Dự thảo Luật Tài nguyên nước: Một số góp ý sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế

15/03/2023

TN&MTLuật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn. Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế cũng đã bộc lộ trong quá trình triển khai cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với thực tế, nâng cao hơn nữa hiệu quả hiệu lực, tháo gỡ khó khăn,… Việc nghiên cứu sửa đổi và ban hành mới là rất cần thiết. Có rất nhiều ý kiến tâm huyết góp ý cho dự thảo Luật Tài nguyên nước tại các hội thảo, diễn đàn. Tạp chí TN&MT đã lược ghi và giới thiệu lại một số ý kiến sau:

Dự thảo Luật Tài nguyên nước: Một số góp ý sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật; Th.S Phạm Ngọc Chính, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng): Nhìn tổng quát lần này, chúng tôi nhận thấy dự thảo Luật khá chất lượng và mang tính khả thi. Cụ thể, nhằm hoàn thiện từng bước dự thảo Luật sau khi nghiên cứu, so sánh với Luật TNN 2012 và những quy định được đề xuất trong dự thảo, một số ý kiến góp ý tập trung vào các nội dung như sau:

Phạm vi điều chỉnh của Luật: Nước dưới đất,… không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Trong Luật TNN 2012 cũng quy định như vậy. Tuy nhiên, trong dự thảo tại rất nhiều điều lại quy định nội dung quản lý có liên quan đến Nước dưới đất từ Xả thải; Khai thác; Bảo vệ; Bổ sung; Thăm dò, hành nghề; Cấp phép,… (tại các điều 11, 28 2, 5, 64…) rõ ràng không thống nhất nếu không thuộc phạm vi điều chỉnh nên rà soát lại và loại bỏ - tuy nhiên theo người góp ý nên bổ sung nếu còn thiếu và Nước dưới đất nên được điều chỉnh bởi Luật này.

Giải thích thuật ngữ: Theo khoản 1 Điều 3 về Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất,…Nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường có được xem là một loại tài nguyên không, nếu là tài nguyên cũng nên bổ sung hoặc có quy định cho loại tài nguyên này.

Quy hoạch về tài nguyên nước: Trong dự thảo Luật đã quy định mới, bổ sung hoặc làm rõ về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công bố và tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh,…Tuy nhiên, quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia,…đã được quy định trong Luật Quy hoạch 2017 và cũng được quy định lần này tại dự thảo nhưng chỉ nhắc tên không quy định cụ thể về căn cứ, nội dung nhiệm vụ, nội dung quy hoạch và trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công bố và tổ chức thực hiện Quy hoạch,… Đề nghị cần bổ sung làm rõ tại dự thảo Luật.

Liên quan đến Điều 27 về Dòng chảy tối thiểu: Đây là một nội dung mới và theo quy định tại khoản 2 Điều 27 thì Dòng chảy tối thiểu là căn cứ, cơ sở để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định nhiều nhiệm vụ quan trọng ví dụ Quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; Quy trình vận hành hồ chứa,…Cấp giấy phép,… như vậy việc xác định Dòng chảy tối thiểu phải triển khai làm trước,…Tuy nhiên, trong dự thảo không quy định thời gian nào phải làm, phải xong và thời gian công bố,…cũng như các phương pháp, các công cụ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến việc xác định (dòng chảy ở mức bao nhiêu được gọi là thấp nhất tại các sông suối liên quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh, hồ chứa, đập dâng,…). Nếu không có hoặc chưa xác định được liệu Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tỉnh và nhiều quy hoạch khác có phê duyệt được không? Vì vậy cần cân nhắc quy định tại Điều 27 này. Cũng nên rà soát về ngưỡng khai thác nước dưới đất (Điều 28) cũng có một số nội dung tương tự.

