Giải pháp đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn
08/01/2022TN&MTNước sạch có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống, sức khỏe con người. Tuy nhiên, an ninh nguồn nước sinh hoạt của nước ta nói chung, nông thôn nói riêng đã, đang và sẽ còn ở mức báo động, cần sự nỗ lực của cộng đồng, ý thức trách nhiệm của người dân và quyết tâm của cả của hệ thống chính trị.
Tầm quan trọng của nước sạch và vấn đề an ninh nguồn nước
Nước sạch là tài nguyên quý giá, nhưng không phải là vô tận. Nước là cần thiết cho sự sống nhưng khi bị biến đổi, ô nhiễm có thể gây ra những hiểm họa khôn lường cho con người. Nước sạch không thể thiếu trong đời sống của con người, hàng ngày chúng ta sinh hoạt đều phải sử dụng nguồn nước sạch từ ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh,… Ngoài ra, việc sử dụng nước sạch trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp để tạo ra các thực phẩm sạch cũng là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe của con người.
Hiện nay, cấp nước an toàn khu vực nông thôn được nhà nước và nhân dân quan tâm. Việt Nam đã đạt được kết quả to lớn trong lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Sau 40 năm, từ khi được sự hỗ trợ của tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vào năm 1982, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 10% năm 1982) tăng lên gần 90% (2019), 51% sử dụng nước đạt QCVN02:2009/BYT. 44% dân số nông thôn (28,5 triệu người) được cấp nước từ các công trình cấp nước tập trung, 56% dân số nông thôn (36,3 triệu người), sử dụng công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình.
Những năm qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1566 về “Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025” nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để thực hiện Quyết định số 1566, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành một số chính sách để chỉ đạo, thực hiện chương trình nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của nhà nước và đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức UNICEF và các bộ, ngành Việt Nam đã rà soát và phân tích những rào cản về các chính sách đã chỉ rõ: Chính sách xây dựng chưa được phù hợp với điều kiện thực tế và chưa dựa trên số liệu của Bộ Chỉ số Theo dõi - Đánh giá, chưa có chương trình về xử lý, trữ nước hộ gia đình phù hợp với giá thành phù hợp cho người nông dân nông thôn. Chính sách chưa cụ thể cho vùng miền. Thiếu sự hướng dẫn về duy trì bền vững các công trình cấp nước tập trung nông thôn hoặc quy định tính bền vững an toàn về dịch vụ, bao gồm khả năng chống chịu với BĐKH, trách nhiệm giữa người sử dụng, nhà cung cấp dịch vụ và chính quyền chưa cụ thể,... Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp chính quyền cũng như người dân còn hạn chế. Nguyên nhân khiến việc sử dụng nước sạch trong sinh hoạt của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn còn bất cập và nhiều hạn chế, là do nhiều hộ dân chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Kể cả những nơi đã có hệ thống cung cấp nước sạch, nhưng mức tiêu thụ nước sạch đạt thấp do nhận thức chưa đầy đủ, bà con vẫn còn kết hợp sử dụng nhiều nguồn nước với đa phần giữ thói quen sử dụng nước giếng, nước khe suối trong sinh hoạt để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, ở một số địa phương có dự án cấp nước sạch do doanh nghiệp đầu tư, người dân phải chi trả phí đấu nối với số tiền lớn, nên nhiều hộ đã không mặn mà với sử dụng nước sạch.
Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước nông thôn
Qua thực tiễn Dự án: “Các hoạt động địa phương Việt Nam vì sức khỏe môi trường” do Viện Dân số, Sức khỏe và phát triển đang được triển khai bởi sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại nhiều tỉnh trong cả nước cho thấy, mục tiêu đặt ra nhằm nâng cao năng lực của các tổ chức địa phương và tăng cường quan hệ hợp tác trong việc giải quyết các thách thức về sức khỏe môi trường là rất thiết thực, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển bền vững. Đặc biệt, trong quá trình giải quyết những vấn đề liên quan đến nước và sức khỏe cộng đồng, các nghiên cứu của Dự án cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mới có thể đạt được chủ trương đề ra:
Thứ nhất, hoàn thiện về văn bản pháp lý và các chính sách: (1) Bổ sung “Đơn vị cấp nước dân sinh phi lợi nhuận là tổ chức địa phương, hoặc cộng đồng được giao quản lý hệ thống/trạm cấp nước sạch phục vụ cấp nước cho người dân không vì mục đích kinh doanh” vào sau khoản 5 và trước khoản 6 trong Điều 2 trong Nghị định số 117/2007/NĐ-TTg; (2) Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuy đã xác định rõ các tiêu chí nước sạch và vệ sinh nông thôn (nội dung 9 mục Phát triển hạ tầng KT-XH), nhưng trên thực tế, gần như 100% các xã không có đầu tư cấp nước sạch cho người dân. Vì vậy, cần có hướng dẫn thực hiện cho chính quyền địa phương các cấp cụ thể phần ngân sách cho nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (trích trong tổng ngân sách xây dựng nông thôn mới của mỗi xã dành khoảng 5% cho nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân). (3) Cần có hướng dẫn cho các mô hình cấp nước quy mô nhỏ (cụm dân cư, trường học do đơn vị quản lý phi lợi nhuận) xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn chống thất thoát nước và xây dựng tiêu chí đánh giá thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. (4) Đối với các đơn vị cấp nước phi lợi nhuận, cần có hướng dẫn cụ thể về kiểm soát, giám sát và hỗ trợ ngân sách công tác giám sát chất lượng nước.
Thứ hai, giải pháp công nghệ áp dụng cho công tác giám sát và kiểm soát chất lượng. Cả nước hiện có 16.342 công trình cấp nước tập trung, trong đó chỉ có 33,5% công trình bền vững, còn lại 37,5% hoạt động trung bình, 16.7% hoạt động kém hiệu quả và 12% không hoạt động. Cá biệt, vùng núi và Tây Nguyên có tới 45,2% công trình cấp nước tập trung hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, tiếp đó là Miền núi phía Bắc với tỷ lệ 34,8% và Đồng bằng sông Hồng là 18,1%. Mặc dù, Bộ Y tế có một hệ thống tổ chức đã được thiết lập tốt để giám sát chất lượng nước sinh hoạt và có năng lực kỹ thuật nhất định, nhưng trên thực tế chất lượng nước uống ở nông thôn vẫn hầu như không được giám sát.
Thứ ba, tăng cường công tác giáo dục truyền thông có hướng dẫn cụ thể, nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân về sử dụng nguồn nước và giữ vệ sinh môi trường. Đây là yếu tố rất quan trọng, bởi một khi người dân nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của nó thì những vấn đề nan giải sẽ chưa được giải quyết, thậm chí sẽ không được ứng xử một cách đúng đắn.
Thực tiễn từ các dự án đang triển khai cho thấy, các hoạt động tuyên truyền nằm trong hợp phần của Dự án nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá, quản lý chương trình đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Chương trình đã tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền cho đối tượng là lãnh đạo xã, cán bộ các ban, ngành, đoàn thể, khu dân cư, cán bộ y tế của các xã tham gia, tạo nên sự nhận thức mới trong cộng đồng. Những hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các tiêu chí “bền vững” như: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, vệ sinh gia đình, thu gom và xử lý rác thải, nước thải,… đã góp phần giúp người dân có thêm nhiều thông tin bổ ích, áp dụng vào cuộc sống thực tiễn, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình; đồng thời, góp phần xây dựng nông thôn mới bằng chất lượng cuộc sống mới với những kiến thức căn bản, khoa học trong việc sử dụng nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường.
BS. NGUYỄN TRUNG CHIẾN
Liên minh Nước và sức khỏe Việt Nam