, thay vì giải quyết vấn đề gốc rễ là thiếu hụt trầm tích do xây dựng đập thủy ở thượng nguồn và khai thác cát quá mức ở ĐBSCL, những dự án này phần lớn tập trung vào công tác chỉnh trị sông với giải pháp chủ yếu là xây dựng các công trình để giải quyết vấn đề xói lở. Bên cạnh đó, các giải pháp lại được thực hiện dựa trên đánh giá ở quy mô nhỏ (một đoạn sông). Do vậy, dù đã đầu tư một nguồn kinh phí rất lớn cho các giải pháp công trình, vấn đề sạt lở bờ sông vẫn chưa được khắc phục mà thậm chí ngày càng trở nên phức tạp hơn theo thời gian.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ tiếp cận theo hướng giải quyết nguyên nhân cốt lõi là dựa trên kết quả nghiên cứu và xây dựng ngân hàng cát, kết hợp với một đánh giá toàn diện ở cấp độ toàn đồng bằng về hình thái sông dựa trên dữ liệu lịch sử từ 1998, 2008, 2018 và kết quả đo đạc, mô hình hóa từ các đơn vị tư vấn về ảnh hưởng của khai thác cát và các giải pháp công trình hiện hữu đối với thay đổi hình thái sông, … Phối hợp với TC PCTT và các đối tác cấp tỉnh, các Trường Đại học để xây dựng một kế hoạch phục hồi hình thái sông cho toàn ĐBSCL. Kế hoạch này sẽ cung cấp cho chính quyền các tỉnh những vị trí trên sông Tiền và sông Hậu cần phải cấm việc khai thác cát, những vị trí cần hạn chế và những vị trí có thể khai thác ở mức độ phù hợp để bảo toàn và phục hồi hình thái sông.
Thứ ba, giải pháp thúc đẩy công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách và công chúng về ảnh hưởng của khai thác cát không bền vững sẽ có tác động rất lớn. Thành lập mạng lưới các nhà báo mảng môi trường - thời sự - chính sách để kịp thời thông tin về các vấn đề liên quan đến khai thác cát (ở Việt Nam và trên Thế giới), tăng cường số lượng lẫn chất lượng các thông tin về khai thác cát trên truyền thông đại chúng. Nâng cao năng lực nhà báo ở mảng khai thác cát bằng cách tổ chức các buổi tập huấn, đi thực tế và tạo điều kiện để nhà báo tiếp xúc với các chuyên gia để phỏng vấn. Thực hiện các bài đăng ý kiến chuyên gia về vấn đề khai thác cát, vật liệu thay thế và các đề tài liên quan.
Ảnh minh họa
Thứ tư, việc liên kết với khối công tư để thúc đẩy vật liệu thay thế cát sông một cách bền vững. Giải pháp sẽ thực hiện đánh giá và xác định các chủ thể quan trọng chuỗi giá trị cát sông ở ĐBSCL, TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Thực hiện phân tích kinh tế vi và vĩ mô về rủi ro về xã hội và kinh tế đối với các chủ thể trong khai thác cát ở ĐBSCL. Thực hiện đánh giá về trữ lượng, tiềm năng khai thác, sản xuất cũng như hiệu quả chi phí của vật liệu thay thế cát sông một cách bền vững. Tổ chức các buổi đối thoại đa phương để thu thập ý kiến về việc áp dụng các giải pháp khai thác và sử dụng cát bền vững, kết nối các tác nhân trong chuỗi giá trị cát để thúc đẩy thực hiện các giải pháp này.
Thứ năm, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra các khuyến nghị để cải thiện chính sách và quy hoạch liên quan đến quản lý khai thác cát sông. Thông qua các hội thảo tham vấn, các đối thoại chính sách, và các kênh tham vấn khác, những kết quả đầu ra của dự án sẽ được cung cấp tới các nhà hoạch định chính sách để quản lý khai thác cát một cách bền vững ở ĐBSCL. Cụ thể, ngân hàng cát cần được tích hợp vào quy hoạch và chính sách quản lý khai thác cát.
Hương Lan