Gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro
28/05/2023TN&MTTheo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, việc đưa vào thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở nhằm góp phần thay đổi phương thức sản xuất của người dân trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro, làm đẹp cảnh quan kết hợp với du lịch sinh thái. Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành thêm những chính sách đặc thù khác hỗ trợ ngư dân; đồng thời mong muốn, có thêm nhiều doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ ngư dân triển khai thêm nhiều mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên các vùng biển hở của tỉnh.
Tìm ra mô hình tốt, hiệu quả nhất để nhân rộng
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28.1.2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chương trình hành động số 30-Ctr/TU ngày 23.2.2022. Trong đó, xác định công tác xây dựng và triển khai Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tỉnh Khánh Hòa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế biển.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thả tôm giống tại lễ phát động Chương trình thí điểm nuôi biển công nghệ cao
Triển khai Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao, tỉnh Khánh Hòa đã từng bước phối hợp với Quỹ Thiện tâm - tập đoàn Vingroup đồng hành và xây dựng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao có sự tham gia của người dân. Ngày 24.5.2023 vừa qua, tại vùng biển hở thuộc xã Cam Lập, TP. Cam Ranh, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Lễ phát động thí điểm nuôi biển công nghệ cao và chính thức triển khai mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao, sử dụng lồng nuôi HDPE trên vùng biển hở.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh, việc đưa vào thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở nhằm cụ thể hóa Đề án Thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại tỉnh Khánh Hòa, góp phần thay đổi phương thức sản xuất của người dân trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro, làm đẹp cảnh quan kết hợp với du lịch sinh thái; từng bước thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28.1.2022 của Bộ Chính trị với định hướng, đến năm 2030 sẽ chuyển đổi 100% lồng bè nuôi truyền thống sang nuôi lồng HDPE và nuôi công nghiệp vùng biển xa bờ, ứng dụng công nghệ cao, phát triển ra xa bờ với phương thức quản lý hiện đại…
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, để nhân rộng mô hình thí điểm này, bên cạnh triển khai những chính sách đã ban hành, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành thêm những chính sách đặc thù khác hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới HDPE; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho đối tượng thủy sản nuôi trên biển; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại; hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các hộ dân tham gia nuôi biển hở... Đồng thời mong muốn, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ ngư dân trong tỉnh triển khai thêm nhiều mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên các vùng biển hở của tỉnh. Từ đó, tìm ra mô hình tối, mang lại hiệu quả nhất để nhân rộng, phát triển nuôi biển công nghệ cao tại các địa phương trong tỉnh…
Hoàn thiện hệ thống giám sát, quản lý chặt hoạt động nuôi biển hở
Theo đại diện ngành chức năng, quá trình triển khai mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở xã Cam Lập, TP. Cam Ranh, các lồng nuôi sẽ tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc thù của ngư dân nuôi biển. Chương trình sẽ có kế hoạch hỗ trợ 10 hộ dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi biển. Hiện nay, đã lựa chọn để triển khai trước 3 mô hình tại vùng biển hở của TP. Cam Ranh. Các lồng nuôi đều có hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử; các mô hình nuôi đều trang bị máy cho ăn tự động, tiến tới nuôi công nghiệp.
Nhằm triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và giúp đỡ người dân hạn chế rủi ro khi nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đang xây dựng các dự thảo nghị quyết: Quy định chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới HDPE trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè nuôi trồng thủy sản và trên các phương tiện phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển tại tỉnh. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống giám sát và quản lý chặt đối với hoạt động nuôi biển hở.
Cùng với các ngành kinh tế biển khác, nghề nuôi biển đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh vùng ven biển, đóng góp lớn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Việc triển khai mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao sẽ thay đổi phương thức sản xuất của người dân nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro, làm đẹp cảnh quan kết hợp với du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Theo daibieunhandan.vn