Giấy phép/Đăng ký: Có rất nhiều loại giấy phép và tên gọi khác nhau như: (1) Giấy phép tài nguyên nước; (2) Giấy phép về tài nguyên nước; (3) Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; (4) Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; (5) Giấy phép thăm dò nước dưới đất; (6) Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; (7) Đăng ký tài nguyên nước (Điều 9) và (8) Đăng ký khai thác, sử dụng nước và chấp thuận sử dụng mặt nước, các hoạt động thuộc phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ (Điều 81)…

Đề nghị rà soát lại sự trùng lặp hoặc thống nhất giữa các giấy phép, đăng ký (tên gọi, nội dung,…) mặt khác phải quy định cụ thể rõ ràng cho từng loại giấy phép bao gồm: Đối tượng phải có giấy phép; Nội dung giấy phép; Thẩm quyền cấp giấy phép; Hồ sơ trình tự, thủ tục cấp giấy phép; Cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền, thu hồi; Phí, lệ phí cấp; Quyền, trách nhiệm người được cấp và Trách nhiệm cơ quan cấp,… kể cả Đăng ký quy định tại Điều 9 và 81. Các quy định này phải được quy định trong Luật này không nên chỉ quy định như tại Điều 81 của dự thảo (nên bỏ điều này) - Ở đây cần có sự công khai, minh bạch tại Luật này nếu không cụ thể rất dễ dẫn đến tiêu cực (không nên chờ Bộ hay Chính phủ quy định).

Những quy định khác: Đánh giá khả năng chịu tải của nguồn nước (tại điểm d, khoản 3 Điều 13) của dự thảo Luật này với quy định về Đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt theo khoản 2 Điều 8 Luật BVMT 2020 có mối quan hệ gì với nhau và có thể kết hợp?. Tại điểm b khoản 2 Điều 46 cần quy định cụ thể về quy mô không nên chung chung quy định mơ hồ về quy mô nhỏ (bao nhiêu được gọi là nhỏ).

Một số nội dung mang tính kỹ thuật chuyên ngành nên để cho các Luật chuyên ngành quy định (Luật Thủy lợi hoặc Luật Cấp, thoát nước) có lẽ đầy đủ và toàn diện hơn như quy định về Hồ chứa, đập dâng,... (Điều 55) hoặc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả (Mục 3),… Luật này tập trung vào Tài nguyên nước nếu có bổ sung sử dụng tiết kiệm hiệu quả về tài nguyên nước.

Quy định tại khoản 7 Điều 62: Cần phải cụ thể hơn không chung chung như vậy ví dụ trong quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch thoát nước áp dụng các giải pháp về tạo không gian thu, trữ nước, tạo cảnh quan,… và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt chẵng lẽ khi thực hiện phải xin ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước? Không hợp lý và không nên quy định việc này.

Khoản 9 Điều 62: Giao cho Bộ Xây dựng không rõ ràng có lẽ chỉ cần quy định: “Bộ Xây dựng căn cứ chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao Hướng dẫn quy định về quản lý thoát nước mưa và chống ngập cho đô thị, các khu dân cư nông thôn tập trung, các khu công nghiệp…” là đủ.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước: Một số góp ý sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế

ảnh minh họa

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Điều 7 của Dự thảo quy định về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan khi đầu dự án xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển KT-XH, đời sống của nhân dân trên địa bàn. Việc lấy ý kiến đối với cộng đồng dân cư là rất cần thiết. Song quy định như dự thảo sẽ dẫn đến sự chồng chéo với pháp luật về đánh giá tác động môi trường. Theo quy định của Luật BVMT và văn bản hướng dẫn, các dự án xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước sẽ phải lập báo cáo ĐTM và lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức liên quan. Như vậy, quy định của dự thảo sẽ dẫn đến nguy cơ dự án phải thực hiện hai lần công tác lấy ý kiến, hoặc thực hiện một lần nhưng lại phải có hai bộ hồ sơ, gây tốn kém không cần thiết về chi phí làm thủ tục hành chính. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này. Trong trường hợp cần thiết thì sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về BVMT cho phù hợp.

Quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông có ảnh hưởng rất lớn đến quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức có sử dụng nước trong phạm vi quy hoạch. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt đang diễn ra bình thường có thể sẽ phải chấm dứt hoặc điều chỉnh với chi phí lớn chỉ vì sự thay đổi của quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông. Những nguy cơ thay đổi đột xuất này làm giảm tính ổn định của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, làm giảm khả năng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của đất nước.

