EVNPSC hoàn thành đại tu tổ máy 1 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình
03/01/2022TN&MTThế mạnh của Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN (EVNPSC) là sửa chữa các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, lần đầu được giao và hoàn thành đại tu tổ máy 1 của NMNĐ Thái Bình, đơn vị đã khẳng định được vị thế của EVNPSC trong việc làm chủ công nghệ để sửa chữa các tổ máy nhiệt điện. Đây là được coi là “trận đánh lớn nhất” của EVNPSC trong năm 2021. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Hà - Phó Giám đốc EVNPSC.
Ông Phan Đình Hòa - Giám đốc EVNPSC (thứ 2 từ trái sang) và ông Nguyễn Đăng Hà - Phó giám đốc EVNPSC (ngoài cùng bên phải) trực tiếp chỉ huy đại tu tổ máy 1 NMNĐ Thái Bình
Phóng viên: Thưa ông, EVNPSC vừa hoàn thành đại tu tổ máy 1 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình. Xin ông cho biết ý nghĩa của việc hoàn thành công trình này?
Ông Nguyễn Đăng Hà: Sau gần 2 tháng triển khai đại tu, chiều ngày 10/12, tổ máy 1 NMNĐ Thái Bình đã chính thức vận hành và đến chiều ngày 14/12 tổ máy 1 đã phát điện 100% công suất thiết kế (300 MW), kết thúc toàn bộ công tác thí nghiệm sửa chữa tổ máy. Việc hoàn thành tiến độ sửa chữa lớn tổ máy 1 NMNĐ Thái Bình trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp là mốc son quan trọng đối với EVNPSC, đánh dấu bước phát triển mới của EVNPSC, tạo sự tin tưởng của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và sự tín nhiệm của khách hàng trong công tác sửa chữa các nhà máy điện tại Việt Nam.
Thành công này sẽ tạo tiền đề trong công tác sửa chữa tổ máy 2 của NMNĐ Thái Bình năm 2022 và các hạng mục thuộc các nhà máy nhiệt điện khác trong những năm tiếp theo, đem lại công ăn việc làm, tăng thu nhập để người lao động tiếp tục cống hiến và gắn bó với Trung tâm trong những chặng đường tiếp theo.
Ngoài ra, đây là một trong những hạng mục sửa chữa lớn đầu tiên EVNPSC phải huy động số lượng lớn CBCNV thuộc các đơn vị sửa chữa từ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Tây Nguyên. Việc thành công của dự án này giúp cho đội ngũ kỹ sư, công nhân và cả đội ngũ quản lý của EVNPSC tăng thêm sự tự tin trong nghề nghiệp, củng cố khả năng phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc EVNPSC để thực hiện các dự án lớn. Qua công trình này, trình độ chuyên môn của đội ngũ kỹ sư, công nhân EVNPSC sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Kỹ sư EVNPSC thực hiện nhiệm vụ đại tu tổ máy 1 NMNĐ Thái Bình
Phóng viên: Để có được kết quả đó, đơn vị đã có sự chuẩn bị như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua?
Ông Nguyễn Đăng Hà: Ngay từ năm 2020 - thời điểm EVN giao nhiệm vụ sửa chữa tổ máy, EVNPSC đã lập kế hoạch chuẩn bị cho công tác đại tu tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình. EVNPSC đã tham gia nghiên cứu công tác trung tu tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình. Đầu năm 2021, EVNPSC cử hơn 30 cán bộ kỹ thuật đến tìm hiểu, học tập công tác đại tu tại NMNĐ Nghi Sơn 1 (có công nghệ tương tự NMNĐ Thái Bình). Cùng với đó, điều động những CBCNV từ các đơn vị về thực hiện công tác sửa chữa thường xuyên tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình chuẩn bị cho việc chính thức triển khai công tác đại tu tổ máy 1.
Trong năm vừa qua do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chuẩn bị đại tu tổ máy 1 bao gồm: công tác huy động nhân sự, mua sắm và cung cấp vật tư thiết bị… Tuy nhiên, EVNPSC luôn chủ động chuẩn mọi phương án đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, trong đó đã phối hợp với đơn vị phát điện thực hiện các kịch bản phòng chống dịch bệnh và đảm bảo tiến độ sửa chữa phù hợp điều kiện thực tế. Cụ thể, ban lãnh đạo EVNPSC đã ban hành phương án nghỉ tập trung phòng chống dịch Covid-19 để đảm bảo sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị cho NMNĐ Thái Bình. Công tác bố trí nơi ăn, nghỉ và các chế độ phụ cấp để đảm bảo điều kiện sinh hoạt và làm việc cho đội ngũ CBCNV tại Nhiệt điện Thái Bình đã được lên phương án chi tiết.
