Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
08/01/2022TN&MTĐể đảm bảo sự đồng bộ về chính sách thu phí bảo vệ môi trường với các chính sách khác có liên quan; tháo gỡ vướng mắc đối với khai thác khoáng sản hiện hành; góp phần hạn chế khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường; tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Ảnh minh họa.
Tại sao phải sửa đổi, bổ sung Nghị định thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP?
Nghị định số 164/2016/NĐ-CP (Nghị định 164) về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản (KTKS) có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Quá trình triển khai thực hiện, chính sách thu phí BVMT đối với KTKS đã góp phần nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân về BVMT; khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến sâu khoáng sản, giảm ONMT; tăng nguồn thu cho NSNN. Số thu phí BVMT tăng qua các năm: Năm 2017: 3.029 tỷ đồng; năm 2018: 3.448 tỷ đồng; năm 2019: 3.737 tỷ đồng; năm 2020: 3.576 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, chính sách thu phí BVMT đối với KTKS còn những tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Thứ nhất, cần thể chế chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước: Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong số các giải pháp phát triển khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, Nghị quyết có đề cập đến giải pháp: Hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả.
Thứ hai, thực hiện Nghị định số 164 đã phát sinh một số vướng mắc: Theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 164/20116/NĐ-CP: Mức phí BVMT đối với KTKS xác định trên cơ sở số lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong kỳ. Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 41 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản (Nghị định 158): Tổ chức, cá nhân KTKS phải lập sổ sách, chứng từ, tài liệu về kỹ thuật và tài chính để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế. Tại Điều 5 Nghị định số 164 đã quy định một số trường hợp quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí. Tuy nhiên, quy định này đã phát sinh vướng mắc trong triển khai thực hiện, cần phải sửa đổi cho phù hợp.
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 55 Luật Khoáng sản: Tổ chức, cá nhân được KTKS chính và khoáng sản đi kèm. Tại khoản 5 Điều 5 Nghị định số 164 đã quy định tính phí đối với trường hợp trong quá trình khai thác thu được thêm khoáng sản khác loại khoáng sản được cấp phép. Tuy nhiên, Nghị định số 164 không quy định căn cứ xác định tỷ lệ khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm để làm cơ sở tính phí, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, một số quy định tại Nghị định số 164 chưa bảo đảm rõ ràng, không tạo sự thống nhất trong thực hiện. Nhiều địa phương đã phản ánh vướng mắc về người nộp phí, trường hợp không phải nộp phí, phương pháp tính phí, mức phí, kê khai nộp phí, quản lý tiền phí BVMT đối với khai thác khoáng sản.
Thứ ba, một số nội dung tại Nghị định số 164 chưa bảo đảm thống nhất với Luật Quản lý thuế năm 2019 và Luật BVMT năm 2020 như sau: Tại Điều 45 Luật Quản lý thuế và Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế (NĐ 126): (i) Khai phí BVMT đối với KTKS tại cơ quan thuế nơi khai thác khoáng sản. (ii) Riêng dầu thô, khí thiên nhiên, khí than và tổ chức thu mua gom từ người khai thác nhỏ lẻ thì khai phí tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, Điều 3 Nghị định số 164 quy định cơ quan thuế quản lý trực tiếp nơi KTKS thu phí là chưa bảo đảm thống nhất với pháp luật quản lý thuế.
Tại khoản 2 Điều 136 Luật BVMT năm 2020: Phí BVMT áp dụng đối với hoạt động KTKS. Pháp luật khoáng sản đã quy định các trường hợp được phép hoạt động KTKS. Trong đó, không quy định trường hợp “Tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích KTKS,... mà thu được khoáng sản” là hoạt động KTKS. Tuy nhiên, tại Điều 7 Nghị định số 164 đã quy định thu phí với trường hợp này là chưa phù hợp với Luật BVMT.
Những đổi mới trong Dự thảo Nghị định
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 1 và Điều 3 Nghị định 164 như sau: Bổ sung cụm từ “tổ chức thu phí” vào khoản 1 Điều 1 Nghị định số 164: “Nghị định này quy định về đối tượng chịu phí, người nộp phí, tổ chức thu phí, mức thu, phương pháp tính, kê khai, nộp phí và quản lý sử dụng phí BVMT đối với KTKS”. Sửa đổi nội dung Điều 3 Nghị định số 164: “Tổ chức thu phí BVMT đối với KTKS theo quy định tại Nghị định này là cơ quan thuế nơi người nộp phí nộp hồ sơ kê khai phí BVMT đối với KTKS theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”. Khi sửa đổi như vậy, góp phần đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật về thuế, phí, lệ phí; tạo sự minh bạch, rõ ràng, thuận lợi trong thực hiện, góp phần cải cách TTHC.
Về về người nộp phí, để góp phần đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của Nghị định, bổ sung điều riêng quy định về người nộp phí:
“Điều 4. Người nộp phí:
Người nộp phí BVMT đối với KTKS là tổ chức, cá nhân khai thác các khoáng sản thuộc đối tượng chịu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản theo Nghị định này, bao gồm: (1). Tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh ngành nghề KTKS được KTKS bao gồm: a) Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp; b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã. (2). Hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ngành nghề KTKS được KTKS làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận thu khoáng sản. (3). Tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua khoáng sản mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp phí BVMT đối với KTKS thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua khoáng sản là người nộp phí”.
Nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân KTKS thực hiện phục hồi môi trường, Dự thảo bổ sung điều riêng quy định các trường hợp không phải nộp phí, bao gồm 2 trường hợp không phải nộp phí được kế thừa từ quy định tại khoản 7 Điều 5 Nghị định 164 và bổ sung thêm 1 trường hợp không phải nộp phí : “Điều 5. Các trường hợp không phải nộp phí BVMT đối với khai thác khoáng sản: (1). Tổ chức, cá nhân KTKS làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc QSDĐ của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó. (2). Tổ chức, cá nhân khai thác đất đá để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự; phòng chống thiên tai, khắc phục, giảm nhẹ thiên tai. (3). Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép KTKS sử dụng đất đá bốc xúc thải ra để cải tạo, phục hồi môi trường sau khi KTKS tại nơi khai thác theo phương án cải tạo phục hồi môi trường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức, cá nhân tự khai và tự chịu trách nhiệm về số lượng đất đá bốc xúc sử dụng cải tạo, phục hồi môi trường”.
Phương án nêu trên góp phần đảm bảo tính minh bạch, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân KTKS phục hồi môi trường sau khai thác; nâng cao ý thức BVMT và phục hồi môi trường sau khai thác của các tổ chức, cá nhân.
Nhằm hạn chế KTKS làm vật liệu xây dựng thông thường gây ONMT, Dự thảo đề xuất: Điều chỉnh tăng khung mức thu phí BVMT đối với KTKS làm vật liệu xây dựng thông thường gồm: Sỏi, cuội, sạn; đá; cát vàng; các loại cát khác; đất sét, đất làm gạch, ngói. Mức điều chỉnh: Mức thu phí tối thiểu bằng mức thu phí tối đa hiện hành; mức thu phí tối đa bằng 200% mức thu phí tối đa hiện hành.
Khung mức thu phí BVMT đối với KTKS làm vật liệu xây dựng thông thường tăng sẽ làm tăng mức thu phí BVMT đối với việc khai thác các khoáng sản này, từ đó khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế các khoáng sản, góp phần hạn chế khai thác, giảm vấn đề ONMT và nâng cao ý thức BVMT của các tổ chức, cá nhân. Việc điều chỉnh tăng khung mức thu phí dự kiến sẽ làm tăng thu NSNN từ khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khoảng 200%. Đây là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%, do đó địa phương có thêm nguồn thu để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường.
Về danh mục khoáng sản chịu phí: Biểu khung mức phí BVMT đối với KTKS và biểu khung thuế suất thuế tài nguyên còn có sự chưa thống nhất về thứ tự sắp xếp và tên gọi một số khoáng sản. Để giải quyết vấn đề nêu trên, dự thảo đề xuất: Tại biểu thuế tài nguyên có 13 nhóm khoáng sản. Tại biểu phí BVMT có 14 nhóm khoáng sản gồm 13 nhóm khoáng sản như biểu thuế tài nguyên và có thêm một dòng về cromit. Dự thảo cũng đề xuất: Bỏ nội dung quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí.
Quá trình thực hiện Nghị định số 164, một số địa phương phản ánh khó khăn trong theo dõi số liệu tự kê khai, nộp phí của doanh nghiệp. Nhiều trường hợp số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong hồ sơ mỏ không có dữ liệu để kiểm tra, đối chiếu; khó xác định số lượng quặng nguyên khai. Thông tin thực tế khai thác chủ yếu do doanh nghiệp tự kê khai, không có cơ chế giám sát, kiểm chứng, dễ gian lận dẫn đến thất thu NSNN.
Để đảm bảo chính sách minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi trong thực hiện, dự thảo bổ sung: Căn cứ kê khai của người nộp phí về số lượng đất đá bốc xúc thải ra, số lượng quặng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác trong năm khi kết thúc năm tài chính hoặc đến thời điểm chấm dứt hợp đồng KTKS, chấm dứt hoạt động kinh doanh, chấm dứt hoạt động thu mua khoáng sản, chấm dứt hợp đồng chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp hoặc tổ chức lại doanh nghiệp; trong vòng 5 ngày làm việc, cơ quan thuế có trách nhiệm chuyển cơ quan TN&MT thông tin chi tiết về số lượng đất đá bốc xúc thải ra và số lượng quặng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác theo từng mỏ của các đơn vị trong địa bàn.
Cơ quan TN&MT có trách nhiệm đối chiếu số lượng đất đá bốc xúc thải ra và số lượng quặng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác tại từng mỏ do người nộp phí kê khai với dữ liệu đã có tại cơ quan TN&MT; trường hợp số lượng khai phí không phù hợp với số lượng được phép khai thác ghi trên Giấy phép khai thác hoặc không phù hợp với số lượng thực tế khai thác không trái pháp luật hoặc thực tế thu gom hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan TN&MT sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định số lượng đất đá bốc xúc thải ra và số lượng quặng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác. Trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin do cơ quan thuế chuyển đến, cơ quan TN&MT có trách nhiệm chuyển thông tin cho cơ quan thuế để xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế.
ThS. ĐẶNG TRẦN HIẾU
Văn phòng Quốc hội