Trong khi đó, dự thảo lại chưa có quy định đủ rõ ràng về việc lấy ý kiến những đối tượng tác động này trong quá trình lập quy hoạch. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về trong trường hợp quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông làm thay đổi quyền sử dụng nguồn nước thì cần phải lấy ý kiến của đối tượng đang khai thác, sử dụng nguồn nước đó. Ví dụ, một nguồn nước đang được quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp, bỗng dưng được đề xuất thay đổi sang chức năng chỉ cho sinh hoạt (không được sử dụng làm nông nghiệp nữa) thì những cá nhân, tổ chức đang sử dụng nguồn nước đó phải được lấy ý kiến. Hồ sơ lấy ý kiến phải bao gồm một trong ba tài liệu sau: (1) ý kiến của người đang sử dụng nguồn nước; (2) biên bản có xác nhận của chính quyền cấp xã về việc người đó không có ý kiến; (3) biên bản có xác nhận của chính quyền địa phương về việc không liên lạc được với người đó.

Việc ghi nhận quyền tài sản đối với quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước của các cá nhân, tổ chức trong Dự thảo hiện còn rất yếu. Điều 47.4 của Dự thảo mới chỉ quy định tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước còn được chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Chính phủ. Quy định này hạn chế rất nhiều quyền tài sản của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước hợp pháp, giảm khả năng phân bổ và tận dụng các nguồn lực để sản xuất kinh doanh. Đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng:

*Mọi tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước hợp pháp đều được ghi nhận quyền, bất kể có nộp tiền hay không nộp tiền cấp quyền, bất kể thuộc diện được cấp phép hay diện được miễn đăng ký, cấp phép.

*Quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước của các nhân, tổ chức là quyền tài sản theo pháp luật dân sự, theo đó bao gồm đầy đủ các quyền như chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, chuyển nhượng, sử dụng làm tài sản bảo đảm và các quyền tài sản khác.

Điều 48 của Dự thảo quy định về việc đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Đây là điều khoản hết sức quan trọng vì nó là cơ sở để xác lập quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, bao gồm các nghĩa vụ làm thủ tục và nghĩa vụ tài chính. Với mức độ quan trọng như vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định trực tiếp trong luật, mà không giao Chính phủ quy định ở cấp Nghị định, nhằm bảo đảm tính minh bạch, ổn định của pháp luật. Vấn đề này đã được quy định tại cấp nghị định từ Luật Tài nguyên nước 2012 và đã có đủ kinh nghiệm thực tế để có thể đưa lên cấp luật.

Điều 68.2 của Dự thảo quy định các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thuỷ, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông hồ phải được sử đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý tài nguyên nước trước. Quy định này sẽ dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền vì hiện nay, các hoạt động này đều đã phải thực hiện các thủ tục hành chính theo các pháp luật liên quan, gồm (1) thủ tục về xây dựng đối với xây dựng công trình; (2) thủ tục về khoáng sản đối với việc khai thác cát, sỏi; (3) thủ tục về giao thông đối với việc nạo vét luồng tuyến, xây dựng cầu cảng; (4) thủ tục về môi trường đối với các dự án đầu tư; (5) thủ tục về thuỷ lợi nếu có liên quan đến công trình thuỷ lợi. Theo nguyên tắc về cải cách thủ tục hành chính, mỗi vấn đề chỉ có một đầu mối phụ trách, các cơ quan khác phối hợp, đề nghị cơ quan soạn thảo trao đổi với các cơ quan liên quan, quy định theo hướng người dân và doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục một lần tại một cơ quan, các cơ quan khác phối hợp cho ý kiến và ra quyết định cùng một lúc.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương:

Dự thảo Luật Tài nguyên nước: Một số góp ý sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế

Về phần giải thích từ ngữ (Điều 3) nên bổ sung khái niệm “Căng thẳng về nước” để quy định ngưỡng tới hạn khai thác của các nguồn nước. Theo “Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tỉnh thích ứng, sạch và an toàn” của Ngân hàng thế giới, xuất bản 2019 thì “căng thẳng nước được dự báo sẽ xuất hiện ở những vùng đang tạo ra phần lớn GDP cho quốc gia” (trang XXI - Tóm tắt tổng quan). Các lưu vực đó là sông Hồng - Thái Bình, cụm sông Đông Nam Bộ và lưu vực sông Đồng Nai. Các lưu vực này đóng góp 80% GDP của Việt Nam.