Phóng viên: Đại tu tổ máy nhiệt điện có khác biệt gì so với đại tu thủy điện? Đại tu hạng mục nào khó nhất và đơn vị đã vượt qua nó như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Hà: Sự khác biệt chính giữa nhà máy nhiệt điện và nhà máy thủy điện đó là công nghệ và điều đó sẽ dẫn đến những thay đổi trong quá trình đại tu tổ máy.
Căn cứ vào tính chất công nghệ cho thấy sự khác nhau cơ bản trong công tác sửa chữa nhà máy nhiệt điện và nhà máy thủy điện bảo gồm: Khối lượng công việc khi sửa chữa lớn trên một khối tổ máy thủy điện tương đương về công suất ít hơn rất nhiều so với một tổ máy nhiệt điện. Môi trường làm việc ở áp suất, nhiệt độ cao nên đặc tính cơ lý của các thiết bị tại nhà máy nhiệt điện cũng cần độ chính xác và vật liệu tốt hơn. Người thợ sửa chữa cần nắm bắt được nguyên lý về nhiệt, tính chất vận liệu, phương thức sửa chữa thiết bị, vị trí thiết bị (do nhà máy nhiệt điện có hệ thống thiết bị bơm, van dày đặc, số lượng lớn).
Bên cạnh đó, do thiết bị đường ống, bơm, van thường xuyên làm việc ở nhiệt độ cao, áp lực cao, khó bụi, môi trường axit. Chất lượng than cũng ảnh hưởng nhiều đến việc vận hành lò hơi, sinh xỉ than nhiều trong lò hơi, rơi xỉ làm thủng các ống sinh hơi hoặc quá trình vận hành hệ thống thổi bụi không phù hợp sẽ làm thủng ống sinh hơi. Trung bình khoảng hai tháng vận hành lò hơi sẽ xuất hiện sự cố liên quan đến xỉ trong lò hơi dẫn đến khối lượng công việc của lực lượng sửa chữa rất lớn.
Trong công tác sửa chữa lớn, khối lượng công việc sửa chữa, thay thế hệ thống thiết bị của tổ máy nhiệt điện lớn hơn nhiều so với thủy điện, cần huy động số lượng lớn nhân lực tham gia (trên 300 người/1 tổ máy), thời gian tách máy sửa chữa lớn khoảng 60 ngày điều này dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý, điều động nhân lực cũng như tổ chức thi công đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
EVNPSC có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đại tu tổ máy 1 NMNĐ Thái Bình thành công, đáp ứng yêu cầu, tiến độ EVN giao
Công việc khó khăn nhất là việc tháo, lắp và cân chỉnh các bộ phận cơ khí của tua-bin và máy phát, công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao, cần có sự phối hợp của nhiều nhóm công tác cũng như những kỹ sư, công nhân có tay nghề cao cùng thực hiện. Tuy nhiên, do có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về cấu tạo thiết bị, rút kinh nghiệm từ việc tham gia quá trình sửa chữa của các nhà máy khác, như là trang bị thêm cẩu gian máy, tự chế tạo một số công cụ chuyên dụng, bố trí hiện trường phù hợp,… nên công tác này đã được thực hiện tốt góp phần rút ngắn tiến độ chung của cả công trình.
Phóng viên: Để hoàn thành tiến độ của công trình, theo ông đâu là yếu tố tiên quyết nhất quyết định đến thành công của đại tu?
Ông Nguyễn Đăng Hà: Tôi cho rằng bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của Công ty Nhiệt điện Thái Bình, yếu tố quyết định nhất là sự quyết tâm và chủ động của lãnh đạo EVNPSC trong việc đặt mục tiêu phải đại tu thành công tổ máy. Bên cạnh đó là sự đoàn kết nhất trí, sự nỗ lực, sáng tạo của toàn thể CBCNV, công nhân, kỹ sư trên công trường vì thương hiệu và mục tiêu chung EVNPSC.
Về chuyên môn, đối với tất cả các hạng mục thi công sửa chữa nói chung và đại tu nói riêng để thực hiện các hạng mục đảm bảo an toàn, chất lượng và tiến độ thì cần phải tập trung vào một số nội dung công việc sau: Công tác chuẩn bị vật tư thiết bị, sắp xếp và bố trí nhân lực; tổ chức thực hiện thi công; công tác giám sát, quản lý chất lượng hạng mục; công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan tại hiện trường.
Tất cả công việc trên đã được EVNPSC thực hiện nhuần nhuyễn để công tác đại tu S1 NMNĐ Thái Bình hoàn thành theo kế hoạch góp phần nâng cao sản lượng điện cho NMNĐ Thái Bình, đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2022 và giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
XUÂN ĐỚI (thực hiện)