Duy trì ổn định hoạt động mạng lưới trạm, cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm
11/04/2024TN&MTHiện nay, hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia bao gồm hệ thống quan trắc nội địa, thu thập số liệu quan trắc và dự báo quốc tế, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống xử lý số liệu và dự báo. Dự báo nghiệp vụ tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, 07 Đài Khí tượng Thủy văn khu vực cũng như 56 Đài Khí tượng Thủy văn các tỉnh; trong năm 2023, chất lượng các bản tin dự báo luôn đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra. Các bản tin dự báo có chính xác, kịp thời tin cậy, hiệu quả hay không điều đó phụ thuộc rất lớn vào các đơn vị dự báo, quản lý mạng lưới cơ sở.
Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam Bộ: Ứng dụng giải pháp công nghệ mới nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo
Đài luôn theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết thủy văn, dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng KTTV nguy hiểm. Đặc biệt là diễn biến phức tạp của hiện tượng El Nino có thể gây những tác động tiêu cực đến thời tiết. Đài KTTV khu vực Nam Bộ đã quản lý tốt tình hình hoạt động của mạng lưới KTTV, đảm bảo duy trì chất lượng hoạt động của hệ thống trên 400 các trạm khí tượng, thủy văn tự động trên mạng lưới trắc phục vụ hiệu quả công tác dự báo trong mùa mưa, bão, lũ; tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ AI vào nghiệp vụ quan trắc và dự báo để nâng cao chất lượng bản tin dự báo và tinh gọn bộ máy.
Những năm qua, Đài KTTV đã thực hiện nghiên cứu và ứng dụng một số giải pháp công nghệ mới AI, giúp nâng cao hiệu suất làm việc, năng lực dự báo, cảnh báo, phục vụ hiệu quả công tác PCTT trên địa bàn các tỉnh Nam Bộ như: Công cụ tự động thu thập-phân tích dữ liệu ảnh mây vệ tinh Himawari và radar thời tiết Nhà Bè, hệ thống đồng hóa dữ liệu quan trắc cho mô hình dự báo thời tiết độ phân giải cao WRF, công cụ phân tích và số hóa bản đồ phân tích thời tiết...
Trong đó, bộ công cụ thu thập và số hóa dữ liệu quan trắc cũng như các ứng dụng công nghệ AI trong quan trắc và dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm diễn ra trong thời gian ngắn như mưa lớn, ngập lụt đô thị, có vai trò rất quan trọng trong hoạt động nghiệp vụ, hỗ trợ chính quyền và phục vụ nhân dân. Đài đã ứng dụng Camera để quan trắc mực nước bằng công nghệ AI. Cụ thể, hệ thống Camera sẽ được gắn tại các điểm đo mực nước, được cài đặt chế độ hoạt động truyền video và hình ảnh liên tục về máy chủ, cho phép có thể xem qua các ứng dụng trên thiết bị di động. Đồng thời trên máy chủ cài đặt phần mềm quản lý tập trung để có thể theo dõi, kiểm tra, giám sát và cấu hình thiết bị từ xa. Dữ liệu hình ảnh thu về sẽ được xử lý và chuẩn hóa lại bằng công nghệ AI, sau đó hệ thống AI sẽ đưa ra số liệu mực nước quan trắc tại trạm theo từng phút hoặc từng giờ và lưu trữ vào cơ sở dữ liệu.
Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Đài KTTV khu vực Tây Nguyên: Theo dõi, dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn
Năm 2023, Đài theo dõi, dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng KTTV thông thường và nguy hiểm, phục vụ hiệu quả công tác PCTT của khu vực Tây Nguyên. Cung cấp đầy đủ các bản tin dự báo, cảnh báo về các hiện tượng KTTV trong điều kiện bình thường và nguy hiểm cho các cơ quan, ban, ngành tại các địa phương trong khu vực và trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Năm 2024, Đài sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến KTTV trên toàn khu vực, ra các bản tin cảnh báo, dự báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm theo 3 tiêu chí về tính kịp thời, tính đầy đủ và có độ tin cậy. Cung cấp đầy đủ các bản tin dự báo, cảnh báo về các hiện tượng KTTV trong điều kiện bình thường và nguy hiểm cho các cơ quan, ban ngành tại các địa phương trong khu vực và trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, khối lượng, chất lượng sản phẩm theo danh mục đặt hàng về nhiệm vụ dự báo, cảnh báo KTTV và tổ chức nghiệm thu từng quý theo quy định.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong công tác dự báo, đặc biệt là các công nghệ dự báo khách quan và định lượng; từng bước đổi mới nội dung bản tin theo hướng định lượng, dễ hiểu, dễ sử dụng và đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai và phát triển KT-XH. Nâng cao năng lực dự báo cho các Đài KTTV tỉnh thông qua việc tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất làm việc, đào tạo dự báo viên và chuyển giao công nghệ. Giám sát các đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh các quy trình dự báo, phân cấp trách nhiệm, quy chế về chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật theo quy định. Kiểm tra kỹ thuật theo định kỳ về kỹ thuật dự báo; thực hiện công tác PCTT trước mùa mưa, bão, lũ. Tăng cường vai trò và năng lực quản lý công tác dự báo, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy trình, kỹ thuật dự báo KTTV trên khu vực.
Ông Phùng Kiến Quốc, Phó Giám đốc Trung tâm Mạng lưới KTTV quốc gia: Duy trì hoạt động ổn định mạng lưới trạm, đảm bảo chất lượng
Trung tâm Mạng lưới KTTV quốc gia đã hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ và phối hợp với các trạm rada thời tiết, ra đa biển kịp thời xử lý, giải quyết những vấn đề liên quan đến chuyên môn đối với các trạm. Vận hành các hệ thống trạm thu ảnh mây vệ tinh quỹ đạo cực và địa tĩnh HIMAWARI, đảm bảo thu nhận và cung cấp đầy đủ số liệu và sản phẩm đến các đơn vị dự báo của Tổng cục.
Trung tâm xây dựng trang thông tin điện tử đảm bảo cập nhật liên tục các loại số liệu, sản phẩm chi tiết, chất lượng cao… để hỗ trợ nghiệp vụ, trong đó nổi bật: Sản phẩm định lượng mưa tích hợp từ số liệu vệ tinh, rada và mưa tự động 1 giờ, 3 giờ…72 giờ được chuyển đến Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và SeaFFGS để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KTTV cung cấp liên tục các thông tin dự báo, cảnh báo về dông, sét và lũ quét, sạt lở đất.
Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các Đài KTTV khu vực duy trì hoạt động toàn bộ mạng lưới trạm KTTV và môi trường được giao quản lý, đảm bảo chất lượng hoạt động mạng lưới trạm từ các trạm khí tượng, thủy văn, trạm môi trường, trạm radar thời tiết, hệ thống thu ảnh mây vệ tinh khí tượng đến mạng lưới trạm định vị sét. Phối hợp chặt chẽ với Đài KTTV khu vực tổ chức quản lý và duy trì hoạt động các trạm KTTV quốc gia đảm bảo yêu cầu về khối lượng, chất lượng đáp ứng như cầu và cung cấp số liệu,…
Năm 2024, Trung tâm tiếp tục rà soát và hoàn thiện những quy trình quản lý vận hành của các hệ thống quan trắc, đặc biệt là hệ thống rada để đảm bảo hệ thống thu nhận, xử lý cung cấp dữ liệu hoạt động ổn định trong mọi tình huống, đảm bảo phục vụ kịp thời công tác dự báo cảnh báo. Trung tâm phối hợp cùng Vụ Quản lý Mạng lưới KTTV, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nghiên cứu đề xuất cụ thể nội dung quan trắc tại các trạm cơ bản. Tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV và Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nghiên cứu xây dựng các quy trình tiếp nhận, kiểm tra và đánh giá các thông tin dữ liệu quan trắc theo hướng rõ ràng. Nghiên cứu thúc đẩy, phát triển công tác thu phí thông tin dữ liệu như các thông tin thu được từ rada thời tiết, khí tượng, xây dựng quy chế quản lý dịch vụ.
QUÝ TÂM (Thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 3 năm 2024