Khái niệm “An ninh nguồn nước” nêu tại mục 21, Điều 3 chỉ bao gồm 2 nội hàm (1) đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ kinh tế - xã hội và (2) giảm thiểu rủi ro về thiệt hại từ thảm họa liên quan đến nước là không hoàn toàn phù hợp với các khái niệm của các tổ chức quốc tế. Ví dụ, Ngân hàng thế giới định nghĩa An ninh nguồn nước gồm 3 nội dung: (1) Tài nguyên nước được quản lý hiệu quả và bền vững; (2) Giảm thiểu các rủi ro liên quan đến nước và (3) dịch vụ nước hiệu quả, bền vững, công bằng. Rõ ràng, khái niệm đang được dùng trong Dự thảo Luật còn khá hẹp, chưa bao trùm nên sẽ giảm nhẹ mức độ quan tâm công tác quy hoạch sử dụng nước hiệu quả cũng như ngăn ngừa ô nhiễm. Từ khái niệm này dẫn đến nguyên tắc nêu trong khoản 10, Điều 5 về An ninh nguồn nước cũng mờ nhạt tương tự. Đề nghị sửa lại phần này.

Về nguyên tắc quản lý nguồn nước, tại Điều 5 của Dự thảo Luật nêu các nguyên tắc quản lý khai thác tài nguyên nước và Điều 6 lại nêu về các chính sách của Nhà nước, có nhiều nét tương đồng, nên nhập lại thành một điều là Nguyên tắc quản lý nguồn nước. Các chính sách của Nhà nước mà là văn bản dưới Luật thì không nên viện dẫn để đưa vào luật.

Về hệ thống thông tin dữ liệu (Điều 10), đề nghị cần quy định rõ mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền truy cập và sử  dụng các thông tin,dữ liệu về tài nguyên nước để tránh cơ chế xin cho hoặc thiếu minh bạch thông tin cho các nhà đầu tư. Khoản 2, mục 6, đoạn: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trợ, hỗ trợ, ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước” nên chuyển sang Điều 6 - Các nguyên tắc.

Về dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước (Điều 11), khoản 2, mục a viết khá chung chung: “a) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền,…. Phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước”. Để thể chế hóa được các nghị quyết, quan điểm của Đảng và Nhà nước thì cần nêu cụ thể là cung cấp thông tin gì, bao nhiêu lâu hoặc ai được quyền truy cập,… tránh nêu lại tinh thần của nghị quyết trong luật.

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12), Điều này liệt kê 9 hành vi bị cấm, rất chi tiết nhưng lại bị thiếu. Ví dụ, hiện tượng nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường, ngấm xuống các tầng nước ngầm nhưng không phải hanh vi xả thải trực tiếp vào môi trường thì có bị cấm không? Trong Dự thảo Luật hiện chỉ cấm hiện tượng chủ động xả thẳng chất gây ô nhiễm vào nguồn nước chứ chưa đề cập đến các hiện tượng gây ô nhiễm trên, hoặc hiện tượng vỡ đường ống nước thải có thể gây ô nhiễm cho đường nước cấp hoặc nguồn nước lân cận. Cần nêu rõ chế tài và thời hạn khắc phục các sự cố trên.

Khoản 3 cấm “xả nước thải vào nguồn nước dưới đất” không thực tế vì khó có biện pháp kiểm tra và khó thực hiện, trừ hiện tượng chất thải tự ngấm xuống các tầng nước ngầm như đã nêu trên.

