
Gặp mặt Ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam và Ra mắt Hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa lũ
03/10/2023TN&MTChiều 3/10/2023 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam. Cũng tại sự kiện, hệ thống cảnh báo sớm dông, sét, mưa, lũ cũng đã được chính thức ra mắt. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tới dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; các nguyên lãnh đạo ngành Khí tượng Thủy văn qua các thời kỳ cùng đại diện nhiều bộ, ban ngành. GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn chủ trì buổi lễ.
Ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề: "Khí tượng Thủy văn Việt Nam 78 năm liên tục đổi mới, hiện đại hóa công nghệ phục vụ cộng đồng".
Chương trình được tổ chức trực tiếp từ Hội trường Nguyễn Xiển trụ sở Tổng cục KTTV tại Hà Nội kết hợp trực tuyến với các điểm cầu Đài KTTV khu vực, Đài KTTV Tỉnh, Trạm KTTV nơi có gần 2900 cán bộ, viên chức, người lao động toàn ngành đang ngày đêm quan trắc và theo dõi mọi diễn biến khí tượng, thủy văn, hải văn để truyền tin, dự báo, cảnh báo kịp thời đến cộng đồng.
GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày 3/10
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, GS. TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết: Thực tiễn cho thấy, hoạt động Khí tượng Thủy văn đóng vai trò quan trọng trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo vệ an ninh, an toàn, tính mạng, tài sản của nhân loại, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Liên hợp quốc.
"Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2021, nếu các nước có thu nhập thấp và trung bình có hệ thống Khí tượng Thủy văn hiện đại như các quốc gia Châu Âu, thì thiệt hại hằng năm do thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra có thể giảm tới 23.000 người cùng với hàng tỷ đô la Mỹ do việc tiếp nhận và sử dụng thông tin khí tượng thủy văn kịp thời phục vụ hiệu quả công tác điều hành, phòng, chống thiên tai", GS.TS Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Cũng theo GS.TS Trần Hồng Thái, trên chặng đường 78 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực vươn lên, liên tục đổi mới, hiện đại hóa công nghệ phục vụ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn đối với sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc và an toàn của nhân dân.
Cùng với sự phát triển khoa học, công nghệ trên thế giới, trong 20 năm qua, ngành Khí tượng thủy văn đã áp dụng những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào phục vụ nghiệp vụ như áp dụng công nghệ quan trắc từ xa qua camera, viễn thám, vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ hoạt động giám sát, dự báo, thông tin trên diện rộng nhằm nâng cao năng lực, nâng cao độ tin cậy của các bản tin dự báo, cảnh báo góp phần quan trọng vào công cuộc phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định: Trong thời gian qua, ngành Khí tượng Thủy văn đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao; góp phần quan trọng trong công cuộc phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an toàn cuộc sống, tài sản của nhân dân.
Thứ trưởng Lê Công Thành lưu ý, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến khó lường. Do đó, yêu cầu về phòng chống thiên tai, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn thành quả phát triển của đất nước cũng như nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn.
Thứ trưởng mong muốn tập thể cán bộ, công nhân viên ngành Khí tượng Thủy văn sẽ tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, chủ động, sáng tạo, tận tụy để đáp ứng những nhiệm vụ, trọng trách nặng nề, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt được các mục tiêu chiến lược ngành Khí tượng Thủy văn nói riêng và ngành Tài nguyên, môi trường nói chung đã đặt ra.
Trong khuôn khổ chương trình, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn đã giới thiệu ra mắt “Hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa lũ”. Đây là một trong những hệ thống tích hợp được nhiều loại số liệu từ hệ thống quan trắc của và hoàn toàn tự động, được xây dựng nhằm cung cấp sớm thông tin hỗ trợ công tác dự báo cảnh báo dông, lốc sét, mưa lớn nhằm phục vụ việc cảnh báo các hiện tượng Khí tượng thuỷ văn nguy hiểm có tác động tới cộng đồng.
Lễ ra mắt hệ thống hỗ trợ cảnh báo mưa lũ và dông sét
Từ hệ thống hỗ trợ cảnh báo dông sét, mưa lũ mọi diễn biến về tình hình thời tiết trên tất cả các khu vực lãnh thổ nước ta đều được theo dõi, giám sát liên tục thông qua các bức ảnh thu nhận được từ các vệ tinh quan trắc trái đất, ra đa thời tiết trong nước, mạng lưới đo mưa và mạng lưới định vị sét trên toàn quốc.
Người dự báo viên hay các cơ quan chức năng có thể nhận biết được các quá trình hình thành, phát triển và di chuyển của các đám mây đối lưu có khả năng gây mưa dông cho các khu vực. Từ hình ảnh phân tích, chúng ta thấy khu vực nào đang xuất hiện nhiều sét, thời gian xảy ra sét, phân loại sét và phân bố mật độ như thế nào, khu vực nào đang có mưa lớn, lượng mưa cực đại là bao nhiêu và diễn biến sắp tới như thế nào.
Ngoài ra, hệ thống này cũng theo dõi, kiểm soát chất lượng dữ liệu của tất cả các trạm đo mưa và khí tượng tự động trên toàn mạng lưới. Các dữ liệu quan trắc nhiệt độ và lượng mưa sẽ được so sánh, đánh giá với dữ liệu từ mô hình GSM của Nhật Bản nhằm cung cấp các thông tin đánh giá ban đầu cho các dự báo viên về mức độ tin cậy của những loại dữ liệu phục vụ công tác ra bản tin dự báo, cảnh báo sớm.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng tổ chức ký hợp tác với các nội dung trọng tâm về tăng cường trao đổi, phối hợp trong việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai thi hành pháp luật về hoạt động khí tượng thủy văn.
Cũng trong dịp này, Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức ký kết hợp tác với các nội dung trọng tâm về tăng cường trao đổi, phối hợp trong việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai thi hành pháp luật về hoạt động khí tượng thủy văn; Phối hợp nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết ở khu vực khai thác, quản lý bay; Thiết lập cơ chế liên lạc và hỗ trợ khẩn cấp trong trường hợp thiên tai nguy hiểm (bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh, lốc, sét, mưa đá,..) hoặc thảm họa liên quan đến khí tượng; Phối hợp, hợp tác cùng tham gia vào các tổ chức quốc tế có liên quan để thúc đẩy trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ của quốc tế và một số nội dung khác.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Các đại biểu chụp ảnh tại chương trình gặp mặt
GS.TS Trần Hồng Thái tặng hoa cho đội văn nghệ chúc mừng ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam
Ngày 03 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Giao thông Công chính với tên gọi Sở Khí tượng, với ý nghĩa lịch sử đã được xác định,ngày 17/12/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1821/QĐ-TTg lấy ngày 03 tháng 10 hằng năm là “Ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam”.
Phương Đông