Khoản 7 của Điều 12 cần được viết lại để người đọc hiểu rõ các hanh vi “trái phép” mới bị cấm (cách viết tương tự khoản 2 Điều 1). Hơn nữa, tại Điều 55 lại quy định phải có giấy phép mới cho thăm dò khai thác nước dưới đất. Vậy có cần phải ghi cả 2 điều này trong Luật không vì một điều thì cấm không được khai thác trái phép (nghĩa là không được phép vẫn khai thác), một điều thì quy định phải có giấy phép mới được khai thác? Do đó đề nghị nên bỏ đi một trong hai điều kiện như vậy để không gây trùng lặp, dài dòng.

Về quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước quy định trong Chương II, Điều 13 đề cập về Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Đại biểu Nguyễn Quang Huân bày tỏ băn khoăn đây là quy định về công tác Quy hoạch hay công tác Điều tra? Tại sao lại ghép quy hoạch và điều tra vào một hoạt động? Phần nội dung Quy hoạch nêu trong khoản 3 chỉ đề cập đến công tác Điều tra, thu thập cơ sở dữ liệu ngành nước (phù hợp Điều 14) chứ không phải quy hoạch nên đề nghị giải thích thêm. Nếu coi đây là công tác quy hoạch thì tại Khoản 2 Điều 13 cần bổ sung thêm căn cứ là “Luật Quy hoạch”.

Điều 16 nên sửa lại là “Chiến lược quản lý tài nguyên nước”. Điều 17 nên sửa lại là “Quy hoạch quản lý tài nguyên nước”. Việc điều chỉnh quy hoạch cần được quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, không kìm hãm sự phát triển năng động của từng địa phương gắn với thực tế ở mỗi địa phương trong vùng quy hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, với cách tiếp cận từ dưới lên chứ không phải lúc nào cũng “trên xuống” như thời kỳ kinh tế kế hoạch.

Điều 24, 25 đề cập đến các vấn đề quy hoạch song liên tỉnh có nhiều điểm trùng với Điều 11 của Luật Thủy lợi về quy hoạch thủy lợi nên Ban soạn thảo Dự án Luật cần xem lại.

Về Bảo vệ nguồn nước (Chương III), Điều 27 quy định hành lang bảo vệ nguồn nước là cần thiết. Có một số tài liệu thì gọi là hành lang an toàn. Đề nghị thông nhất tên gọi để mọi đối tượng áp dụng đều có cách hiểu giống nhau về khái niệm.

Điều 28 quy định về dòng chảy tối thiểu cũng là cần thiết, từ đó có thể biết được nguồn nước đã chạm tới ngưỡng “căng thẳng” chưa?

Điều 32, khoản 2 quy định: “không được xả nước thải…vào nguồn nước…” nêu lại Điều 12 – “Các hành vi bị nghiêm cấm” thì có cần thiết không? Trường hợp không cố tình xả nhưng lại để các chất độc hại, gây ô nhiễm ngấm vào nguồn nước thì sao?

Về phòng chống ô nhiễm nước biển (Điều 37) nội dung chưa đề cập đến rác thải đại dương.

Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Chương IV), Điều 42, Khoản 4 quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các lưu vực sông có trách nhiệm tham gia, đóng góp kinh phí xây dựng, vận hành …”. Tuy nhiên, việc tham gia đóng góp như thế nào? Nếu chưa phân định hay nêu ra cách thức cụ thể thì có thể đưa vào Điều 6 về Nguyên tắc quản lý sẽ hợp lý hơn.

Điều 48 đề cập khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt: Khoản 1, điểm a nêu các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khan hiếm nước…, chưa thể hiện được ưu tiên cái gì, ưu tiên như thế nào? Cách viết văn bản luật cần khác với nghị quyết. Mặt khác, Luật Cấp thoát nước đang được đề xuất xây dựng, nên xem xét đưa phần này vào Luật Cấp thoát nước.

Điều 56, Khoản 7, việc chủ đầu tư sử dụng mặt hồ thủy điện để phát triển điện mặt trời nổi thì có cần xin phép sử dụng mặt nước không?

Về chính sách nguồn lực cho tài nguyên nước (Chương VI), Điều 67 nêu 4 nguồn thu cho ngân sách từ hoạt động quản lý tài nguyên nước, cần bổ sung thêm 2 nguồn thu nữa là (1) từ Doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này và (2) quỹ đất phát triển thành đô thị hay cảnh quan tại các khu vực đầu nguồn nước hoặc lưu vực sông.

Điều 68, Khoản 4, điểm b: “Phí BVMT với hoạt động xả thải vào nguồn nước” chỉ nên được áp dụng tại nơi mà nguồn nước chưa bị quá tải. Cần viết lại cho rõ rang hơn.

Điều 70, Khoản 4 quy định về nguyên tắc chi trả dịch vụ bảo vệ, phát triển, tích trữ nước có thể sẽ gây mâu thuẫn với Luật Cấp thoát nước sau này. Cần nghiên cứu kỹ.

Về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước (Chương VIII), Điều 79, Khoản 3 và 5 đề cập phân định trách nhiệm quản lý nước nông thôn giữa Bộ Xây dựng và Bộ NN&PTNT chưa rõ ràng. Bộ NN&PTNT quản lý nước nông thôn nhưng Bộ Xây dựng lại quản lý thoát nước khu tập trung nông thôn có thể sẽ dẫn đến chồng chéo, xung đột nên đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật xem lại nội dung này.

Ngoài ra, cần xem thêm tính khả thi của Luật vì hiện nay theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì mới có 15% nước thải đô thị được xử lý, còn lại 85% là xả thẳng ra sông hồ, nguồn nước và môi trường xung quanh. Như vậy, các hành vi bị cấm trong Điều 12 không thể thực hiện được nên đề nghị xem xét lộ trình để đảm bảo tính khả thi của Luật.

Bảo Trâm (lược ghi và tổng hợp)

 

Tin tức

Người dân Hà Tĩnh phải thấy khát vọng, có niềm tin vào quy hoạch tỉnh

Với núi sông hùng vĩ, Hà Giang phải tạo không gian phát triển mới, khí thế phát triển mới

Tỉnh Hà Giang có thêm điểm nhấn mới về văn hóa, du lịch

Chùm ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Tài nguyên

Kiến nghị báo cáo Thủ tướng dự án cảng gần 7.000 tỷ đồng tại Bình Định

Ngọc Lặc tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

Gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro

Đắk Nông thu hồi gần 1.800 ha đất của dự án lâm nghiệp nhiều vi phạm

Môi trường

Hàng trăm bạn trẻ “khoác áo mới” cho Rạch Xuyên Tâm

Khối thi đua số I và II Bộ TN&MT hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới và Ngày Đại dương Thế giới

Bảo Thắng ra quân thu gom vỏ bao, gói thuốc bảo vệ thực vật

Nha Trang: Đảm bảo vệ sinh môi trường cho Festival Biển 2023

Video

Hưởng ứng ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2023

Chương trình trồng cây "Chùa xanh" tại chùa Linh Quang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Tạp chí Tài nguyên và Môi trường trồng 663 cây tại chùa Linh Quang, Điện Biên

Chương trình Chùa xanh trồng 1008 cây xanh tại chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, Cao Bằng

Diễn đàn

Thời tiết ngày 29/5: Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng, nhiệt độ cao nhất 37 độ C

Thời tiết ngày 28/5: Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to

Triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Thời tiết ngày 27/5: Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to

Phát triển

Chuyển đổi số trong khai thác khoáng sản: Hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Phạm Thiên Ân nói tiếng Việt khi chiến thắng lịch sử ở Cannes

Chuyển đổi số Đà Nẵng trước nhiều thách thức cần “khơi thông”

Diễn đàn “Điện gió và mục tiêu Net Zero vào năm 2050”

Khoa học

Đến năm 2030: Đạt mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường

Sinh viên chế tạo tàu vớt rác sử dụng năng lượng mặt trời

GIS kết hợp với dữ liệu sinh khí hậu trong nghiên cứu và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học

Hội thảo Khoa học Chiếu sáng toàn quốc 2023

Chính sách

Kế hoạch thẩm định Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia

Lâm Đồng hủy bỏ các quy định về việc tách thửa đất nông nghiệp

Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất

Hà Nội: Dân lấn chiếm đất công, chính quyền vào cuộc